Bạn biết gì về Paraben?
(Dân trí) - Paraben là các chất hóa học tổng hợp được dùng làm chất bảo quản trong rất nhiều sản phẩm, trong đó có mỹ phẩm, dược phẩm và thực phẩm. Paraben giúp kéo dài thời gian sử dụng của các sản phẩm đó, ngăn chặn vi trùng và nấm mốc có hại phát triển trong sản phẩm.
Paraben có nguồn gốc là acid para-hydroxybenzoic (PHBA). Trong tự nhiên PHBA có trong nhiều loại rau quả như là việt quất và cà rốt. PHBA cũng được hình thành một cách tự nhiên trong cơ thể con người khi tiêu hóa các axid amin.
Cấu tạo của paraben nhân tạo dùng cho hàng tiêu dùng và các sản phẩm chăm sóc cơ thể cũng giống hệt như cấu tạo của paraben trong tự nhiên. Các loại paraben phổ biến nhất là methylparaben, ethylparaben, propylparaben, butylparaben, isopropylparaben và isobutylparaben.
Phơi nhiễm paraben
Paraben được sử dụng rộng rãi vì chúng rẻ, phát huy tác dụng rất tốt và ít gây dị ứng.
Do rất nhiều loại thức ăn, đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác có chứa paraben nên sự phơi nhiễm paraben xảy ra qua đường ăn uống hoặc ngấm qua da.
Cục Quản lí dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu tất cả các sản phẩm chăm sóc cá nhân phải dán nhãn ghi đầy đủ thành phần để người tiêu dùng biết và quyết định có sử dụng hay không. Các nhà sản xuất mĩ phẩm không bắt buộc phải có giấy phép của FDA về việc sản xuất, tiếp thị hay bán sản phẩm cho người tiêu dùng, nhưng nếu một sản phẩm được phát hiện là nguy hiểm thì FDA sẽ xử lí và có thể quyết định thu hồi sản phẩm đó khỏi thị trường.
Sử dụng paraben có nguy hiểm không?
Tiến sĩ Chesahna Kindred – Chuyên gia da liễu của Trường đại học Howard, Washington, Mỹ - cho biết 90% các sản phẩm thông thường trong các cửa hàng tiêu dùng là có chứa paraben nên hầu hết ai cũng hấp thụ paraben vào người và nồng độ hóa chất này trong máu ngày càng cao. Tuy nhiên, paraben có độc hại không, độc hại đến mức độ nào thì đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Người ta cho rằng paraben là hóa chất gây rối loạn nội tiết, hóa chất thay thế hóc môn. Như vậy tức là cơ thể chúng ta có thể coi paraben là một loại hóc môn, ví dụ: một số nữ bệnh nhân ung thư vú được phát hiện có paraben trong tế bào ung thư, điều này cho thấy rất có thể paraben hoạt động như nội tiết tố nữ.
Trước tình trạng tỉ lệ bệnh nhân mắc một số bệnh ung thư đang ngày một tăng, các chất phụ gia thực phẩm và phụ gia trong sản phẩm chăm sóc cá nhân cũng càng bị nghi ngờ hơn. Theo kết quả của một nghiên cứu đăng năm 2018 trên tạp chí JNCI Cancer Spectrum (tạp chí y khoa của Trường đại học Oxford), không có bằng chứng để kết luận sử dụng các sản phẩm có chứa paraben sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Các tác giả của nghiên cứu cho biết một số lượng lớn các hóa chất chưa được kiểm nghiệm vẫn đang được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm ở Mỹ và cần phải tiến hành thêm nhiều biện pháp kiểm nghiệm đối với những thành phần có khả năng là tác nhân gây ung thư, giống như paraben.
Các thí nghiệm trên chuột cho thấy paraben là hóa chất gây rối loạn nội tiết, tức là paraben có thể gây ra ung thư vú. Tuy nhiên, sự rối loạn nội tiết quan sát được trên chuột chỉ xuất hiện sau khi những con vật này hấp thụ một lượng paraben cực lớn, gấp nhiều lần so với mức độ paraben mà con người tiếp xúc thông qua các sản phẩm tiêu dùng. Và cho đến nay, các theo dõi lâm sàng đối với cơ thể người chưa phát hiện ra mối liên hệ giữa paraben và mức độ rủi ro mắc bệnh ung thư.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia vẫn quan ngại về việc tích tụ paraben trong cơ thể nếu sử dụng nhiều các sản phẩm chứa hóa chất này. Bên cạnh việc cần tiến hành thêm các nghiên cứu về vấn đề này thì Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cũng cho biết chưa có bằng chứng rõ rệt về việc nồng độ paraben trong máu cao sẽ gây tác hại đối với sức khỏe.
Một số người có thể quá nhạy cảm đối với paraben. “Cũng giống như rất nhiều hóa chất có nguy cơ gây hại khác, cơ thể mỗi người có mức độ nhạy cảm và mẫn cảm khác nhau tùy theo cơ địa của họ” Giáo sư sinh học Grechen Edwalds-Gilbert của Trường đại học Scripps, California, Mỹ cho biết và nếu lo ngại về việc sử dụng các sản phẩm chứa paraben thì người tiêu dùng không nên dùng nhiều.
Phạm Hường (Theo Live Science)