Cá thể tê giác Sumatra cực quý hiếm vừa chào đời

T.Thủy

(Dân trí) - Một con tê giác Sumatra cực quý hiếm và sắp bị tuyệt chủng vừa được chào đời trong môi trường nuôi nhốt ở đảo Sumatra, Indonesia. Hiện số lượng tê giác Sumatra chỉ còn chưa đến 50 con trên toàn cầu.

Con tê giác Sumatra cái có tên Delilah vừa đón chào đứa con đầu lòng của con vật, một con tê giác non nặng 25kg. Con tê giác non này được chào đời tại khu bảo tồn tê giác Sumatra, thuộc Công viên Quốc gia Way Kambas (tỉnh Lampung), phía nam đảo Sumatra, Indonesia.

Con tê giác Sumatra non vừa được chào đời tại Indonesia (Ảnh: Bộ Lâm nghiệp và Môi trường Indonesia).

Con tê giác Sumatra non vừa được chào đời tại Indonesia (Ảnh: Bộ Lâm nghiệp và Môi trường Indonesia).

Con tê giác non vừa chào đời là thành quả của mối tình giữa Delilah và con tê giác đực có tên Harapan, sinh ra tại Vườn thú Cincinnati (Mỹ) vào năm 2006. Harapan là tê giác Sumatra cuối cùng trên thế giới được hồi hương trở về Indonesia, nghĩa là toàn bộ quần thể tê giác Sumatra hiện nay đều sống tại Indonesia.

Hiện số lượng tê giác Sumatra chưa đến 50 cá thể, trong đó một phần đang sống trong môi trường nuôi nhốt và được chăm sóc đặc biệt.

Tê giác Sumatra bị đe dọa bởi mất môi trường sống và bị những kẻ săn trộm giết để lấy sừng, vốn có giá trị cao khi làm đồ trang trí hoặc sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc, mặc dù trên thực tế các nhà khoa học đã chứng minh sừng tê giác cũng giống như móng tay của con người, không có giá trị về mặt y học.

"Đây là con tê giác Sumatra thứ 2 được chào đời trong năm 2023. Điều này cho thấy cam kết của chính phủ Indonesia đối với các nỗ lực bảo tồn tê giác tại Indonesia, đặc biệt là tê giác Sumatra", Bộ trưởng Lâm nghiệp và Môi trường Indonesia Siti Nurbaya Bakar cho biết.

Bộ trưởng Bakar chia sẻ thêm phải đến năm 2012, con tê giác Sumatra đầu tiên mới được chào đời trong điều kiện nuôi nhốt tại Indonesia sau 124 năm. Kể từ đó cho đến nay, những nỗ lực nhân giống bán tự nhiên đã giúp có thêm 5 tê giác Sumatra con được chào đời tại khu bảo tồn Way Kambas.

Nhân viên tại Khu bảo tồn Way Kambas cho biết Delilah đã sinh con sớm hơn 10 ngày so với dự kiến. Tuy nhiên, 2 mẹ con tê giác hiện hoàn toàn khỏe mạnh. Con tê giác non đã có thể đứng thẳng để bú mẹ và đi lại được.

Con tê giác non chào đời sớm 10 ngày, nhưng hoàn toàn khỏe mạnh (Ảnh: Bộ Lâm nghiệp và Môi trường Indonesia).

Con tê giác non chào đời sớm 10 ngày, nhưng hoàn toàn khỏe mạnh (Ảnh: Bộ Lâm nghiệp và Môi trường Indonesia).

Trước đó vào tháng 9, Ratu - một con tê giác Sumatra cái 23 tuổi - đã sinh ra một con tê giác non ở khu bảo tồn tỉnh Lampung, Indonesia. Theo các nhà khoa học, tuổi thọ trung bình của tê giác Sumatra là từ 35 đến 40 năm.

Tê giác Sumatra được luật pháp Indonesia bảo vệ nghiêm ngặt và được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đưa vào danh sách các loài động vật cực kỳ nguy cấp, có khả năng bị tuyệt chủng. Hiện có chưa đến 50 cá thể tê giác Sumatra, trong đó chỉ có khoảng 30 cá thể trưởng thành.

Tê giác Sumatra là loài tê giác nhỏ nhất còn tồn tại và là loài tê giác châu Á duy nhất có hai sừng. Loài tê giác này sống trong rừng rậm nhiệt đới và các vùng đất thấp, chủ yếu trên đảo Sumatra của Indonesia. Đây là loài ăn thực vật, với chế độ ăn rất đa dạng, bao gồm 100 loài thực vật khác nhau.

Tê giác Sumatra đang ở tình trạng nguy cấp và có khả năng tuyệt chủng (Ảnh: WWF).

Tê giác Sumatra đang ở tình trạng nguy cấp và có khả năng tuyệt chủng (Ảnh: WWF).

Tê giác Sumatra có 2 sừng, với sừng phía trước lớn và dài hơn (từ 25 đến 79cm), trong khi chiếc sừng thứ 2 nhỏ hơn, dài chỉ khoảng 10cm. Chính những chiếc sừng này là nguyên do khiến tê giác Sumatra trở thành mục tiêu giết hại của bọn săn trộm.

Tê giác Sumatra cái mang thai kéo dài từ 15 đến 16 tháng và sẽ sinh, chăm sóc con non trong 3 năm, sau đó mới bắt đầu thời kỳ mang thai trở lại.

Theo Popsci/Rhinos