Báo cáo mới về 138 ca nhiễm nCoV-2019 cho thấy nhiều điều đáng lo ngại

(Dân trí) - Một bệnh nhân lây cho nhiều người khác, lây lan virus trong bệnh viện và những biến động khó lường theo chiều hướng xấu đi là những sự kiện nổi bật về bệnh dịch ở Trung Quốc.

Một bệnh nhân nhập viện ở Vũ Hán đã lây cho ít nhất 10 nhân viên y tế và 4 bệnh nhân khác.

Hình ảnh chụp CT phổi của một bệnh nhân nghi nhiễm vi rút corona

Hình ảnh chụp CT phổi của một bệnh nhân nghi nhiễm virus corona

Đây là 1 trong số 138 bệnh nhân ở Vũ Hán đang phối hợp với ngành y tế trong việc tìm hiểu tiến trình cũng như mức độ lây lan của căn bệnh.

Báo cáo nói trên là 1 trong 2 báo cáo được công bố ngày 7/2 trên JAMA (tạp chí uy tín về y tế của Hiệp hội Y tế Mỹ), nằm trong số những bài báo toàn diện nhất cho đến nay về những người nhiễm vi rút corona mới.

138 bệnh nhân này có độ tuổi từ 22 đến 92, trung vị là 56 tuổi, đã nhập viện ở bệnh viện Chung Nam của Trường đại học Vũ Hán từ ngày 1/1 đến 28/1. Trong số 138 người này, có 40 người là nhân viên y tế và 30 người khác, được cho là đã nhiễm vi rút corona mới trong bệnh viện, trong đó có 17 người ban đầu nhập viện vì lí do khác.

Người bệnh đã lây truyền vi rút cho rất nhiều nhân viên y tế trước đó đã được đưa vào khu phẫu thuật do có các triệu chứng ở vùng bụng, và không ai nghi ngờ là người này đã mang vi rút corona mới trong người. 4 bệnh nhân khác cùng khu sau đó đã được xác định bị nhiễm vi rút và được cho là lây từ người bệnh kia sang.

Sự việc này là lời nhắc nghiêm khắc về “người siêu reo rắc bệnh” đã từng xảy ra với các vi rút corona trước đây gây ra SARS và MERS, khi đó mỗi người bệnh có thể lây cho rất nhiều người, có khi hàng nhiều chục người. Chúng ta vẫn còn hiểu biết rất ít về hiện tượng này cũng như không thể lường trước được, một cơn ác mộng của ngành dịch tễ học. Những người siêu reo rắc bệnh khi đó đã làm MERS và SARS lan tràn trong các bệnh viện.

Các số liệu trong báo cáo ngày 7/2 mới đây cho thấy giữa những bệnh nhân này có sự lây lan từ người sang người rất nhanh. Một phần là do các bệnh nhân có những triệu chứng khó đoán gây nhầm lẫn cho các bác sĩ khi sàng lọc và chẩn đoán bệnh của họ dẫn đến bất cẩn trong phòng ngừa sự lây lan của vi rút.

Khoảng 10% số bệnh nhân này ban đầu không có các biểu hiện bệnh thông thường là ho và sốt mà lại bị tiêu chảy và nôn. Các triệu chứng không phổ biến khác là đau đầu, chóng mặt và đau bụng.

Một vấn đề đáng lo ngại khác là một số bệnh nhân ban đầu chỉ bệnh nhẹ hoặc trung bình thì lại trở nặng chỉ trong vài ngày. Thời gian trung vị từ khi có triệu chứng đầu tiên đến khi thở gấp là 5 ngày hoặc đến khi nhập viện là 7 ngày, và khó thở nghiêm trọng là 8 ngày. Các chuyên ra cho rằng tiến trình bệnh như vậy khiến bệnh nhân phải được giám sát cẩn thận, và không được chủ quan khi thấy một người khỏe mạnh mà sớm kết luận họ không bị bệnh hoặc đã hồi phục.

Phát hiện này là một lời cảnh báo cho các bác sĩ phải luôn để mắt đến bệnh nhân – bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia, Mỹ, nhận định.

Giống như trong các báo cáo trước đó về bệnh nhân nhiễm vi rút corona, báo cáo này cũng chỉ ra rằng người già và người có bệnh nền như tiểu đường, tim, ung thư có nguy cơ cao hơn người trẻ và khỏe mạnh.

Nhìn chung, khoảng 26% trong số 138 bệnh nhân này cần được chăm sóc tích cực, tuổi trung vị của họ là 66, so với tuổi trung vị của những bệnh nhân còn lại là 51. Trong số này, tỉ lệ tử vong là 4,3%, cao hơn con số ước tính từ các nơi khác ở Trung Quốc. Chưa ai biết lý do vì sao, nhưng con số này còn có thể thay đổi khi có thêm thông tin.

Không giống với các báo cáo trước đây, báo cáo mới này không thấy số bệnh nhân nam cao hơn nữ (54% bệnh nhân là nam).

Bác sĩ William Schaffner – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Vanderbilt – cho biết từ các số liệu thu được, có thể thấy tình trạng ốm yếu do viêm phổi và lây nhiễm hệ thống gây ra phản ứng viêm rất nặng ở cơ thể bệnh. Có những chỉ số sinh hóa của các bệnh nhân này ở mức bất thường và khi có phản ứng viêm thì một số cơ quan trong cơ thể không làm việc được. Phổi, tim, gan, thận và các các hệ thống kiểm soát đông máu đều bị ảnh hưởng mặc dù vẫn chưa biết chắc vi rút này có tác động đến các cơ quan khác ngoài phổi hay không.

Cũng theo bác sĩ Schaffner, phản ứng viêm là dấu hiệu xác nhận một căn bệnh truyền nhiễm nặng. Trong những năm gần đây, tình trạng viêm nhiễm nặng do các bệnh như cúm có thể kéo dài đến một tháng sau khi giai đoạn cấp tính qua đi, và làm tăng nguy cơ các cơn đau tim và đột quỵ ở người già.

Báo cáo này có thu thập số liệu của 13 bệnh nhân được điều trị ở 3 bệnh viện của Bắc Kinh từ ngày 16/1 đến 29/1. Những bệnh nhân này trẻ hơn nhóm bệnh nhân ở Vũ Hán và có tuổi trung vị là 34, không có bệnh nền. Chỉ có 1 người hơn 50 tuổi và trẻ nhất là 2 tuổi. Họ không ốm nặng như các bệnh nhân ở Vũ Hán và chưa có ai tử vong.

Các ca bệnh này hầu hết là trẻ tuổi và khỏe mạnh, điều đó cho thấy không phải chỉ có người già mới dễ mắc bệnh. Bác sĩ Schaffner nói “nó có thể xâm nhập vào cơ thể người khỏe mạnh và làm họ bị bệnh, có thể thấy rõ điều này ở các nhân viên y tế và những người bệnh trẻ tuổi trong báo cáo này”.

Phạm Hường 

Theo Nytimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm