1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Cận cảnh đài quan sát thiên văn cách đây 2300 năm, chính xác tới kinh ngạc

Minh Khôi

(Dân trí) - Rất lâu trước khi người Inca lên nắm quyền và bắt đầu tôn vinh vị thần Mặt Trời của họ, một nền văn minh ít được biết đến đã xây dựng đài quan sát thiên văn sớm nhất ở châu Mỹ.

Cận cảnh đài quan sát thiên văn cách đây 2300 năm, chính xác tới kinh ngạc - 1

Cận cảnh đài quan sát thiên văn cổ đại Chankillo gồm 13 ngọn tháp (Ảnh: Getty Images).

Mặc dù không quá lâu đời như di tích Stonehenge, nhưng tàn tích cổ đại được biết đến với cái tên Chankillo vẫn được coi là một "kiệt tác sáng tạo đầy thiên tài nhân loại", mang đến những nét độc đáo không thể thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Nằm ở vùng sa mạc ven biển tại Peru, di tích nổi tiếng gồm 13 ngọn tháp được làm bằng đá, kéo dài khoảng 300 mét từ Bắc xuống Nam, cùng nhau tạo nên "đường chân trời" ngay trên một ngọn đồi nhỏ.

Kỳ quan được hoàn thành từ hơn 2.300 năm trước và bị bỏ hoang suốt thế kỷ đầu sau Công nguyên. Chỉ khi các cuộc khai quật chính thức bắt đầu vào đầu thế kỷ 21, các nhà khảo cổ mới nhận ra những gì họ đang thấy chính là một đài quan sát thiên văn.

Khi Mặt Trời mọc ở phía Đông, ánh sáng sẽ chiếu rọi qua khe giữa 2 ngọn tháp bất kỳ, rồi chạy dọc theo sườn tháp. Kết cấu này được thiết kế cẩn thận đến mức khi người xem đứng ở một điểm quan sát cụ thể bên dưới sườn núi, họ có thể dự đoán được thời gian trong năm dựa vào cách quan sát Mặt Trời mọc và lặn, với sai lệch chỉ từ 2 - 3 ngày.

Thí dụ như vào ngày Hạ chí, Mặt Trời mọc ở tận cùng bên phải của tháp ngoài cùng bên phải. Trong khi đó, vào ngày Đông chí, Mặt Trời mọc ở bên trái của tháp ngoài cùng bên trái.

Cận cảnh đài quan sát thiên văn cách đây 2300 năm, chính xác tới kinh ngạc - 2

Vị trí Mặt Trời lặn vào ngày Điểm phân tháng 9 khi nhìn trên đài quan sát (Ảnh: World Monuments Fund).

Ngoài cấu trúc được gọi là "13 ngọn tháp" này, tàn tích của đài quan sát còn bao gồm một khu phức hợp gồm 3 bức tường trên đỉnh đồi, được gọi là "Đền kiên cố" và 2 khu phức hợp được gọi là "Đài quan sát" và "Trung tâm quản lý".

"Không giống như sự sắp xếp kiến trúc đơn giản dựa trên 1 mục tiêu thiên văn duy nhất được tìm thấy ở nhiều di tích cổ đại trên thế giới, kì quan gồm những ngọn tháp này là một phức hợp được thiết lập chặt chẽ, cho khả năng quan sát dựa thời điểm Mặt Trời mọc và lặn, từ đó giúp nhận biết chính xác các ngày trong năm", UNESCO viết trong một mô tả.

Theo các nhà khảo cổ, nền văn minh cổ đại đã thiết kế nên đài quan sát mặt trời này hầu như không được biết đến, nhưng đây có thể sẽ là một trong những nền văn hóa lâu đời nhất từng sinh sống ở châu Mỹ.

Trên thực tế, nền văn hóa này thậm chí tồn tại trước cả nền văn hóa Inca, vốn cũng rất xuất sắc trong lĩnh vực thiên văn học, cách đây hơn 1.000 năm. Bởi tàn tích Chankillo nằm ở sa mạc ven biển giữa sông Casma và sông Sechin ở Peru, nên các nhà nghiên cứu tạm gọi đây là văn hóa Casma-Sechin.

Cận cảnh đài quan sát thiên văn cách đây 2300 năm, chính xác tới kinh ngạc - 3

Tổng thể kết cấu của đài quan sát mặt trời thời cổ đại Chankillo khi nhìn từ trên cao (Ảnh: Getty Images).

Tương tự như người Inca, nền văn minh này có lẽ đã coi Mặt Trời là một vị thần của họ. Những dấu vết còn sót lại của bậc cầu thang dẫn lên mỗi ngọn tháp gợi ý rõ ràng rằng địa điểm này đã từng được sử dụng cho các nghi lễ.

Năm 2021, Khu phức hợp địa cổ học Chankillo chính thức gia nhập "Danh sách Di sản Thế giới" của UNESCO nhờ tay nghề thủ công xuất sắc của những người tạo nên chúng, đồng thời cho thấy cái nhìn sâu sắc về thế giới của các xã hội cổ đại.

"Đài quan sát mặt trời Chankillo là bằng chứng về đỉnh cao của quá trình tiến hóa lịch sử lâu dài của các hoạt động thiên văn ở Thung lũng Casma", UNESCO viết.

Theo www.sciencealert.com