1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

BRIA góp phần đẩy mạnh sản xuất lúa gạo tại Việt Nam

Dự án BRIA là tên viết tắt của dự án Sáng kiến phát triển sản xuất lúa gạo khu vực Châu Á (Better Rice Innitiative Asia). Đây là một trong những dự án thuộc khuôn khổ chương trình quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP) do chính phủ Úc, Đức và Bayer Việt Nam tài trợ và được thực hiện bởi GIZ nhằm mục đích cải thiện chuỗi giá trị gạo (bao gồm các thành phần dinh dưỡng dựa trên gạo) ở Đông Nam Á, bao gồm bốn quốc gia (Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).

Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT đánh giá dự án BRIA
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT đánh giá dự án BRIA

Tại Việt Nam, dự án được thực hiện hơn 03 năm tại 03 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm Đồng Tháp, Hậu Giang và Kiên Giang.

Lễ tổng kết dự án được tổ chức tại Hà Nội ngày 14/12/2017 dưới sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN & PTNT), tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bayer Việt Nam.

Đẩy mạnh hợp tác công-tư trong chuỗi giá trị gạo

Với mục đích hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ tạo ra những mô hình canh tác lúa mới để thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu, dự án BRIA đã tăng cường hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ gạo tốt hơn cũng như quản lý hệ thống canh tác lúa sáng tạo và bền vững theo chuỗi giá trị gạo ở khu vực ĐBSCL Việt Nam.

"Dự án BRIA là một phần của kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của chính phủ, tạo bước tiến quan trọng trong sản xuất lúa gạo ở khu vực ĐBSCL Việt Nam. Dự án không chỉ giúp tăng sản lượng gạo mà còn nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo, thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo bền vững ở Việt Nam", ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN & PTNT cho biết.

Ông Kohei Sakata, Tổng Giám đốc Bayer VN chia sẻ bài học kinh nghiệm, vai trò doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp tham gia PPP
Ông Kohei Sakata, Tổng Giám đốc Bayer VN chia sẻ bài học kinh nghiệm, vai trò doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp tham gia PPP

Ông Kohei Sakata, Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam, thành viên ban điều hành dự án BRIA cho biết: "Bayer góp phần cải thiện sinh kế cho nông dân trồng lúa ở Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất lúa gạo bền vững. Phần lớn nông dân trồng lúa của Việt Nam là những hộ nông dân có quy mô canh tác nhỏ, dự án BRIA chính là chiếc chìa khóa giúp họ cải thiện sản xuất một cách hiệu quả hơn và phát triển doanh nghiệp theo định hướng thị trường bền vững."

Kết quả đạt được của dự án

- 3.000 nông dân trồng lúa ở 03 tỉnh đã áp dụng thành công thử nghiệm hệ thống canh tác lúa thông minh.

- Ghi nhận mức tăng trưởng đạt từ 40% đến 50% như tăng năng suất và / hoặc giảm sử dụng đầu vào nông nghiệp so với thực tế hiện nay của nông dân.

- Cải thiện các tiêu chuẩn chất lượng sản xuất lúa gạo bao gồm:

Tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững (SRPS) đã được đưa vào áp dụng và thử nghiệm tại Việt Nam.

Hai tiêu chuẩn gạo mới được thông qua áp dụng trên gạo trắng và gạo thơm.

Báo cáo nghiên cứu áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng gạo hiện tại cũng như tình hình hệ thống kiểm soát chất lượng gạo ở Việt Nam.

- 48.000 tấn gạo chất lượng cao (theo tiêu chuẩn gạo mới) được sản xuất ở mỗi tỉnh trong dự án.

- 22 mô hình hợp tác công - tư đã được xây dựng và thử nghiệm tại ba tỉnh.

- Một báo cáo đánh giá về việc thực hiện các mô hình này với bài học kinh nghiệm và những đề xuất được trình lên Bộ NN & PTNT.

Ban điều hành dự án BRIA bàn giao kết quả chính của dự án cho Bộ NN & PTNT
Ban điều hành dự án BRIA bàn giao kết quả chính của dự án cho Bộ NN & PTNT

BRIA mang đến hệ thống canh tác lúa sáng tạo và bền vững

Dự án BRIA ở Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác công-tư trong chuỗi giá trị gạo bằng mô hình canh tác lúa bền vững thông qua các hoạt động tập huấn và chuyển giao kỹ thuật tiên tiến.

"Trọng tâm của BRIA là cung cấp giải pháp công nghệ tiên tiến và đồng bộ hóa, bao gồm việc sử dụng hạt giống tốt, quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), quản lý nguồn nước và dinh dưỡng, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) ... giúp đảm bảo chất lượng, giảm tổn thất, chi phí và đồng thời tăng năng suất lao động và thu nhập cho nông dân. Đồng thời, nó cũng góp phần rất lớn giúp nhà nông thích ứng và giảm thiểu rủi ro trước biến đổi khí hậu để sản xuất lúa gạo bền vững ở Việt Nam.

Thông qua dự án BRIA, các bên liên quan khác nhau trong chuỗi giá trị gạo được hỗ trợ để áp dụng mô hình sản xuất cánh đồng lớn (LF). Đây là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam bằng cách tăng giá trị, thu nhập cho nông dân và thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững. ", Tiến sĩ Phan Huy Thông, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thuộc Bộ NN & PTNT, cho biết.

Ông Hùng, nông dân thành viên hợp tác xã Tiến Cường, huyện Tam Nông, Đồng Tháp chia sẻ về những thách thức khi tham gia vào dự án BRIA: “Thời gian đầu, việc động viên mọi người tham gia tập huấn tương đối khó khăn. Một số người cho biết họ không muốn thay đổi phương pháp canh tác truyền thống, không thể tiếp thu được kiến thức mới, không quan tâm đến việc canh tác an toàn hoặc lo lắng sẽ bị mất đất cho hợp tác xã.

Tuy nhiên bây giờ chúng tôi đã hiểu rằng chất lượng là yêu cầu quan trọng nhất của thị trường lúa gạo. Qua dự án, chúng tôi được tiết kiệm được sức lao động, thời gian và tăng thêm thu nhập. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, chúng tôi đã bảo vệ được môi trường nhờ việc không sử dụng thuốc trừ sâu”.

Toàn cảnh Tổng kết Dự án BRIA tại Việt Nam
Toàn cảnh Tổng kết Dự án BRIA tại Việt Nam

Phương Nguyên