1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Những trận dịch bệnh tồi tệ nhất trong lịch sử, hủy diệt các nền văn minh

Nam Đoàn

(Dân trí) - Những trận dịch và đại dịch tồi tệ nhất đã tàn phá nhân loại trong suốt sự tồn tại của nó, thậm chí đã xóa sổ một nửa dân số của châu Âu trong lịch sử.

Những trận dịch bệnh tồi tệ nhất trong lịch sử, hủy diệt các nền văn minh - 1
Trong đại dịch Cúm Tây Ban Nha, một nhân viên đeo khẩu trang chống virus ở Thành phố New York, Mỹ năm 1918 (Ảnh: Public domain).

Một số trận dịch và đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử đã hủy diệt toàn bộ các nền văn minh, giết chết hàng triệu người. 

Mặc dù những đợt bùng phát dịch bệnh khủng khiếp này vẫn đe dọa nhân loại, nhưng nhờ những tiến bộ của dịch tễ học mà chúng ta không còn phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc như tổ tiên chúng ta đã từng trải qua.

Dưới đây là những trận dịch và đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử, có niên đại từ thời tiền sử đến hiện đại.

1. Dịch bệnh thời tiền sử (khoảng 3.000 năm trước Công nguyên)

Những trận dịch bệnh tồi tệ nhất trong lịch sử, hủy diệt các nền văn minh - 2
Việc phát hiện ra ngôi nhà 5.000 năm tuổi ở Trung Quốc chứa đầy những bộ xương là bằng chứng về một trận dịch chết người (Ảnh: Viện Khảo cổ học Trung Quốc).

Khoảng 5.000 năm trước, một trận dịch đã quét sạch một ngôi làng thời tiền sử ở Trung Quốc. Xác những người chết chất đống bên trong một ngôi nhà sau đó đã bị thiêu rụi, bao gồm nhiều nhóm tuổi nhiễm bệnh, vì bộ xương của trẻ vị thành niên, thanh niên và người trung tuổi được tìm thấy trong một ngôi nhà.

Địa điểm khảo cổ hiện nay được gọi là "Hamin Mangha" và là một trong những địa điểm thời tiền sử được bảo tồn tốt nhất ở Đông Bắc Trung Quốc. Nghiên cứu khảo cổ học và nhân chủng học chỉ ra rằng, dịch bệnh xảy ra nhanh đến mức không có thời gian để chôn cất và địa điểm này không có người sinh sống trở lại. 

Trước khi phát hiện ra Hamin Mangha, một khu chôn cất hàng loạt thời tiền sử khác có cùng khoảng thời gian đã được tìm thấy tại một địa điểm gọi là Miaozigou, Trung Quốc. Những khám phá này cho thấy rằng một trận dịch đã tàn phá toàn bộ khu vực. 

2. Bệnh dịch hạch Antonine (khoảng 165-180 sau Công Nguyên)

Những trận dịch bệnh tồi tệ nhất trong lịch sử, hủy diệt các nền văn minh - 3
Những người lính La Mã có khả năng đã mang bệnh đậu mùa về nhà sau khi đi chinh phục các nước, làm phát sinh bệnh dịch hạch Antonine (Ảnh: Shutterstock).

Nhiều nhà sử học tin rằng, dịch bệnh lần đầu tiên được đưa vào Đế chế La Mã bởi những người lính trở về nhà sau cuộc chiến chống Parthia. Dịch bệnh đã góp phần vào sự kết thúc của Pax Romana, giai đoạn từ năm 27 trước Công nguyên đến năm 180 sau Công nguyên, khi La Mã đang ở đỉnh cao quyền lực. 

Sau năm 180 sau Công nguyên, sự bất ổn gia tăng trên khắp Đế chế La Mã, khi quốc gia trải qua nhiều cuộc nội chiến và các cuộc xâm lược của các nhóm "man rợ". 

