Bí mật đằng sau sự lẩn trốn thành công của tế bào ung thư

(Dân trí) - Nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học tại trường Đại học Queen Mary London dẫn đầu, đã tạo bước đột phá trong nhận thức của chúng ta về cách các tế bào ung thư có thể lan khắp cơ thể và hình thành các khối u mới chết người. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng hai protein kết hợp với nhau và thể hiện một hành vi bất thường giúp các tế bào sống sót.

Mặc dù hiểu biết của chúng ta về bệnh ung thư không ngừng được nâng cao và hiện có nhiều liệu pháp mới triển vọng, nhưng chúng ta vẫn phải trải qua một chặng đường dài nữa mới tìm ra phương pháp điều trị phù hợp. Một trong những khía cạnh khó khăn nhất là cách ung thư di chuyển xung quanh cơ thể được gọi là di căn. Các bác sĩ thường có thể tiêu diệt khối u ban đầu của bệnh nhân, nhưng di căn dẫn đến sự phát triển tiếp theo trong các bộ phận khác của cơ thể, làm cho việc điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn.

Bí mật đằng sau sự lẩn trốn thành công của tế bào ung thư - 1

Nguyên nhân là do chúng ta không hiểu các tế bào ung thư trên thực tế sống sót ra sao khi chúng tách khỏi khối u. Khi liên kết với một khối u, các tế bào ung thư được bảo vệ khá tốt, nhưng khi trôi nổi tự do, chúng sẽ dễ bị tổn thương hơn do hàng rào bảo vệ của cơ thể. Nghiên cứu mới này xác định hai phân tử cần cho sự sống còn của tế bào ung thư, cung cấp cho các nhà nghiên cứu mục tiêu mới phục vụ các hướng điều trị trong tương lai.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu các tế bào ung thư ở chuột và cá ngựa vằn. Sau khi quan sát cẩn thận những thay đổi trong các tế bào ung thư, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra một loại phân tử được gọi là integrin, hành xử thực sự rất lạ.

Các integrin là những protein giúp tế bào ung thư liên kết với mạng lưới protein bao quanh, cho phép chúng sống sót và phát triển. Tuy nhiên, các quan sát mới tiết lộ, khi các tế bào ung thư tách ra từ khối u, một intergrin được gọi là beta-1 thay đổi. Nó không còn hoạt động để giúp tế bào kết nối với môi trường xung quanh nó, mà thay vào đó sẽ hoạt động bên trong tế bào.

Beta-1 đã kết hợp với một protein khác có tên c-Met, là trung tâm của nhiều quá trình bao gồm phát triển phôi thai và hàn gắn vết thương. Khi được kết hợp với nhau, chúng tìm đường di chuyển đến một phần của tế bào, thường được sử dụng để xử lý và tái chế vật liệu tế bào. Các phân tử này sử dụng vị trí đó cho một mục đích khác thông qua truyền tín hiệu đến phần còn lại của tế bào, khiến nó không bị tiêu diệt, trong khi vẫn duy trì trạng thái trôi nổi tự do, dễ bị tổn thương hơn.

Để xác nhận các quan sát đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu cả tế bào ung thư phổi và ung thư vú. Kết quả cho thấy di căn ít có khả năng hình thành khi hai protein bị ngăn cản không di chuyển đến vị trí phát tín hiệu hoặc bị cản trở không thâm nhập được vào trong tế bào ở vị trí đầu tiên. Về lâu dài, các nhà nghiên cứu tin rằng tri thức mới này có thể dẫn đến sự phát triển của các liệu pháp cải tiến để làm chậm hoặc thậm chí ngăn ngừa sự lây lan của các khối u.

Delyth Morgan thuộc tổ chức Breast Cancer Now, một trong những tổ chức tài trợ cho nghiên cứu cho rằng “Phát hiện nghiên cứu mở ra những hướng đi mới để các nhà khoa học ngăn chặn sự lây lan của ung thư vú và cuối cùng cứu sống con người. Chúng tôi mong muốn phát triển lĩnh vực nghiên cứu thú vị này trong tương lai”.

N.P.D-NASATI (Theo Gizmag)