Bộ Khoa học nói gì về chính sách không “chạy kịp” với sự phát triển của startup?

(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Rất nhiều ý tưởng đã và đang được triển khai với tốc độ nhanh. Cho nên, việc các chính sách về khởi nghiệp ĐMST đi chậm hơn cũng là chuyện… bình thường.

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ tổ chức Techfest năm 2018 từ ngày 29/11-01/12/2018 tại Đà Nẵng. Tại Techfest năm nay sẽ có một hoạt động rất đáng chú ý đó là Diễn đàn Thanh niên đối thoại với lãnh đạo Chính phủ.


Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng

Nhân sự kiện này báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng xoay quanh những vấn đề khúc mắc cần phải tháo gỡ để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Khởi nghiệp ĐMST đáng có tính phong trào

Thưa Thứ trưởng, đang có một số nhận định cho rằng khởi nghiệp ĐMST gần đây có tính phong trào. Vậy Thứ trưởng đánh giá như thế nào về nhận định đó, Bộ KH&CN sẽ có những giải pháp gì để hoạt động khởi nghiệp ĐMST thực sự có hiệu quả?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Theo quan điểm của tôi, nhận định này đúng một phần. Cũng phải chia sẻ, hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam vẫn còn khá mới. Năm nay là năm thứ 4 Bộ KH&CN tổ chức Techfest quốc gia.

Cũng cần nhìn nhận thực tế, ngoài những ý tưởng ĐMST, điều quan trọng đối với các bạn trẻ là phải biết xây dựng được kế hoạch kinh doanh và tổ chức thực hiện thực hiện kế hoạch. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy điểm yếu của các bạn là kế hoạch đặt ra cũng chưa sát với thực tiễn, thiếu các yếu tố để có khả năng huy động nguồn lực tài chính, nhân lực, pháp lý… (đối với các quỹ đầu tư là kiến thức và phương án huy động vốn).

Đồng thời khi xây dựng được kế hoạch, các bạn cũng phải biết tổ chức thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh. Tất cả điều này chỉ có được thông qua học tập, trao đổi, phải được những người đi trước truyền đạt kiến thức, phải gặp gỡ các doanh nhân thành đạt để trao đổi chia sẻ kinh nghiệm… Đây là một điểm tôi thấy các bạn cần cố gắng.

Tuy nhiên, chúng ta bắt đầu quan tâm xây dựng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST nhưng quãng thời gian gian chưa dài, nên đâu đó, đánh giá, nhận xét của các tổ chức cũng là khách quan và đây cũng là lời nhắc nhở chúng ta phải chú ý hơn nữa về phát triển hệ sinh thái (HST) khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam.

Cơ chế chính sách chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của startup Việt

Cơ chế chính sách cho các startup được Bộ KH&CN liên tục tháo gỡ trong thời gian qua nhưng vẫn còn nhiều rào cản. Cũng có nhận định cho rằng: “tốc độ phát triển của startup Việt như vũ bão còn cơ chế chính sách thì chạy mãi vẫn không kịp”. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về nhận định này? Cuộc đối thoại sắp tới giữa startup với Lãnh đạo Chính phủ có bàn đến nội dung này không? Có đưa ra những giải pháp về cơ chế chính sách nào không?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Mọi sự so sánh chỉ mang tính tương đối. Trong thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp trong cả nước đã có sự phát triển mạnh. Khởi nghiệp và khởi nghiệp ĐMST được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Rất nhiều ý tưởng đã và đang được triển khai với tốc độ nhanh. Cho nên, việc các chính sách về khởi nghiệp ĐMST đi chậm hơn cũng là chuyện bình thường.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành chính sách cần phải qua nhiều công đoạn, phụ thuộc vào nhiều cơ quan, có vấn đề liên quan đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành… nên trên thực tế cần có nhiều thời gian.

Ví dụ, cần có cơ chế để các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng đưa tiền vào Việt Nam, khi đầu tư thành công cho khởi nghiệp được phép rút vốn và dễ dàng chuyển vốn ra nước ngoài. Nhưng phía Việt Nam cũng phải tính đến khả năng đem tiền vào Việt Nam nhằm mục đích “rửa tiền” thông qua hình thức đầu tư kinh doanh. Việt Nam cũng cần quản lý thật chặt, tránh tình trạng “chảy” ngoại tệ của Việt Nam ra nước nước. Tất cả những vấn đề đó cần được quản lý phù hợp, vừa khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo vai trò quản lý của các Bộ, ngành.

Chúng ta cũng cần tính toán về vấn đề thuế, không thể đánh thuế các nhà đầu tư không dựa trên danh sách đầu tư của họ (loại ra những dự án họ đã đầu tư nhưng thất bại), làm như vậy rất khó kêu gọi các quỹ này tiếp tục tham gia đầu tư tại Việt Nam. Những rào cản về chính sách như vậy phải được tiếp tục tháo gỡ.

Tại Diễn đàn Thanh niên đối thoại với lãnh đạo Chính phủ sắp tới tại Techfest 2018, chúng tôi hi vọng các bạn sẽ nêu ra những vấn đề còn bất cập cần được giải quyết bằng cơ chế chính sách. Thông qua đó, các Bộ, ngành liên quan theo thẩm quyền chức năng của mình sẽ xem xét nghiên cứu, sửa đổi bổ sung những văn bản, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho startup trong quá trình phát triển.

Theo Thứ trưởng, cần có cơ chế chính sách đổi mới căn bản nào để đáp ứng tốt hơn cho hoạt động khởi nghiệp?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST là vấn đề hết sức quan trọng.

