1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Blue Origin công bố danh tính 6 "du khách" tiếp theo bay vào vũ trụ

Minh Khôi

(Dân trí) - Blue Origin vẫn chưa tiết lộ thời điểm khởi hành cho sứ mệnh NS-21, cũng như số tiền mà các hành khách đã trả để được góp mặt trên chuyến bay.

Blue Origin công bố danh tính 6 du khách tiếp theo bay vào vũ trụ - 1

Danh tính 6 hành khách được chọn để góp mặt trong sứ mệnh NS-21 của Blue Origin (Ảnh: Blue Origin).

Sau khi thực hiện thành công chuyến bay có hành khách đầu tiên lên rìa không gian vào tháng 7/2021, Blue Origin mới đây đã tiếp tục khởi động sứ mệnh thương mại tiếp theo, mang tên NS-21, với sự góp mặt của 6 hành khách mới.

Trong sứ mệnh này, chỉ có duy nhất Evan Dick là một cựu phi hành gia, khi anh từng góp mặt trên tàu vũ trụ New Shepard của Blue Origin trong sứ mệnh NS-19. Còn lại là 5 gương mặt hoàn toàn mới, gồm Katya Echazarreta - người dẫn chương trình của đài CBS; Hamish Harding - Chủ tịch công ty Action Aviation; Victor Correa Hespanha - kỹ sư; Jason Robinson - sáng lập công ty JJM Investments; và Victor Vescovo Victor - đồng sáng lập công ty Insight Equity.

Đến nay, Blue Origin vẫn chưa tiết lộ thời điểm khởi hành cho sứ mệnh NS-21, cũng như số tiền mà các hành khách đã trả để được góp mặt trên chuyến bay. Tuy nhiên, số tiền này chắc chắn sẽ không nhỏ chút nào.

Trong chuyến bay đầu tiên, có người đã trả tới 28 triệu USD để có thể cùng tỷ phú Jeff Bezos bay lên không gian. Ngoài ra, thông tin từ hãng bán đấu giá Steve Little còn cho biết đã có gần 7.600 người từ 159 quốc gia đăng ký tham gia cuộc đấu giá cho chiếc vé trên tàu vũ trụ New Shepard.

Cá nhân Jeff Bezos cũng được cho là đã "đốt" 5,5 tỷ USD cho chuyến bay kéo dài 11 phút của mình. Ngoài ra, ông cũng cho biết toàn bộ số tiền bán vé sẽ được quyên góp cho Câu lạc bộ vì Tương lai - quỹ do công ty tên lửa Blue Origin tạo ra.

Các sứ mệnh đưa hành khách vào không gian được Blue Origin giới thiệu như một sự truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ trong việc theo đuổi sự nghiệp khám phá vũ trụ và phát minh ra các công nghệ tân tiến. Tuy nhiên trên thực tế, đây được công chúng xem là sự mở đầu cho một lĩnh vực hoàn toàn mới, tạm gọi là "du lịch vũ trụ có trả phí".

Khoảnh khắc tàu New Shepard đưa tỷ phú Jeff Bezos bay tới rìa không gian trong chuyến bay đầu tiên, được thực hiện vào tháng 7/2021.

Blue Origin công bố danh tính 6 du khách tiếp theo bay vào vũ trụ - 2

Jeff Bezos là 1 trong 3 tỷ phú tiên phong trong việc thương mại hóa ngành du lịch vũ trụ (Ảnh: BI).

Kể từ khi thành lập vào năm 2000, Jeff Bezos đã xây dựng Blue Origin như một dự án tương lai cho riêng mình và nhân loại. Không giống như các tỷ phú đối thủ Richard Branson hay Elon Musk với nhiều khoản đầu tư mạo hiểm, Jeff Bezos chỉ đầu tư duy nhất vào Blue Origin với khoảng 7,5 tỷ USD tài sản cá nhân.

Điều này giúp quá trình phát triển khám phá không gian của Blue Origin diễn ra tương đối chậm, nhưng ổn định, và phản ánh đúng triết lý của tỷ phú người Mỹ, đó là "từng bước nhưng đầy mãnh liệt".

Blue Origin từng thử nghiệm phương tiện bay đầu tiên vào năm 2005, và với tên lửa đẩy năm 2006. Nhưng phải đến năm 2012, công ty mới thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào vũ trụ với tàu New Shepard. Từ đó đến nay, hệ thống tên lửa New Shepard đã có tổng cộng 15 chuyến bay thử nghiệm trước khi phi hành đoàn đầu tiên được góp mặt trên cabin.

Theo Blue Origin, khoang chứa phi hành đoàn không cần phi công nào đi theo, tất cả quá trình bay và trở về Trái đất đều được thực hiện tự động bằng máy tính.