Cá robot có thể bơi nhiều giờ bằng… máu tổng hợp
(Dân trí) - Thay vì sử dụng động cơ cồng kềnh, các kỹ sư đã chuyển sang phát triển một con cá sư tử robot, hoàn chỉnh với lớp da silicon mềm mại, bơm máu tổng hợp trong suốt một ngày.
Báo cáo trên tạp chí Nature, một nhóm kỹ sư từ Đại học Cornell đã tìm cách tạo ra một robot có khả năng vượt qua môi trường mà không bị cạn kiệt năng lượng quá sớm.
Các sinh vật trong tự nhiên để đạt được điều này phải cần có các hệ thống kết nối khéo léo và các bộ phận đa chức năng. Lấy ví dụ như hệ thống tuần hoàn của con người. Nó không chỉ cung cấp cho tất cả các tế bào của chúng ta oxy mà còn giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể như bộ tản nhiệt và vận chuyển các tế bào hệ thống miễn dịch để chống lại sự tấn công của vi khuẩn bên ngoài.
Với hy vọng hợp lý hóa thiết kế, dự án mới này đã tạo ra một robot với hệ thống mạch tổng hợp có chức năng như một "bơm thủy lực” chất lỏng để di chuyển vây, tự đẩy, cung cấp cấu trúc và thậm chí lưu trữ năng lượng.
Pin lithium-ion là lựa chọn phù hợp để lưu trữ năng lượng dày đặc, nhưng chúng có thể cồng kềnh và nặng. Trong robot cá sư tử, bộ lưu trữ năng lượng là máu, dựa trên pin dòng oxy hóa khử sử dụng các thành phần hòa tan để lưu trữ năng lượng trong các dung dịch điện phân lỏng.
Theo một bài đăng trên blog của Đại học Cornell, điều này đạt được mật độ năng lượng bằng khoảng một nửa so với pin lithium-ion Tesla Model S.
Mặc dù nó có thể không phải là robot nhanh nhẹn hay tốc độ nhất nhưng nó có thể lưu trữ đủ năng lượng để bơi ngược dòng trong hơn 36 giờ.
Minh Long
Theo IFL Science