1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Bão Ian khiến sứ mệnh Artemis-1 bị hoãn tới tháng 11

Minh Khôi

(Dân trí) - Cơ hội để NASA khởi động sứ mệnh Mặt Trăng lịch sử vào tháng 10 là không cao, và nhiều khả năng chuyến bay sẽ bị hoãn tới giữa tháng 11.

Bão Ian khiến sứ mệnh Artemis-1 bị hoãn tới tháng 11 - 1

Hệ thống phóng của Artemis-1 được di chuyển đến cơ sở thuộc Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida (Mỹ) vào ngày 27/9/2022 để tránh bão Ian (Ảnh: NASA).

Trong một thông tin mới nhất được cập nhật vào ngày 30/9, các quan chức NASA cho biết việc cơn bão Ian tiến thẳng vào bang Florida của nước Mỹ đã gây ảnh hưởng đến kế hoạch phóng tàu vũ trụ Artemis-1.

Cụ thể, cơ sở chứa Hệ thống Phóng Không gian (SLS) và tàu vũ trụ Orion đã bị ngập nước nhẹ tại một số khu vực. Mặc dù chưa phát hiện thấy hư hại đáng kể, song những thiết bị này vẫn cần trải qua các đợt kiểm tra bổ sung cần thiết trước khi quay trở lại bệ phóng.

Điều này đã khiến kế hoạch phóng dự kiến của sứ mệnh vào tháng 10 bị hủy bỏ. Theo NASA, thời gian sớm nhất để họ có thể triển khai phóng tàu vũ trụ là vào giữa tháng 11.

Sự chậm trễ này sẽ là một đòn giáng mạnh đối với cơ quan vũ trụ Mỹ trong kế hoạch quay trở lại Mặt Trăng, sau khi họ để lỡ 2 lần phóng trước đó do lỗi kỹ thuật của hệ thống phóng.

Sự cố đầu tiên được ghi nhận vào ngày 29/8, khi hệ thống phóng tên lửa SLS gặp sự cố rò rỉ hydro trong quá trình tiếp nhiên liệu vào các thùng chứa.

Tiếp sau đó, vào ngày 3/9, các kỹ sư của NASA đã phát hiện trước giờ phóng một lỗ rò rỉ dẫn vào tầng lõi của Hệ thống tên lửa đẩy, khiến toàn bộ kế hoạch sụp đổ vào phút chót.

Kể từ đó tới nay, NASA đã rốt ráo khắc phục sự cố và triển khai các buổi phóng dự kiến. Song, sứ mệnh lịch sử vẫn chưa thể thực hiện do những lý do khách quan từ thời tiết.

Bão Ian khiến sứ mệnh Artemis-1 bị hoãn tới tháng 11 - 2

Sứ mệnh Artemis sẽ là tiền đề để NASA chinh phục các thử thách lớn hơn trong không gian (Ảnh: NASA).

Artemis 1 chỉ là bước đầu tiên của một chặng đường dài. Trong lần phóng này, NASA sẽ thực hiện một chuyến bay thử nghiệm không người lái với tàu vũ trụ Orion kéo dài 38 ngày xung quanh Mặt Trăng, rồi quay trở lại Trái Đất.

Thay vì sự có mặt của các phi hành gia, 3 hình nộm làm bằng vật liệu tái tạo sinh học nam và nữ sẽ được bố trí bên trong tàu. Những hình nộm này có nhiệm vụ thử nghiệm phản ứng trước mức độ rung, gia tốc và bức xạ. Đây được xem là những mối nguy hiểm đáng kể nhất đối với con người khi tiến vào không gian sâu.

Ngoài ra còn nhiều thí nghiệm khác sẽ được diễn ra trên tàu. NASA cũng sẽ gửi thêm một loạt vệ tinh nhỏ để cung cấp dữ liệu khi tàu tiến gần đến Mặt Trăng.

Những bài học từ lần phóng này sẽ được áp dụng cho sứ mệnh tiếp theo, lần lượt là Artemis-2 và Artemis-3 dự kiến sẽ được triển khai vào các năm 2024, 2025/2026 với sự góp mặt của các phi hành gia trên tàu.

Nếu kế hoạch này thành công, Mặt Trăng sẽ trở thành một "trạm cung cấp nhiên liệu" cho các chuyến bay xa hơn vào vũ trụ. Nói cách khác, tên lửa được khởi hành từ Trái Đất sẽ được giảm đáng kể trọng tải cho các sứ mệnh trong tương lai.