Cầu vồng ngược hay ảo ảnh "trêu ngươi" người xem của tạo hóa?

Minh Khôi

(Dân trí) - Cầu vồng ngược được nhà thiên văn học kiêm giáo viên tiểu học người Ý Marcella Giulia Pace phát hiện khi mặt trời chuẩn bị lặn trên bầu trời ngày 24/2.

Cầu vồng ngược hay ảo ảnh trêu ngươi người xem của tạo hóa? - 1

Cầu vồng ngược xuất hiện phía trên cây cọ ở Sicily (Ảnh: NASA).

NASA mới đây đã chia sẻ một tấm ảnh tuyệt đẹp, chụp lại một cầu vồng ngược, hay còn gọi là "vòng cung hình tròn", xuất hiện phía trên một cây cọ ở Sicily - vùng hành chính tự trị của Ý. Theo NASA, cầu vồng đặc biệt này là một thí dụ điển hình về khái niệm "quầng băng", hay sản phẩm của sự khúc xạ và phản xạ đồng thời diễn ra bên trong các tinh thể băng hình lục giác trên mặt phẳng.

Theo lý giải, chúng không phải là cầu vồng thực sự, nhưng được tạo ra bởi một quá trình tương tự. Cụ thể, trong khi cầu vồng là kết quả của sự phản xạ và làm lệch hướng ánh sáng mặt trời khi đi qua những hạt mưa, thì cầu vồng ngược và quầng sáng tương tự là kết quả của sự lệch hướng ánh sáng khi chúng đi qua các tinh thể băng lơ lửng trên cao trong bầu khí quyển.

Các tinh thể băng này có thể xuất hiện ở nhiều hình dạng và có hướng di chuyển khác nhau. Trong đó, mỗi hình dạng lại dẫn đến một dạng vòng cung hoặc vầng hào quang với kiểu hiển thị khác nhau. 

Cầu vồng được hình thành thế nào?

Cầu vồng là một vòng cung nhiều màu, được định nghĩa là hiện tượng tán sắc của ánh sáng Mặt Trời khi chúng khúc xạ và phản xạ qua các giọt nước mưa.

Theo đó, ánh sáng đi vào giọt nước bị khúc xạ và hướng của nó bị thay đổi. Sau đó, ánh sáng đó phản chiếu ra mặt sau của giọt nước.

Khi ánh sáng phản xạ này rời khỏi giọt nước, nó lại bị khúc xạ ở nhiều góc độ, dẫn tới sự thay đổi màu sắc.

Quang phổ mà chúng ta nhìn thấy bao gồm ánh sáng có nhiều bước sóng khác nhau. Trong đó, màu đỏ có bước sóng dài nhất và màu tím là bước sóng ngắn nhất.

Do ánh sáng của mỗi bước sóng bị phản xạ ở một góc khác nhau, dẫn tới quang phổ bị tách ra, tạo nên cầu vồng.

Hiện tượng thú vị với cầu vồng ngược được nhà thiên văn học kiêm giáo viên tiểu học người Ý, Marcella Giulia Pace, 47 tuổi, phát hiện khi mặt trời chuẩn bị lặn trên bầu trời ngày 24/2 vừa qua.

Marcella gắn kèm chú thích, cho rằng hiện tượng độc đáo này có thể đã xuất hiện "vô số lần" trên bầu trời, nhưng dễ dàng bị bỏ qua vì chúng ta quá bận rộn cúi mặt vào chiếc điện thoại, hay tất bật với những công việc thường nhật.

Nhiều địa phương gọi hiện tượng này là "cầu vồng cười", do màu sắc của nó bị đảo ngược so với các loại cầu vồng phổ biến mà chúng ta thường quan sát thấy, và có hình dạng giống như một nụ cười.

"Trong tất cả các hiện tượng có vầng hào quang, đây là trường hợp có màu sắc sống động và tươi tắn nhất. Như bạn có thể thấy trong bức ảnh, nó thậm chí còn sống động hơn cả những cầu vồng thông thường", NASA chú thích trong bài viết được đăng tải.

Tấm ảnh được NASA lựa chọn làm "Hình ảnh Thiên văn trong ngày".

Theo www.dailymail.co.uk