Các chuyên gia cảnh báo trạm "Thiên Cung" của Trung Quốc có thể rơi xuống Trái đất
(Dân trí) - Xác suất mảnh vỡ của trạm thí nghiệm không gian "Thiên Cung- 1" không cháy trong các lớp dày đặc của khí quyển sẽ rơi xuống Trái đất vào tháng Tư là 60%, theo dự báo cập nhật trên cổng thông tin của Mỹ chuyên theo dõi rác vũ trụ.
Theo bản phân tích về hướng di chuyển, "Thiên Cung-1" rơi trong khí quyển có thể diễn ra vào tháng Tư, với xác suất là 60%. Dự báo sẽ được cập nhật theo số liệu đo quỹ đạo mới.
Người ta cho rằng hầu hết các bộ phận của trạm thí nghiệm sẽ được đốt cháy khi rơi xuống, nhưng một số mảnh vật liệu chịu lửa có thể tiếp xúc với Trái Đất.
Vào cuối tháng Ba năm 2016, trạm "Thiên Cung- 1" hay còn gọi là Tiangong-1 đã hoàn toàn ngừng hoạt động. Thời gian sử dụng của nó đã vượt quá 2,5 năm. Trước đó, "Thiên Cung-1" đã được dự kiến sẽ đốt cháy trong bầu khí quyển của Trái đất vào cuối năm 2017, nhưng sau đó dự báo dự đoán rằng trạm không gian của Trung Quốc sẽ chấm dứt tồn tại vào mùa xuân năm 2018.
Tiangong-1, hay "Thiên cung 1", phòng thí nghiệm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc, đã được đưa vào quỹ đạo vào năm 2011 để thực hiện các thí nghiệm gắn kết vào quỹ đạo như là một phần trong chương trình không gian đầy tham vọng của Trung Quốc, nhằm mục đích đặt một trạm cố định lên quỹ đạo vào năm 2023.
Việc thúc đẩy chương trình không gian của Trung Quốc là một ưu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông kỳ vọng Trung Quốc trở thành một cường quốc không gian toàn cầu với các chuyến bay vũ trụ dân dụng tiên tiến và các khả năng tăng cường an ninh quốc gia.
Trung Quốc nhấn mạnh chương trình vũ trụ của họ chỉ nhằm mục đích hoà bình, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng chương trình của họ có thể nhằm ngăn chặn các bên chống đối sử dụng tài sản vũ trụ trong thời kỳ khủng hoảng.
Ban đầu, Tiangong-1 dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào năm 2013 nhưng Trung Quốc đã nhiều lần gia hạn hoạt động cho nó. Việc trì hoãn đưa trạm này trở lại trái đất, mà Trung Quốc nói sẽ xảy ra vào cuối năm 2017, đã khiến một số chuyên gia cho rằng phòng thí nghiệm vũ trụ này có thể bị nằm ngoài tầm kiểm soát.
M.P (Tổng hợp)