Bão có thể mạnh tới mức nào?
(Dân trí) - Có một giới hạn lý thuyết về tốc độ gió, nhằm đánh giá mức độ thiệt hại của các cơn bão. Nhưng biến đổi khí hậu có thể làm "đảo lộn" tất cả.
Bão có thể mạnh tới mức nào?
Siêu bão Milton, dự kiến sẽ đổ bộ vào bờ biển Florida trong hôm nay (9/10), trong bối cảnh đã đạt cấp 5, với sức gió duy trì ở mức 298 km/h. Điều này khiến nó lọt vào danh sách một trong những cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào nước Mỹ.
Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia dự báo bão, cộng đồng người Việt ở bang Florida, Mỹ, nên cảnh giác và sơ tán khỏi khu vực trước chiều ngày 9/10, khi cơn bão đổ bộ.
Nguyên nhân là bởi rất nhiều nhà cửa ở Florida được xây dựng bằng phương pháp lắp ghép và nhiều vách tường bằng gỗ. Trong khi đó, loại nhà này sẽ không chịu nổi sức gió 205 km/h, giật 270 km/h dự kiến khi cơn bão tiến vào đất liền.
Trước đó, nước Mỹ cũng vừa phải hứng chịu hậu quả nặng nề ở ít nhất 6 bang do cơn bão Helene đổ bộ.
Trong quá khứ, từng có một "giới hạn tốc độ" đối với các cơn bão, được gọi là cường độ tiềm năng tối đa. Các tính toán về cường độ tiềm năng tối đa cho các cơn bão cho thấy chúng thường chỉ đạt đỉnh ở sức gió 134 km/h.
Tuy nhiên, có thể thấy con số này đã liên tục bị vượt qua, khi các cơn bão dường như ngày một mạnh hơn. Tính đến nay, đã có 5 siêu bão được ghi nhận có sức gió vượt quá 309 km/h. Tất cả những cơn bão này đều xảy ra kể từ năm 2013.
Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu và tình trạng đại dương ấm lên dường như là "thủ phạm" chính.
Một số dự đoán cho rằng vào cuối thế kỷ này, nếu chúng ta không hạn chế được biến đổi khí hậu, các cơn bão có thể đạt vận tốc gió vượt ngưỡng 350 km/h.
Cần thang cấp độ mới để đánh giá bão
Trong suốt nhiều năm, các cơn bão chủ yếu được phân loại theo thang Saffir-Simpson, từ cấp 1 (sức gió 119 km/h) đến cấp 5 (sức gió 252 km/h).
Tuy nhiên, thang bão Saffir-Simpson đang dần cho thấy sự kém hiệu quả trong việc đánh giá mức độ nguy hiểm thực tế của các cơn bão, do chỉ dựa trên tốc độ gió, mà không bao gồm thiệt hại do bão dâng hoặc lũ lụt. Trong khi đó, đây mới là những yếu tố thường gây chết người.
Với sự xuất hiện ngày càng tăng của những cơn bão mạnh, các chuyên gia tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley (Mỹ) đã đưa ra đề xuất rằng nên bổ sung cấp độ 6 cho thang đo bão Saffir-Simpson, bao gồm những cơn bão có sức gió trên 308 km/h.
Họ thậm chí đã cân nhắc về việc thêm vào danh mục các cơn bão cấp 7, với sức gió lý thuyết có thể vượt qua 368 km/h.
Michael Wehner, chuyên gia dự báo bão tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley, nhấn mạnh "không ai có thể biết chính xác sức gió tối đa mà một cơn bão có thể duy trì về mặt lý thuyết nếu nhiệt độ nước tiếp tục tăng".
"Ngay cả động lực chính đã hình thành nên mắt bão vẫn chưa được chúng ta hiểu biết một cách đầy đủ", chuyên gia này chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, nền nhiệt tại bề mặt biển trở nên cao bất thường là một trong những yếu tố khiến các cơn bão thường mạnh lên thành siêu bão rất nhanh.
"Theo dự báo của tôi, điều này sẽ tiếp tục tiếp diễn vì nền nhiệt bề mặt biển hiện nay vẫn còn rất cao (khoảng 29-30⁰C) ở khu vực xích đạo và cận xích đạo, thậm chí xa xích đạo về các vĩ tuyến cao phía Bắc", TS Huy chia sẻ.
Siêu bão Milton vừa phá kỷ lục của siêu bão Yagi về thời gian mạnh lên từ bão nhiệt đới thành siêu bão chỉ vẻn vẹn 8 tiếng đồng hồ. Điều này khiến nó trở thành cơn bão mạnh nhất hành tinh trong năm 2024 tính đến thời điểm hiện nay.