Chế độ ăn của bà bầu có ảnh hưởng đến sức khỏe gan của đứa con?
(Dân trí) - Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là một vấn đề nghiêm trọng và ngày càng gia tăng. Mặc dù nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên quan của bệnh này với tình trang béo phì. Tuy nhiên nghiên cứu mới này cũng cho thấy mỗi liên quan của nó với bệnh béo phì của những người mang bầu.
Điều này có nghĩa là thức ăn mà người mẹ đã nạp trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe gan của đứa con trong tương lai.
Đặc điểm của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là sự tích tụ chất béo trong các tế bào gan. Mặc dù việc tồn tại chất béo trong gan là bình thường nhưng nếu mức độ chất béo tích tụ quá nhiều, nó có thể dẫn đến sẹo mô gan và xơ gan.
Bệnh xơ gan là quá trình mà trong đó tế bào gan dần dần bị biến đổi thành các mô sẹo, gây trở ngại đến chức năng hoạt động của gan.
Ước tính NAFLD ảnh hưởng đến 20 - 30% số người ở các nước phương Tây, và con số này ngày càng tăng lên.
Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh béo phì là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong các nhóm này, tỷ lệ của NAFLD lần lượt tương ứng là 70, 90 %.
Mặc dù một số yếu tố nguy cơ đã được biết rõ, nhưng không phải lúc nào cũng chắc chắn được tại sao một người lại mắc NAFLD trong khi một người khác, tương tự như vậy, lại không. Do sự phổ biến ngày càng gia tăng của NAFLD nên có rất nhiều nghiên cứu hiện đang được tiến hành để có thể hiểu rõ các cơ chế gây nên căn bệnh này.
Nghiên cứu mới nhất về căn bệnh này là của một nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Michael Thompson, khoa nội tiết nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Nationwide ở Ohio đứng đầu. Các kết quả nghiên cứu đã được trình bày tại Hội nghị Experimental Biology 2017, tổ chức tại Chicago, IL mới đây.
Bằng cách sử dụng một mô hình chuột, nghiên cứu này đã tiến hành nghiên cứu chi tiết về các tác động (nếu có) của chế độ ăn uống nhiều chất béo của chuột mẹ lên sức khỏe gan của đứa con.
Tiến sĩ Thompson giải thích lý do về việc quyết định lựa chọn bắt tay vào dự án nghiên cứu này đó là: “Các biến chứng của béo phì là một gánh nặng chi phí rất lớn cho hệ thống y tế, đặc biệt là tình trạng mắc bệnh béo phì đã trở nên phổ biến. Việc hiểu rõ
Việc tìm hiểu chế độ ăn của các bà mẹ đã tác động lên các bệnh liên quan đến béo phì như thế nào, chẳng hạn như bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, sẽ cho phép chúng ta phát triển được các liệu pháp phòng bệnh có chi phí thấp để dự phòng trước thay vì đợi xuất hiện các biến chứng của bệnh gây nên.
Liệu chế độ ăn của bà mẹ có làm tăng nguy cơ con mắc NAFLD?
Khi phân tích các dữ liệu, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng những con chuột mang thai có chế độ ăn nhiều chất béo trong quá trình thai chuột phát triển đã dẫn đến những thay đổi trong gan và những thay đổi này kéo dài đến cả khi chuột con trưởng thành và thậm chí, những thay đổi này vẫn tiếp tục ngay cả khi chuột con được nuôi dưỡng với chế độ ăn ít chất béo sau khi sinh.
Nếu tác dụng này được xác nhận ở người, điều này có nghĩa là một người có cân nặng khỏe mạnh vẫn có thể có nguy cơ mắc bệnh NAFLD nếu mẹ họ bị béo phì trong thời kỳ mang thai.
Khi nhóm nghiên cứu xem xét kỹ hơn các dữ liệu, họ nhận thấy rằng mật độ acid mật gan và các gen liên quan đến sự điều chỉnh của nó đã bị biến đổi ở những con chuột con được sinh ra từ những con chuột mẹ bị béo phì. Điều này cho thấy rằng những con chuột con mới sinh có thể mắc chứng ứ mật, một căn bệnh mà trong đó lương lượng thông thường của mật bị gián đoạn.
Như vậy, nếu con người từ những bà mẹ béo phì có cùng nguy cơ phát triển xơ hóa như chúng ta thấy ở chuột, chúng ta có thể đoán được ai sẽ phát triển bệnh nghiêm trọng hơn.
“Việc nhận biết được ai sẽ là người có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hơn sẽ biết rõ bệnh nhân nào cần phải điều trị tích cực hơn. Hơn nữa, việc hiểu rõ các cơ chế sinh học liên quan đến nguy cơ gia tăng căn bệnh này có thể mang lại những liệu pháp điều trị phòng ngừa bệnh”, Tiến sĩ Michael Thompson cho biết.
Mặc dù các kết quả sẽ cần được xác nhận, tuy nhiên các kết quả này đã mở ra một loạt các vấn đề mới.
Thompson và nhóm của ông hiện đang lên kế hoạch cho các nghiên cứu tiếp theo nhằm điều tra nguy cơ tiến triển bệnh. Bằng cách sử dụng cùng một mô hình chuột, họ cũng đang tiến hành thiết kế các nghiên cứu để kiểm tra các liệu pháp dự phòng có thể được sử dụng trong thai kỳ hoặc ngay sau khi sinh.
Do tỷ lệ mắc NAFLD ngày càng gia tăng mạnh nên việc ngăn ngừa hoặc làm chậm lại tình trạng căn bệnh này có thể mang lại những lợi ích sức khỏe to lớn cho con người.
P.T.T-NASATI (Theo Medical News Today)