3. Dịch bệnh ở Cyprian (khoảng 250-271 sau Công Nguyên)

Những trận dịch bệnh tồi tệ nhất trong lịch sử, hủy diệt các nền văn minh - 4
Hài cốt được tìm thấy nơi một ngọn lửa thiêu rụi nhiều nạn nhân của một trận dịch cổ đại ở thành phố Thebes của Ai Cập (Ảnh: ONLUS).

Được đặt theo tên của Thánh Cyprian, một vị giám mục của Carthage, thành phố Tunisia, ông đã mô tả dịch bệnh là dấu hiệu của ngày tận thế, căn bệnh này ước tính đã giết chết 5.000 người mỗi ngày ở Rome, quốc gia Ý ngày nay.

Vào năm 2014, các nhà khảo cổ học ở Luxor, Ai Cập đã tìm thấy nơi có vẻ như là một khu chôn cất hàng loạt các nạn nhân của bệnh dịch hạch. Cơ thể của họ được bao phủ bởi một lớp vôi dày (trong lịch sử được sử dụng như một chất khử trùng). 

Các nhà khảo cổ tìm thấy ba lò nung được sử dụng để sản xuất vôi và hài cốt của các nạn nhân bệnh dịch hạch bị đốt cháy trong một đống lửa lớn. Các chuyên gia không chắc chắn bệnh gì đã gây ra dịch. 

4. Cái chết đen (1346-1353)

Những trận dịch bệnh tồi tệ nhất trong lịch sử, hủy diệt các nền văn minh - 5
Các nạn nhân của bệnh dịch hạch được chôn cất tại Tournai, nơi ngày nay là Bỉ, vào khoảng năm 1349 (Ảnh: Getty).

Cái chết đen đã đi từ châu Á sang châu Âu, để lại sự tàn phá sau đó. Một số ước tính cho rằng, nó đã xóa sổ hơn một nửa dân số châu Âu. được gây ra bởi chủng vi khuẩn Yersinia pestis có khả năng đã tuyệt chủng ngày nay và do loài bọ chét lây lan trên các loài gặm nhấm bị nhiễm bệnh. 

Thi thể các nạn nhân được chôn trong các ngôi mộ tập thể. Bệnh dịch này đã thay đổi tiến trình lịch sử của châu Âu với rất nhiều người chết, lao động trở nên khó kiếm hơn và mang lại kết thúc của hệ thống chế độ nông nô của châu Âu. 

Các nghiên cứu cho thấy việc thiếu lao động giá rẻ cũng có thể góp phần vào quá trình đổi mới công nghệ.

5. Đại dịch cúm (1889-1890)

Những trận dịch bệnh tồi tệ nhất trong lịch sử, hủy diệt các nền văn minh - 6
Bản khắc gỗ cho thấy các y tá chăm sóc bệnh nhân ở Paris, Pháp trong đại dịch cúm năm 1889-1890 giết chết khoảng 1 triệu người (Ảnh: Shutterstock).

Trong thời đại công nghiệp hiện đại, các hình thức liên kết vận chuyển mới đã khiến virus cúm dễ dàng lây lan và tàn phá hơn. Trong vài tháng, căn bệnh này đã lan rộng ra toàn cầu, giết chết 1 triệu người và trong khoảng thời gian chỉ 5 tuần để dịch bệnh đạt đến tỷ lệ tử vong cao nhất.

Các trường hợp sớm nhất đã được báo cáo ở Nga. Virus này đã lây lan nhanh chóng khắp thành phố Saint Petersburg trước khi nó nhanh chóng xâm nhập khắp châu Âu và phần còn lại của thế giới, mặc dù thực tế là chưa có du lịch bằng đường hàng không thời điểm đó.

6. Bệnh AIDS (1981 đến nay)

Những trận dịch bệnh tồi tệ nhất trong lịch sử, hủy diệt các nền văn minh - 7
AIDS đã trở thành một đại dịch toàn cầu vào những năm 1980 và tiếp tục là một đại dịch ở một số nơi trên thế giới (Ảnh: Mario Suriani).

