Bão từ góp phần hủy hoại mặt đất như thế nào?

Phạm Hường

(Dân trí) - Những vụ phun trào nhật hoa tấn công Trái Đất, làm gián đoạn từ trường và nhanh chóng mạnh lên thành cơn bão địa từ.

Bão từ góp phần hủy hoại mặt đất như thế nào? - 1

Đài quan sát Hoạt động Mặt Trời của NASA ghi được hình ảnh này trong cơn bão từ ngày 10/10. Bên phải là một đốm chớp lòe sáng chính là nơi cơn bão khởi phát (Ảnh: NASA/SDO).

Ngày 10/10 vừa qua, vụ phun trào nhật hoa đã tấn công Trái Đất vào lúc 22h17 (giờ Việt Nam). Cơn bão từ siêu mạnh làm gián đoạn từ trường Trái Đất và nhanh chóng mạnh lên thành cơn bão địa từ cấp 4 (mạnh nhất là cấp 5) vào khoảng 11 giờ sáng ngày 11/10.

Hiện nay, Mặt Trời ở giai đoạn hoạt động cực đại trong chu trình 11 năm của nó. Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian Mỹ (SWPC), khi các vụ phun trào nhật hoa đi vào từ quyển Trái Đất, chúng có thể gây ra bão địa từ.

Những cơn bão này đôi khi làm gián đoạn hoạt động của các vệ tinh trên quỹ đạo quanh Trái Đất và ảnh hưởng xấu đến nhiều hệ thống như tín hiệu radio và định vị GPS. Bão địa từ cũng có thể làm tê liệt mạng lưới điện.

Đợt bão từ Halloween xảy ra vào tháng 10/2023 đã làm nhiều vùng ở Thụy Điển mất điện hoàn toàn và làm hỏng cơ sở hạ tầng điện của Nam Phi.

Đợt bão từ tháng 5/2024 vừa qua đã ảnh hưởng đến hệ thống GPS ở khắp vùng Trung Tây nước Mỹ và làm hỏng một số trạm biến áp cao thế.

Cũng trong đợt bão này, các chuyên gia đã phải điều chỉnh lại hoạt động của khoảng 5.000 vệ tinh vì bão đã làm phồng tầng điện ly khiến các vệ tinh bay chậm lại và lệch khỏi quỹ đạo.

Các vụ phun trào nhật hoa và bão địa từ đi kèm là một hoạt động tự nhiên trong chu kỳ hoạt động của Mặt Trời.

Khi chu kỳ này ở thời điểm cao trào, Mặt Trời hoạt động ở mức cực đại, các vụ phun trào diễn ra thường xuyên hơn và khi chúng hướng về Trái Đất thì bầu khí quyển của chúng ta sẽ hấp thụ một lượng năng lượng cực lớn.

Do đó, nhiều hoạt động trên mặt đất cũng bị ảnh hưởng tùy mức độ.

Theo www.sciencealert.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm