1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Bức ảnh đầu tiên ở cực nam của Mặt Trăng gửi về từ tàu vũ trụ Mỹ

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Tàu thăm dò Odysseus thuộc công ty tư nhân Intuitive Machines của Mỹ đã gửi những hình ảnh đầu tiên về địa điểm cực nam Mặt Trăng.

Bức ảnh đầu tiên ở cực nam của Mặt Trăng gửi về từ tàu vũ trụ Mỹ - 1

Bức ảnh cực nam của Mặt Trăng được camera gắn trên mạn phải của tàu vũ trụ chụp trước khi chuẩn bị tiếp đất (Ảnh: Intuitive Machines/X).

Con tàu có chiều cao hơn 4 mét, hạ cánh xuống Mặt Trăng lúc 23h23 (giờ GMT)  ngày 22/2. Sự kiện đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 50 năm, một tàu vũ trụ của Hoa Kỳ trở lại hành tinh này.

Ngày 26/2, Intuitive Machines đăng 2 bức ảnh lên mạng xã hội X, một bức ảnh chụp lúc tàu vũ trụ hạ xuống bề mặt và bức ảnh còn lại chụp khi nó tiếp đất, để lộ lớp đất mặt của miệng núi lửa Malapert.

Đặc biệt, con tàu này còn vận chuyển các thiết bị khoa học từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), đang mong muốn khám phá cực nam của Mặt Trăng trước khi gửi các phi hành gia của mình tới đó. Đây cũng là một phần của chương trình Artemis. 

Cơ quan vũ trụ Mỹ đã ký hợp đồng chiến lược với SpaceX, sử dụng tên lửa từ công ty này để đưa phi hành gia trở lại Mặt Trăng.

Điều này giúp NASA có thể triển khai những chuyến bay thường xuyên đến hành tinh này với mức giá phải chăng.

Nó cũng nhằm mục đích kích thích sự phát triển nền kinh tế Mặt Trăng, hỗ trợ sự hiện diện lâu dài của con người sinh sống và làm việc trên vệ tinh của chúng ta - một trong những mục tiêu của chương trình Artemis.

Bức ảnh đầu tiên ở cực nam của Mặt Trăng gửi về từ tàu vũ trụ Mỹ - 2

Tàu Odysseus gửi hình ảnh từ bề mặt Mặt Trăng khi nó hạ cánh ở điểm Malapert (Ảnh: Intuitive Machines/X).

Cùng ngày (26/2), Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cũng đã tuyên bố, tàu thăm dò SLIM hạ cánh trên cực nam của Mặt Trăng vào cuối tháng 1 đã hoạt động trở lại. 

Cả tàu thăm dò của Nhật Bản và Mỹ khi hạ cánh xuống cực nam Mặt Trăng đều gặp sự cố. Đối với tàu SLIM, nó đã hết năng lượng do các tấm pin không ở đúng góc hướng đón ánh nắng Mặt Trời.

Con tàu rơi vào trạng thái ngủ đông trong nhiệt độ thấp tới âm 183 độ C. Hơn một tuần sau đó, các tấm pin có điện trở lại nhờ ánh sáng Mặt Trời đổi hướng.

Trong khi, tàu Odysseus đã bị nghiêng trong quá trình đáp xuống Mặt Trăng do bề mặt tiếp đất không bằng phẳng.

Điều này khiến tàu vũ trụ bị lật, và nằm nghiêng sang một bên. Điều may mắn là có một tảng đá ở bên cạnh đã làm điểm tựa cho tàu Odysseus, giúp nó không bị đổ hoàn toàn.

Theo các nhà khoa học, việc các con tàu vũ trụ gặp nhiều khó khăn trong quá trình hạ cánh trên Mặt Trăng một phần do trọng lực thấp của hành tinh này.  Cùng với đó, chúng phải mang nhiều thiết bị nghiên cứu - tải trọng nặng - khiến tàu dễ dàng bị lật hay không đúng hướng trong quá trình tiếp đất.