Bão mặt trời cực mạnh "tấn công" Trái Đất ngày 10/10

Minh Khôi

(Dân trí) - Cơn bão thuộc loại G4- cấp độ cao thứ hai trong thang bão địa từ của SWPC, có tính đến cả mức độ nghiêm trọng và tác động tiềm tàng đến cơ sở hạ tầng trên Trái Đất.

Bão mặt trời cực mạnh tấn công Trái Đất ngày 10/10 - 1

Bão mặt trời cực mạnh "tấn công" Trái Đất ngày 10/10 (Ảnh minh họa).

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian (SWPC) của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), một cơn bão mặt trời với cường độ cao sẽ diễn ra trong hai ngày 10/10 - 11/10.

Cơn bão thuộc loại G4- cấp độ cao thứ hai trong thang bão địa từ của SWPC, có tính đến cả mức độ nghiêm trọng và tác động tiềm tàng đến cơ sở hạ tầng trên Trái Đất.

Thủ phạm gây ra cơn bão mặt trời, hay còn gọi là bão địa từ, xuất phát từ một vụ nổ lớn trên Mặt Trời. Theo báo cáo của SWPC, đêm 8/10, vết đen mặt trời AR 3848 đã tạo ra một đợt bùng phát năng lượng mặt trời mạnh cấp X1.8.

Đây là cấp độ mạnh nhất trong thang bậc đánh giá dành riêng cho hoạt động bùng phát năng lượng mặt trời. Nó đã từng gây ra tình trạng mất sóng vô tuyến trên khắp các vùng có thể đón nhận ánh sáng mặt trời của Trái Đất.

Các nhà dự báo của SWPC đã phân tích đợt bùng phát này bằng cách sử dụng dữ liệu do tàu vũ trụ quan sát Mặt Trời và nhật quyển (SOHO) thu thập. Họ xác định rằng sự kiện này xảy ra cùng một lúc với đợt phun trào vành nhật hoa (CME), một vụ phun trào lớn của các hạt mặt trời và từ trường.

Hệ quả từ quá trình này là một cơn bão địa từ mạnh mẽ tấn công Trái Đất và các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời.

Theo cập nhật mới nhất vào sáng 10/10, các hạt mặt trời đang lao về phía Trái Đất với tốc độ 4,3 triệu km/h - 4,7 triệu km/h. Đây là tốc độ di chuyển nhanh nhất mà các nhà nghiên cứu từng ghi nhận trong suốt một thời gian dài, cho thấy cường độ mạnh mẽ của cơn bão mặt trời sắp ập tới.

"Nó tấn công từ trường của hành tinh chúng ta sớm nhất là vào sáng ngày 10/10", Shawn Dahl, điều phối viên của SWPC, cho biết.

Bão địa từ cường độ mạnh có thể làm gián đoạn liên lạc vô tuyến và hệ thống lưới điện, thậm chí làm hỏng vệ tinh trên quỹ đạo. Chúng cũng có thể làm gia tăng hiện tượng cực quang, khiến chúng mạnh hơn và có thể nhìn thấy ở vĩ độ thấp hơn bình thường.

NOAA cho biết, những người vận hành các cơ sở hạ tầng nhạy cảm với các cơn bão Mặt Trời đã được thông báo để có thể chủ động đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế tác động của bão địa từ.

Vào tháng 5, hành tinh của chúng ta đã trải qua cơn bão địa từ mạnh nhất được ghi nhận trong 20 năm qua. Chúng đã khiến cực quang chiếu sáng bầu trời đêm ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Úc.

Các cơn bão địa từ đang ngày càng gia tăng vì Mặt Trời hiện ở giai đoạn hoạt động cao nhất theo chu kỳ 11 năm.

Theo www.space.com