Một ý tưởng của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST muốn được thực hiện thành công phải hấp dẫn các nhà đầu tư, tuy ban đầu vốn mồi có thể rất nhỏ nhưng qua thời gian triển khai, nếu chứng minh được hiệu quả có khả năng nhận được các khoản đầu tư lớn hơn từ các quỹ đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, những quỹ đầu tư mạo hiểm. Có sự đầu tư mới có thể khẳng định rằng startup có thành công hay không.

Theo đánh giá của chúng tôi, mặc dù có nhiều ý tưởng mới nhưng không hấp dẫn nhiều đối với các quỹ đầu tư. Nhưng chúng tôi cũng biết có nhiều nhà đầu tư với chuyên môn sâu đang âm thầm theo dõi các startup, các ý tưởng khởi nghiệp của các bạn Việt Nam, nếu ý tưởng nào tốt, tôi tin sẽ nhận được đầu tư.

Do vậy, quay trở lại vẫn là chất lượng của các ý tưởng khởi nghiệp. Chất lượng đó phụ thuộc vào ý tưởng mới đến đâu, sáng tạo ra sao, khác biệt như thế nào so với những ý tưởng đã có trước đó, kèm với đó là phương án sản xuất kinh doanh khả thi đến đâu? Khi làm việc với các trung tâm ươm tạo, các khu làm việc tập trung, chúng tôi đều bàn bạc trao đổi với mong muốn các bạn khởi nghiệp được trang bị kiến thức đó, thậm chí những ý tưởng của các bạn phải được mổ xẻ, phân tích, sửa chữa, sau đó xây dựng kế hoạch thực hiện.

Các bạn trẻ cũng rất cần được trang bị kiến thức về công nghệ, pháp lý, sở hữu trí tuệ, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp… Đây là điều quan trọng trong thời gian tới đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tất nhiên, chúng tôi hi vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư (trước tiên là ở Việt Nam), thu hút được nguồn lực trong xã hội để họ có thể chi vốn mồi cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu, sau đó thu hút được vốn của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho hoạt động này. Chỉ có khi nào thu hút được vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp thì khi đó doanh nghiệp mới có thể khẳng định được thành công hay không.

Quỹ đầu tư mạo hiểm hết sức quan trọng đối với khởi nghiệp ĐMST

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp? Hiện nay vẫn còn ít các quỹ đầu tư tham gia hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đâu là nguyên nhân của thực tế này?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Quay trở lại vấn đề như tôi đã nói ở trên, vai trò của các quỹ đầu tư mạo hiểm hết sức quan trọng đối với khởi nghiệp ĐMST, vì bản chất của đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST cũng là đầu tư mạo hiểm, nhiều rủi ro, trong 100 dự án được đầu tư chỉ có một vài dự án thành công.

Tại Việt Nam, những quỹ như vậy chưa nhiều, do về mặt thể chế, chính sách, Nhà nước rất khó đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm nên cũng khó có thể đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Điều này cần phải được thay đổi từ phía cơ chế chính sách. Tuy nhiên vẫn có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm rất mong muốn vào Việt Nam, vì vậy, chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái có các ý tưởng khác biệt, có ý tưởng ĐMST để khi nhà đầu tư nhìn vào sẽ thấy được tiềm năng của nó.

Thưa Thứ trưởng, nói đến nguồn vốn thì chúng ta có Đề án 844 của Chính phủ. Vậy Đề án này đang được triển khai như thế nào? Hiện nay các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam gặp những khó khăn gì khi tiếp cận nguồn vốn đầu tư tư nhân, nhất là đầu tư từ nước ngoài?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 3 kế hoạch về khởi nghiệp, trong đó Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án44) giao cho Bộ KH&CN chủ trì là một đề án bao trùm và có yếu tố tiên phong, định hướng. Và cụ thể, trên từng lĩnh vực, từng khu vực đã có những kế hoạch của thanh niên, sinh viên ở các trường đại học.

Dù các kế hoạch, đề án được phê duyệt vào các thời điểm khác nhau nhưng Bộ KH&CN nhận được sự phối hợp của tất cả các Bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội trong nước và các địa phương, đặc biệt là sự tham gia của Đề án do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quản lý.

Trong giai đoạn đầu phê duyệt, Đề án 844 tập trung xây dựng cơ chế, chính sách và khuôn khổ pháp lý cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, bởi đây là một hoạt động hoàn toàn toàn mới. Đến nay, Đề án 844 đã chuyển sang hỗ trợ cho các Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp, các Khu làm việc tập trung; hỗ trợ đào đạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp, giúp người khởi nghiệp có đủ năng lực, khả năng nghiệp vụ, trình độ chuyên môn.

Chúng tôi cũng tuyên truyền về kinh nghiệm của thế giới thông qua các bài giảng, các chuyên gia, người khởi nghiệp đã thành công để chia sẻ kinh nghiệm, giúp cho các bạn trẻ có kiến thức, qua đó giúp người khởi nghiệp xây dựng được những kế hoạch sản xuất, kinh doanh, triển khai được kế hoạch của mình.

Chúng tôi tin tưởng với những phương án như vậy sẽ giảm bớt khoảng cách giữa tinh thần, niềm đam mê khởi nghiệp với khả năng thực hiện những ý tưởng khởi nghiệp của những người làm sản xuất kinh doanh khởi nghiệp.

Nguyễn Hùng (Thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm