Châu chấu đã tàn phá Trái đất từ trước khi khủng long ra đời

Minh Khôi

(Dân trí) - Được mệnh danh "máy xén cỏ", châu chấu là một trong những nhóm côn trùng phổ biến nhất trên thế giới, đặt ra nhiều bài toán thách thức trong đảm bảo an ninh lương thực.

Châu chấu đã tàn phá Trái đất từ trước khi khủng long ra đời - 1

Châu chấu bám kín cây xanh ở Lạng Sơn (Ảnh: Đ.K.).

Ngày 29/5, UBND huyện Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn) cho biết, trên địa bàn xuất hiện châu chấu tre lưng vàng phá hại rừng tre, vầu, nứa,.. tại 3 thôn của xã Thiện Hòa, với mật độ khoảng 600-1000 con/bụi.

Những con châu chấu này đã ăn trụi lá, diện tích phá hại ước tính khoảng 10ha. Dự kiến trong thời gian tới châu chấu tre lưng vàng có thể tiếp tục phát sinh, gây hại tại các rừng tre, nứa, vầu, lúa, ngô,...

"Máy xén cỏ" tồn tại từ trước loài khủng long 

Châu chấu là một trong những nhóm côn trùng phổ biến nhất trên thế giới. Chúng có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi, từ đồng cỏ, rừng mưa nhiệt đới, cho tới những dãy núi biệt lập hay thậm chí sa mạc đầy cát.

Đây là loài vật nằm trong lớp côn trùng ăn cỏ cổ xưa nhất, có tên gọi Acrididae. Chúng xuất hiện sớm nhất từ kỷ Triassic, cách đây khoảng 250 triệu năm. Như vậy, châu chấu có từ trước cả khi loài khủng long bước đi trên Trái Đất (khoảng 230 triệu năm trước).

Đến nay, có khoảng 10.000 loài châu chấu tồn tại trên thế giới. Châu chấu tre lưng vàng dài xuất hiện ở Lạng Sơn là loài sống thành đàn, có sức tàn phá lớn đối với hoa màu, cây trồng của người dân, rất khó kiểm soát. Thức ăn yêu thích của chúng là ngô, tre, lúa.

Châu chấu đã tàn phá Trái đất từ trước khi khủng long ra đời - 2

Tổ tiên của châu chấu có nguồn gốc từ khu vực Nam Mỹ (Ảnh: Getty).

Nhìn chung, châu chấu có thể dễ dàng được tìm thấy ở châu Phi và châu Á, do đặc điểm được bao phủ bởi các khu rừng mưa nhiệt đới. Song các nghiên cứu khoa học cho biết, tổ tiên của châu chấu thực ra có nguồn gốc từ khu vực Nam Mỹ. 

Khoảng 57 triệu năm trước, châu chấu bắt đầu thực hiện hành trình vượt Đại Tây Dương, tiến tới châu Phi, và sau đó nhanh chóng lan rộng sang Châu Âu và Châu Á, tiến tới quy mô toàn cầu.

Theo tính toán, một con châu chấu có thể ăn thực vật bằng một nửa trọng lượng cơ thể của nó mỗi ngày.

Trên quy mô toàn cầu, châu chấu gây thiệt hại ước tính hàng tỷ USD cho cây trồng nông nghiệp mỗi năm. Chỉ riêng ở Mỹ, châu chấu mỗi năm đã gây thiệt hại khoảng 1,5 tỷ USD.

Con người đối phó ra sao với "đại dịch châu chấu"?

Châu chấu được biết đến là loài côn trùng có hại cho nhà nông, cho cây trồng, nhưng với số lượng không thể kiểm soát, chúng vẫn là bài toán lớn cho các quốc gia phụ thuộc vào nền nông nghiệp.

Theo National Geographic, đặc điểm của châu chấu là chúng di chuyển từ vùng này sang vùng khác với số lượng rất đông đảo, có thể lên tới hàng triệu, hàng tỷ con. 

Những đàn châu chấu có thể di chuyển trên đất liền hoặc qua biển. Chúng tiêu thụ tất cả các loại cây trồng và thực vật, khiến toàn bộ thảm thực vật có thể bị tàn phá, dẫn tới nguồn lương thực bị mất đi. 

Châu chấu đã tàn phá Trái đất từ trước khi khủng long ra đời - 3

Một đàn châu chấu sa mạc bay qua trang trại gần thị trấn Nanyuki, hạt Laikipia, Kenya (Ảnh: Reuters).

Tên gọi "đại dịch châu chấu" cũng bắt nguồn từ đây mà ra. Điểm nguy hiểm của đại dịch châu chấu là chúng có thể gây ra nạn đói trên diện rộng, và sau đó là bệnh dịch. Các quốc gia ở Châu Phi từng là nơi hứng chịu đại dịch châu chấu nặng nề nhất.

Ở một số quốc gia như Pakistan, quân đội gồm bộ binh và máy bay thậm chí được huy động để thực hiện các cuộc "thanh sát" châu chấu tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng và tiến hành phun thuốc.

Ở Kenya, một công ty nông nghiệp tái sinh thì tìm được giải pháp giúp biến đại dịch châu chấu thành cơ hội để phát triển nông nghiệp.

Họ khuyến khích người dân bắt châu chấu, bằng cách cung cấp dụng cụ thu bắt, đồng thời trả 50 shilling Kenya (tương đương 0,4566 USD) cho mỗi kg châu chấu, rồi sau đó đem đi xay xát, chế biến thành bột.

Bột này sau đó được đưa vào một dây chuyền sản xuất, tạo thành thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ có ích cho các trang trại.

Đây được xem là sáng kiến hiệu quả cho các khu vực dân cư, vốn không thể phun thuốc diệt côn trùng, mà vẫn góp phần đảm bảo an ninh lương thực.