Chế tạo kính thông minh dành cho người khuyết tật

(Dân trí) - Sau nhiều thất bại, khó khăn, cuối cùng chiếc kính thông minh HandiGlass của Lê Anh Tiến và Nguyễn Huỳnh Nhật Thương (Đà Nẵng) ra đời. Sáng chế mở ra cơ hội lớn về tiếp cận công nghệ thông tin, giao tiếp, làm việc và học tập cho người khuyết tật.

Chế tạo kính thông minh cho người khuyết tật

Hiện nay, người khuyết tật ở nước ta chiếm 7,8% dân số. Họ không chỉ gặp nhiều rào cản trong cuộc sống mà còn phải phụ thuộc khá nhiều vào người khác. Đa phần họ gặp bế tắc về kinh tế và không có việc làm. Vì vậy, nhu cầu và các cơ hội về giao tiếp, làm việc, học tập thông qua máy vi tính, Internet là rất lớn. Tuy nhiên, người khuyết tật đặc biệt là khuyết tật về tay bị hạn chế trong việc sử dụng và tiếp cận với máy tính Internet là một thiệt thòi vô cùng lớn.


Chàng trai trẻ Lê Anh Tiến - cựu sinh viên ĐH Bách Khoa Đà Nẵng

Chàng trai trẻ Lê Anh Tiến - cựu sinh viên ĐH Bách Khoa Đà Nẵng

Trong một dịp ghé thăm Trung tâm Khuyết tật thành phố Huế, chứng kiến người khuyết tật sử dụng máy tính rất khó khăn, Tiến và một người bạn cùng trường đã nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc kính thông minh để hỗ trợ người khuyết tật giao tiếp với máy tính dễ dàng hơn, từ đó có thể tiếp cận thông tin trên mạng cũng như tìm kiếm công việc.

Tham khảo trên mạng, hai chàng trai biết đến nhiều giải pháp điều khiển máy tính dành cho người khuyết tật tay trên thế giới. Samsung có giải pháp kính thông minh. Loại kính này không phổ biến ở Việt Nam và rất đắt đỏ. Tiến đã quyết định sáng chế loại kính với chức năng tương tự nhưng giá thành rẻ hơn nhiều. Mục tiêu của nhóm là tạo ra một chiếc kính dễ sử dụng với chi phi rẻ, phù hợp với người khuyết tật.

Lê Anh Tiến cùng với chiếc kính thông minh HandiGlass
Lê Anh Tiến cùng với chiếc kính thông minh HandiGlass

HandiGlass là chiếc kính thông minh hỗ trợ người khuyết tật điều khiển con trỏ chuột máy vi tính. HandiGlass có thiết kế đơn giản, gọn nhẹ. Người dùng có thể dễ dàng sử dụng thông qua cử chỉ, di chuyển con trỏ chuột máy tính bằng việc nghiêng đầu theo các hướng. Nhấp chuột bằng cách nhìn vào vị trí cần nhấp (nhấp chuột trái : thời gian nhìn <0.3s, nhấp chuột phải: thời gian nhìn > 0.3s). Ngoài ra, người dùng có thể sử dụng bàn phím thông qua việc nhấp chuột vào bàn phím ảo. Kính sử dụng công nghệ truyền dữ liệu không dây RF. HandiGlass là thiết bị độc lập nhờ sử dụng năng lượng từ pin nhỏ được gắn ở gọng kính. Chỉ cần kết nối với máy tính bằng một thiết bị nhận thông qua chuẩn USB, máy tính sẽ tự động nhận thiết bị và người dùng đã có thể sử dụng thoải mái mà không phải phụ thuộc vào bất cứ phần mềm nào.

Với niềm đam mê công nghệ, nhiệt huyết tuổi trẻ và sự đồng cảm, chia sẻ cùng những hoàn cảnh khó khăn của người khuyết tật, hai chàng trai trẻ thế hệ 9x cùng nhóm bạn đã sáng chế chiếc kính thông minh Handi Glass. Chiếc kính đã mở ra một chân trời mới cho người khuyết tật, nơi mà họ có cơ hội giao tiếp, học hỏi, làm việc cũng như cống hiến cho xã hội.

Hoàng Công