1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Bước tiến mới: Tế bào được "hồi sinh" thành công sau khi chết

Minh Khôi

(Dân trí) - Một ngày nào đó, công nghệ này có thể được sử dụng trên các cơ quan nội tạng của người.

Bước tiến mới: Tế bào được hồi sinh thành công sau khi chết - 1

Các nhà khoa học đã sử dụng một hệ thống có tên OrganEx để khôi phục chức năng tế bào ở những con lợn chết (Ảnh minh họa: Getty Images).

Nhờ một hệ thống mới có tên gọi là OrganEx, các nhà khoa học đã có thể làm "hồi sinh" các tế bào của những con lợn mới chết, qua đó giúp cho nội tạng của chúng kéo dài được sự sống.

Quy trình này hiệu quả tới mức có thể đảo ngược tác động của tình trạng thiếu máu cục bộ, hay cung cấp ô-xy không đầy đủ ở một số cơ quan bị tổn thương.

Nghiên cứu này thực ra được xây dựng dựa trên một nghiên cứu đã được công bố vào năm 2019. Tại đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một phiên bản nhỏ hơn của cùng một hệ thống để khôi phục một số chức năng tế bào và trao đổi chất trong não của một con lợn đã bị chặt đầu.

Cách thức hoạt động của hệ thống là bơm một chất lỏng chứa đầy Hemopure - một dạng tổng hợp của protein hemoglobin, mang oxy trong các tế bào hồng cầu - qua các mạch máu của não. Chất lỏng này cũng chứa các hợp chất hóa học nhằm ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông và các tế bào không tự hủy thông qua một quá trình gọi là "apoptosis".

Việc bơm chất lỏng nói trên vào não giúp cơ quan này không bị sưng tấy, và cho phép các chức năng tế bào nhất định của cơ thể tiếp tục hoạt động tới khoảng 4 giờ sau khi lợn đã chết.

Dẫu vậy, Stephen Latham, đồng tác giả của nghiên cứu lưu ý rằng quy trình này sẽ không phục hồi chức năng não của động vật, cũng như giúp chúng thực sự sống lại. Thay vào đó, phương pháp chỉ giúp đảm bảo duy trì chức năng của một số cơ quan quan trọng, và một phần của quá trình trao đổi chất vẫn tiếp tục được diễn ra.

Bước tiến mới: Tế bào được hồi sinh thành công sau khi chết - 2

Ca phẫu thuật cấy ghép tim lợn chỉnh sửa gen lên cơ thể người được thực hiện vào tháng 1/2022 (Ảnh: AP).

Trong tương lai, hệ thống này có khả năng được sử dụng nhằm duy trì và phục hồi chức năng của các bộ phận cơ thể người được hiến tặng, sau đó sử dụng chúng trong các quy trình cấy ghép vào một cơ thể mới.

TS. Robert Porte tại Đại học Groningen (Hà Lan) cũng cho rằng trên lý thuyết, công nghệ này hoàn toàn có thể ngay lập tức được ứng dụng để điều trị chứng thiếu máu cục bộ xảy ra trong cơn đột quỵ hoặc đau tim.

Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn khá lâu để tiến tới thử nghiệm lâm sàng. "Vẫn còn một chặng đường rất xa trước khi công nghệ được sử dụng trên con người, bởi mức độ phục hồi là khác nhau giữa các cơ quan giữa người và lợn", ông Stephen Latham cho biết.

Đầu năm nay, một bệnh nhân 57 tuổi đã được cấy ghép trái tim của lợn trong một ca phẫu thuật mang tính đột phá tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland (Mỹ). Sau ca phẫu thuật, trái tim lợn được ghép vào người ông Bennett hoạt động tốt trong vài tuần và không có dấu hiệu bị đào thải.

Lúc đó, ca phẫu thuật thành công đã làm dấy lên hy vọng rằng những tiến bộ trong công nghệ ghép tạng giữa các loài một ngày nào đó có thể giải quyết tình trạng thiếu nội tạng người. Tuy nhiên chỉ 2 tháng sau, sức khỏe bệnh nhân chuyển biến xấu, và ông đột ngột qua đời.