1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

AI vén màn bí mật về "quái vật" Bigfoot

Minh Khôi

(Dân trí) - Sau khi được xử lý lại, hình ảnh Bigfoot trong đoạn video trở nên rõ ràng hơn rất nhiều, đặc biệt là một chi tiết đáng ngờ.

Truyền thuyết trứ danh về Bigfoot

AI vén màn bí mật về quái vật Bigfoot - 1

Hình ảnh được cho là của quái vật Bigfoot, chụp vào năm 1967 tại Rừng Quốc gia Six Rivers, tây bắc California, Mỹ (Ảnh: Getty Images).

Bigfoot (hay quái vật chân lớn) là một sinh vật hư cấu, gây tranh cãi, được mô tả trong các báo cáo là một sinh vật lông lá, trông tựa như vượn, cao khoảng 2-3m, trọng lượng hơn 230 kg, và được bao phủ trong lớp lông màu nâu sẫm hoặc đen.

Nhiều nhân chứng từng mô tả con quái vật này có đôi mắt to, trán thấp, bốc mùi rất khó chịu. Ngoài ra, những dấu chân khổng lồ của Bigfoot được phát hiện cho thấy nó không giống với một sinh vật nào, khi dài tới 60 cm và rộng 20 cm.

Những tranh cãi xung quanh sự tồn tại của quái vật Bigfoot đã tạo cảm hứng cho các thợ săn và những người ưa khám phá lao vào cuộc tìm kiếm dành cho sinh vật này.

Tuy nhiên, những gì mà chúng ta tìm thấy cho đến nay chỉ là một ai đó đang cố gắng giả mạo Bigfoot, với trên mình là bộ trang phục khỉ đột, hoặc gấu.

Cũng có trường hợp với một người đàn ông mặc đồ da thú từ đầu đến chân, đang thực hiện các nghi lễ của thầy cúng trong rừng.

Đoạn phim tranh cãi và sự thật phía sau

Video ghi lại cách AI vén màn bí mật về "quái vật" Bigfoot.

Mặc dù đoạn phim bị cộng đồng khoa học bác bỏ, và cho rằng đây chỉ là một trò lừa bịp, nhưng nó vẫn phổ biến đối với những ai tin vào sự tồn tại của quái vật Bigfoot, cũng như thuyết âm mưu.

Dưới góc độ trung lập, một số người thì thắc mắc rằng tại sao cảnh quay này lại rung tới vậy, và liệu rằng nếu như hình ảnh ổn định, chúng ta có thể phân biệt được giữa Bigfoot với một người đang đi bộ trong trang phục lông lá hay không?

Để giải quyết vấn đề này, một nhóm các chuyên gia về AI do nhà nghiên cứu Rowan Cheung dẫn đầu đã sử dụng trí tuệ nhân tạo kết hợp với công cụ xử lý hình ảnh trên máy tính để làm ổn định đoạn phim so với bản gốc.

Có thể thấy sau khi được xử lý lại, hình ảnh Bigfoot trở nên rõ ràng hơn rất nhiều, từ dáng di chuyển cho tới hình ảnh của đối tượng được cho là "con quái vật" bí ẩn nhất nước Mỹ suốt một thời gian dài.

Dựa trên những hình ảnh này, những bình luận cho rằng đây nhiều khả năng chỉ là một người đàn ông đang khoác trên mình bộ lông giả thú để đánh lừa người xem. Chi tiết đáng ngờ nhất là khi Bigfoot ngoái lại phía sau để nhìn, trong khi vẫn di chuyển về phía trước với cùng một tốc độ.

Theo các chuyên gia về động vật, điều này trái với tập tính dễ bắt gặp ở các giống loài, bất kể rằng chúng có phải là linh trưởng hay không. Thông thường, khi con vật bị thu hút về một hướng nào đó, nó sẽ dừng lại, hoặc ít nhất là giảm tốc độ, rồi mới tiếp tục di chuyển.

Trên thực tế, các nghiên cứu khoa học khác cũng đã chứng minh rằng lông thu được từ khu vực chủ yếu đến từ gấu, chó, và một số loài động vật khác, chứ không hề bao gồm vượn hay một loài linh trưởng nào.

Dẫu vậy, việc thiếu bằng chứng thuyết phục vẫn không làm giảm đi sự hi vọng của những người tin vào sự tồn tại của Bigfoot. Những báo cáo không có căn cứ, những hình ảnh mập mờ, những mẫu tóc không có kết luận, hay những dấu chân lạ… là tất cả những gì họ cần cho tới khi có được bằng chứng tốt hơn.