1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Tàu vũ trụ Mỹ bị lật khi đáp xuống Mặt Trăng

Minh Khôi

(Dân trí) - Dẫu gặp tình huống không mong muốn, song con tàu vũ trụ làm nên lịch sử dường như vẫn ở trạng thái tốt và sứ mệnh của nó vẫn tiếp tục.

Tàu vũ trụ Mỹ bị lật khi đáp xuống Mặt Trăng - 1

Mô hình mô phỏng tình trạng của tàu Odysseus sau khi hạ cánh lên Mặt Trăng (Ảnh: Intuitive Machines).

Ngày 23/2, tàu thám hiểm Odysseus, một sản phẩm do công ty tư nhân Intuitive Machines (Mỹ) chế tạo, đã chạm xuống gần cực nam Mặt Trăng trong một sứ mệnh mang tên IM-1.

Đây được xem là cột mốc lịch sử trong ngành hàng không vũ trụ, khi một công ty tư nhân lần đầu tiên hạ cánh phương tiện lên Mặt Trăng. Tuy nhiên, một sự cố không mong muốn đã xảy ra trong quá trình hạ cánh.

Theo ông Stephen Altemus, Giám đốc điều hành của công ty chế tạo và điều khiển tàu đổ bộ, con tàu đã bị nghiêng trong quá trình đáp xuống Mặt Trăng do bề mặt tiếp đất không bằng phẳng.

Điều này khiến tàu vũ trụ bị lật, và nằm nghiêng sang một bên. Điều may mắn là có một tảng đá ở bên cạnh đã làm điểm tựa cho tàu Odysseus, giúp nó không bị đổ hoàn toàn.

Mặc dù gặp tình huống không mong muốn, song tất cả các dấu hiệu đều cho thấy tàu Odysseus hoạt động ổn định, và hạ cánh xuống gần địa điểm dự kiến của ban đầu, là miệng núi lửa Malapert A ở cực nam của Mặt Trăng.

Nhóm điều khiển sứ mệnh cho biết, tất cả ngoại trừ 1 trong 6 trọng tải khoa học của NASA đều được gắn trên các phần của phương tiện để lộ ra ngoài và đã tiếp nhận thông tin liên lạc.

Duy nhất chỉ có 2 trong số các ăng-ten của tàu vũ trụ đã hướng xuống bề mặt, khiến cho việc liên lạc với tàu thám hiểm bị hạn chế. Ngoài ra, tấm pin năng lượng mặt trời đặt trên đỉnh tàu Odysseus cũng bị quay sai hướng, dù pin của tàu đã được sạc đầy.

Tàu vũ trụ Mỹ bị lật khi đáp xuống Mặt Trăng - 2

Sứ mệnh IM-1 với tàu vũ trụ Odysseus được hạ cánh thành công lên Mặt Trăng tạo ra lợi thế cho Mỹ trong cuộc đua tới cực nam của vệ tinh này (Ảnh: Intuitive Machines).

Trước khi hạ cánh, tàu Odysseus cũng gặp sự cố ở máy đo khoảng cách laser, khiến bộ phận này không thể hoạt động bình thường.

Nhóm quản lý sứ mệnh đã buộc phải đưa trọng tải thử nghiệm của NASA vào hoạt động nhằm thay thế chức năng quan trọng này. Cùng với đó, thời gian hạ cánh dự kiến cũng đã được lùi lại.

Giải pháp tình thế này rốt cuộc đã mang lại thành công mang tính lịch sử cho sứ mệnh Odysseus nói riêng, và Mỹ nói chung, khi tàu thăm dò của họ đã đáp xuống Mặt Trăng.

Nhiệm vụ chính của Odysseus khi đáp được xuống bề mặt Mặt Trăng là khảo sát môi trường, các tài nguyên và nguy cơ tiềm ẩn để chuẩn bị cho sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng.

Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, tàu đổ bộ và các trọng tải của nó sẽ hoạt động trong khoảng 7 ngày Trái Đất trên bề mặt Mặt Trăng.

Sau đó, tàu thăm dò sẽ bước vào giai đoạn ngừng hoạt động, vì nó không được thiết kế để sống sót trong cái lạnh buốt giá của màn đêm trên Mặt Trăng (thường kéo dài 2 tuần).