Bệnh dịch AIDS đã cướp đi sinh mạng của khoảng 35 triệu người kể từ khi nó được phát hiện lần đầu tiên do virus HIV gây ra, nó có khả năng được phát triển từ một loại virus ở loài tinh tinh được truyền sang người ở Tây Phi vào những năm 1920. 

Virus này đã lan rộng khắp thế giới và AIDS là một đại dịch vào cuối thế kỷ 20. Hiện nay, khoảng 64% trong số ước tính khoảng 40 triệu người sống với virus này, chúng gây suy giảm miễn dịch nặng nề ở người nhiễm HIV.

Trong nhiều thập kỷ, căn bệnh chưa có phương pháp chữa trị. Vào năm 1990, các nhà khoa học đã phát triển ra loại thuốc cho phép những người mắc bệnh có thể trải qua cuộc sống bình thường với việc điều trị thường xuyên. 

Một điều đáng mừng là, nhờ sự tiến bộ của khoa học, tính đến đầu năm 2020 đã có hai người được chữa khỏi HIV.

7. Dịch bệnh Ebola ở Tây Phi (2014-2016)

Những trận dịch bệnh tồi tệ nhất trong lịch sử, hủy diệt các nền văn minh - 8
Các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ trước khi vào đơn vị điều trị Ebola ở Liberia trong đợt bùng phát dịch bệnh vào năm 2014 (Ảnh: Sally Ezra).

Đại dịch Ebola đã tàn phá Tây Phi từ năm 2014 đến năm 2016, với 28.600 trường hợp được báo cáo và khiến 11.325 trường hợp tử vong. Trường hợp đầu tiên được phát hiện là ở Guinea vào tháng 12/2013, sau đó bệnh nhanh chóng lây lan sang Liberia và Sierra Leone. 

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong xảy ra ở ba quốc gia đó. Một số ít hơn các trường hợp xảy ra ở Nigeria, Mali, Senegal, Mỹ và Châu Âu, 

Hiện nay, không có cách chữa khỏi Ebola, mặc dù những nỗ lực tìm kiếm vaccine vẫn đang được tiến hành. Các trường hợp Ebola đầu tiên được biết đến xảy ra ở Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1976, và virus có thể bắt nguồn từ loài dơi. 

8. Đại dịch Covid-19 (2019 đến nay)

Những trận dịch bệnh tồi tệ nhất trong lịch sử, hủy diệt các nền văn minh - 9

Bên trong khu điều trị bệnh nhân "hậu Covid-19" tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra, do virus SARS-CoV-2 gây nên, đây có thể là đợt bùng phát virus chết người lớn nhất thế giới trong hơn một thế kỷ qua. Theo Live Science, từ lần phát hiện ban đầu vào tháng 12/2019 đến giữa tháng 12 năm 2020, dịch bệnh này đã lây nhiễm ít nhất 75 triệu người và gây ra 1,6 triệu ca tử vong. 

Tính đến tháng 9/2021, Covid-19 đã giết chết nhiều người hơn ở Mỹ so với bệnh cúm Tây Ban Nha đã gây ra trong đại dịch cúm năm 1918. Tổng cộng đại dịch năm 1918 đã cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người trên toàn thế giới, trong tổng dân số toàn cầu khoảng 1,8 tỷ người lúc bấy giờ.

Số người chết trong đại dịch Covid-19 cao, một phần là do không có vaccine vào thời điểm đó, đồng thời các bác sĩ thiếu thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm trùng thứ cấp. 

Để so sánh, dân số toàn cầu ngày nay là gần 8 tỷ người và tính đến giữa tháng 8/2022, khoảng 6,4 triệu người đã chết vì Covid-19, mặc dù số người chết được báo cáo có thể thấp hơn tổng số thực.

Theo www.livescience.com