Ánh sáng cực tím hé lộ bí ẩn về cuốn Kinh thánh 1.500 tuổi

Phạm Hường

(Dân trí) - Nhờ chụp ảnh bằng tia cực tím, các nhà khoa học đã tìm thấy một phiên bản cũ của một chương trong Kinh thánh, được giấu bên dưới một phần khác của cuốn kinh thánh hơn 1.500 năm tuổi.

Ánh sáng cực tím hé lộ bí ẩn về cuốn Kinh thánh 1.500 tuổi - 1

Đoạn bản dịch Tân ước bằng tiếng Syria dưới ánh sáng tia cực tím (Ảnh: Thư viện Vatican).

Nhà sử học Grigory Kessel ở Viện hàn lâm Khoa học Áo đã công bố phát hiện này trên tạp chí Nghiên cứu Tân ước. Đây là tạp chí chuyên ngành rất có uy tín của Nhà xuất bản Trường đại học Cambridge, Anh.

Nhà sử học Kessel cho biết ông đã chụp ảnh bằng tia cực tím để chụp được đoạn văn bản được viết trước, bên dưới ba lớp chữ viết khác trên da cừu, một loại sách cổ mà người ta thường viết đè lên lần viết trước nhưng vẫn để lại dấu vết của văn bản đầu tiên.

Bản viết trên da cừu được người xưa sử dụng do thời đó khan hiếm giấy da. Họ còn viết đi viết lại nhiều lần trên cùng một bản da làm cho các lớp chữ bên dưới bị che phủ.

Đoạn văn bản được nói đến trong phát hiện của Kessel là một đoạn dài trong Chương 12 của cuốn "Sách của Matthew" và chính là bản gốc của một đoạn văn bản dịch sang tiếng Syria cổ của Kinh thánh cách đây khoảng 1.500 năm. Ông cho biết ông tìm ra bí mật này trong bản thảo lưu trữ ở Thư viện Vatican.

Việc phát hiện ra bản thảo này như một cánh cửa để các nhà nghiên cứu mở ra tìm hiểu các giai đoạn đầu tiên của quá trình phát triển văn bản Kinh thánh, trong đó có những khác biệt về nội dung so với các bản dịch hiện đại ngày nay.

Ví dụ như bản tiếng Hy Lạp gốc của Matthew 12:1 (là bản được sử dụng phổ biến nhất hiện nay) nói rằng "khi ấy, Chúa Jesus đi ngang qua một cánh đồng lúa mỳ vào ngày Sabbath; môn đệ Ngài đói, bứt bông lúa và ăn". Tuy nhiên, bản dịch tiếng Syria mới phát hiện lại hơi khác một chút. Đoạn này nói rằng "bắt đầu bứt bông lúa, vò trong tay và ăn".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm