Hình ảnh về khủng long bạo chúa lâu nay chúng ta biết là hoàn toàn sai lầm

T.Thủy

(Dân trí) - Khủng long bạo chúa luôn gắn với hình ảnh loài động vật săn mồi đáng sợ và hàm răng sắc nhọn chìa ra ngoài. Tuy nhiên, những hình ảnh quen thuộc lâu nay có thể đã mô tả sai về loài khủng long này.

Tyrannosaurus rex (khủng long bạo chúa, T-rex) là một trong những loài khủng long nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất. Chúng luôn gắn liền với hình ảnh về vẻ ngoài đáng sợ, với hàm răng sắc nhọn luôn chìa ra ngoài để sẵn sàng tung ra những cú cắn chết chóc.

Hình ảnh đáng sợ của T-rex trở nên nổi tiếng và được biết đến nhiều hơn thông qua bộ phim bom tấn "Công viên kỷ Jura". Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng có thể chúng ta đã mô tả và tái hiện hoàn toàn sai lầm hình ảnh của loài khủng long bạo chúa.

Khủng long bạo chúa T-rex luôn gắn liền với hình ảnh đáng sợ và hàm răng luôn chìa ra ngoài (Ảnh: Discover).

Khủng long bạo chúa T-rex luôn gắn liền với hình ảnh đáng sợ và hàm răng luôn chìa ra ngoài (Ảnh: Discover).

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Science vào tuần trước đã kết luận rằng khủng long T-rex và các loài khủng long chân thú khác sở hữu đôi môi có vảy để che phủ 2 hàm răng.

Các nhà khoa học khẳng định răng của khủng long bạo chúa không chìa ra khi chúng ngậm miệng và ngay cả khi mở rộng miệng để cắn, chỉ những đầu răng chìa ra ngoài, thay vì toàn bộ hàm răng luôn ở trạng thái "lộ thiên" giống như những hình ảnh được mô tả lâu nay về loài khủng long này.

Đây là kết quả mới nhất của công trình nghiên cứu kéo dài để xem xét lại hình dạng miệng của khủng long thực sự sẽ trông như thế nào.

"Một số người cho rằng răng của loài T-rex quá lớn để có thể nhét vừa vào miệng chúng và sẽ luôn chìa ra ngoài, nhưng sự thật không phải vậy", tác giả của công trình nghiên cứu Thomas Cullen, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Auburn (bang Alabama, Mỹ), cho biết. Giáo sư Collen cho biết một số loài khủng long có tỷ lệ răng so với kích thước hộp sọ còn lớn hơn T-rex, nhưng vẫn được bao phủ bởi cặp môi.

Các nhà khoa học cũng tìm thấy manh mối về việc bề mặt răng bị bào mòn để khẳng định răng của T-rex được môi che phủ.

"Đối với một số sinh vật như cá sấu, có răng nhô ra khỏi miệng, phần răng lộ ra sẽ bị mài mòn nhanh chóng, giống như ai đó lấy máy đánh bóng để mài vào một bên của răng", đồng tác giả công trình nghiên cứu Mark Witton, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Portsmouth (Anh), cho biết. "Tuy nhiên, khi phân tích một chiếc răng của Daspletosaurus, họ hàng gần của T-rex, chúng tôi nhận thấy răng ở tình trạng tốt và không có dấu hiệu bị mài mòn không đều".

Nghiên cứu mới cho thấy răng của T-rex được che phủ bởi một cặp môi mỏng (Ảnh: Science).

Nghiên cứu mới cho thấy răng của T-rex được che phủ bởi một cặp môi mỏng (Ảnh: Science).

Kết quả nghiên cứu này đã được nhiều nhà khoa học khác đồng tình. Nhà cổ sinh vật học Thomas Holtz tại Đại học Maryland (Mỹ) là một trong số đó. Dù không tham gia công trình nghiên cứu nhưng dựa vào những nghiên cứu của riêng mình, ông cho rằng khủng long T-rex và các loài khủng long chân thú khác đều sở hữu đôi môi để che phủ hàm răng bên ngoài. Tuy nhiên, đây chỉ là những đôi môi mỏng và có vảy, tương tự như môi của rồng Komodo.

Việc sở hữu đôi môi che phủ hàm răng sẽ giúp khủng long T-rex trở nên bớt hung dữ hơn đôi chút, nhưng về cơ bản chúng vẫn là loài khủng long săn mồi đáng sợ.

Trên thực tế, hầu hết những hình ảnh mô tả và tái hiện lại hình dáng của các loài khủng long đều đến từ hóa thạch xương của chúng, do vậy rất khó để có được câu trả lời rõ ràng về cách sắp xếp của các mô mềm như cơ và da. Do vậy, sẽ không quá ngạc nhiên nếu những công trình nghiên cứu trong tương lai sẽ "vẽ lại" toàn bộ hình dạng bên ngoài của các loài động vật đã bị tuyệt chủng.

Theo CBSNews/Science