1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Ca cấy ghép tim lợn thành công đầu tiên trên cơ thể người

Minh Khôi

(Dân trí) - Nếu bệnh nhân duy trì được sự sống sau ca phẫu thuật, đây sẽ là bước đột phá giúp giải quyết tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nội tạng hiến tặng trên thế giới.

Ca cấy ghép tim lợn thành công đầu tiên trên cơ thể người - 1

Ca phẫu thuật cấy ghép tim lợn chỉnh sửa gen lên cơ thể người hôm 7/1 (Ảnh: AP).

Ngày 10/1, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland công bố ca cấy ghép thành công quả tim lợn trên đã được chỉnh sửa gene cho một người đàn ông 57 tuổi, quốc tịch Mỹ.

Ca phẫu thuật được thực hiện hôm 7/1, được các bác sĩ xem là cột mốc quan trọng trong việc cấy ghép nội tạng từ động vật sang người. Đến nay, bệnh nhân đang chậm rãi phục hồi và được các bác sĩ theo dõi kỹ lưỡng để đánh giá phần nội tạng mới hoạt động ra sao trong cơ thể ông.

"Đây là một ca phẫu thuật mang tính đột phá và đưa chúng ta tiến gần hơn đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu nội tạng", TS Bartley Griffith, người thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép tim, cho biết.

"Chúng tôi đang tiến hành một cách thận trọng, nhưng chúng tôi cũng lạc quan rằng ca cấy ghép tim lợn đầu tiên trên thế giới sẽ tạo ra một lựa chọn mới quan trọng cho các bệnh nhân trong tương lai".

Quả tim cấy cho ông David Bennett được lấy từ một con lợn được tác động để làm biến đổi gene, do công ty công nghệ sinh học Revivicor, có trụ sở tại Virginia thực hiện.

Đối với người bệnh nhân 57 tuổi, ca cấy ghép này được xem là lựa chọn cuối cùng do ông đang trong tình trạng bệnh nặng và có sức khỏe rất kém. Ông đã nằm liệt giường suốt mấy tháng qua và phụ thuộc vào máy trợ tim.

Ca cấy ghép tim lợn thành công đầu tiên trên cơ thể người - 2

Bác sĩ Bartley Griffith (trái) cùng ông Bennett, người vừa được cấy tim lợn và đang dần hồi phục (Ảnh: AP).

Các bác sĩ thậm chí đánh giá rằng thể trạng David Bennett lúc ấy thậm chí không đủ điều kiện được cấy ghép từ người sang người. Do đó, họ đã tính đến một phương án khác. Rốt cuộc, Cơ quan quản lý Thực và Dược phẩm Hoa Kỳ đã vào cuộc, và cấp phép khẩn cấp cho ca phẫu thuật như một nỗ lực cuối cùng để cứu bệnh nhân.

Họ tin rằng nếu bệnh nhân duy trì được sự sống sau ca phẫu thuật, đây sẽ là bước đột phá giúp giải quyết tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nội tạng hiến tặng.

Trước đó vào tháng 10/2021, các bác sĩ tại cơ sở y tế NYU Langone Health thuộc Thành phố New York, Mỹ, cũng đã cấy ghép thành công một quả thận heo vào cơ thể người mà không bị hệ thống miễn dịch đào thải.

Theo số liệu tại organdonor.gov, hiện có khoảng 110.000 người Mỹ đang sống trong cảnh chờ đến lượt được ghép nội tạng mới, và hơn 6.000 người chết mỗi năm trước khi có được nội tạng thay thế phù hợp.

Theo edition.cnn.com