Ba công trình đạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018 có gì đặc biệt?
(Dân trí) - Theo GS Nguyễn Đức Chiến – Phó Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018, các công trình được đề cử năm nay có chất lượng tốt, đồng đều và được đăng tải trên các tạp chí hàng đầu của các chuyên ngành theo xếp hạng của SCIMAGO. Bên cạnh giá trị khoa học, nhiều công trình còn có tiềm năng ứng dụng cao. Vậy 3 công trình đạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay có gì đặc biệt?
TS Trần Đình Phong là tác giả chính của công trình trong lĩnh vực Vật lý: Phong D. Tran,* Thu V. Tran, Maylis Orio, Stephane Torelli, Quang Duc Truong, Keiichiro Nayuki, Yoshikazu Sasaki, Sing Yang Chiam, Ren Yi, Itaru Honma, James Barber, Vincent Artero, “Coordination polymer structure and revisited hydrogen evolution catalytic mechanism for amorphous molybdenum sulfide”, Nature Materials 15, 640-646, 2016.
Hiện nay trong công nghiệp, nhiên liệu hydro đang được sản xuất từ khí thiên nhiên. Thách thức hiện nay là có thể sản xuất được hydro từ nước với giá thành rẻ hơn từ khí thiên nhiên. Vật liệu truyền thống để làm việc này là bạch kim (Pt), là vật liệu hiếm và đắt tiền. Để thay thế Pt, các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu chế tạo những vật liệu rẻ tiền, dễ kiếm, có trữ lượng lớn trên trái đất. TS Trần Đình Phong và nhóm đã tổng hợp được chất xúc tác molybdenum sulfide vô định hình bằng nhiều phương pháp khác nhau với khối lượng lớn. Điều hết sức quan trọng là Công trình này xác định được cơ chế hoạt động xúc tác của vật liệu này một cách đầy đủ và từ đó đề xuất phương pháp thiết kế một thiết bị sản xuất tách hydro từ nước bằng năng lượng mặt trời có thể đạt hiệu suất chuẩn của Cơ quan năng lượng Mỹ.
Công trình được công bố trong Nature Materials là một tạp chí khoa học hàng đầu thế giới, được SCIMAGO xếp hạng 2/1983 trong Khoa học vật liệu, 2/863 trong Hóa học và 3/4363 trong Kỹ thuật.
PGS.TS Phạm Văn Hùng là tác giả chính của công trình khoa học trong lĩnh vực Sinh học Nông nghiệp: Pham Van Hung, Huynh Thi Chau, Nguyen Thi Lan Phi, “In vitro digestibility and in vivo glucose response of native and physically modified rice starches varying amylose contents”. Food Chemistry 191, 74-80, 2016.
Công trình nghiên cứu sự thay đổi cấu trúc và chỉ số đường huyết của các loại tinh bột gạo ở Việt Nam khi tiến hành xử lý nhiệt-ẩm và ẩm-nhiệt. Bằng các phương pháp xử lý trong công trình này, nhóm nghiên cứu đã tạo ra được các loại tinh bột có chỉ số đường huyết trung bình và thấp. Đây là tiền đề cho các nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng ở Việt Nam để phòng chống các bệnh mãn tính của con người và đặc biệt dùng cho các bệnh nhân tiểu đường và béo phì.
Công trình được công bố trong Food Chemistry là một tạp chí khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Nông nghiệp và Sinh học, được SCIMAGO xếp hạng 9/273 trong Công nghệ thực phẩm.
TS. Đỗ Quốc Tuấn (33 tuổi) là tác giả duy nhất của công trình khoa học trong lĩnh vực Vật lý: T. Q. Do, “Higher dimensional nonlinear massive gravity”, Physical Review D 93, 104003, 2016.
TS. Đỗ Quốc Tuấn chụp ảnh lưu niệm cùng với người thân ở lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018.
Lý thuyết hấp dẫn phi tuyến có khối lượng là một chủ đề nghiên cứu thời sự trong Vật lý và Thiên văn học. Để giải thích được các hiện tượng thực tế, người ta cần mở rộng lý thuyết này cho mô hình không thời gian có số chiều lớn hơn 4. Hầu hết các công trình trước đây đều tập trung nghiên cứu mô hình không thời gian bốn chiều. Các kết quả tính toán của công trình này cho thấy lý thuyết hấp dẫn phi tuyến trong mô hình không thời gian bốn chiều hoàn toàn có thể mở rộng lên không thời gian năm chiều hoặc cao hơn nữa.
Công trình được công bố trong Physical Review D là một tạp chí khoa học có uy tín cao trong lĩnh vực Vật lý, được SCIMAGO xếp hạng 79/1225 trong Vật lý và Thiên văn học.
Nguyễn Hùng
Video: Bộ KH&CN