Một lục địa của Trái Đất đang bị "xé đôi", điều gì sẽ xảy ra?
(Dân trí) - Một vùng biển rộng lớn sẽ chia cắt lục địa này do hậu quả của quá trình đứt gãy khổng lồ, dẫn tới một thế giới hoàn toàn mới.
Châu Phi - mảnh đất được mệnh danh "lục địa đen", đang trong quá trình chia tách thành hai lục địa riêng biệt, và có thể mở ra một đại dương mới rộng lớn. Điều may mắn là quá trình này dự kiến sẽ kéo dài rất lâu, đến mức chúng ta sẽ mất hàng triệu năm mới có thể chứng kiến thành quả của nó.
Một báo cáo mới đây được trích dẫn bởi Iflscience cho biết sự đứt gãy khổng lồ có liên quan đến Hệ thống rạn nứt Đông Phi (EARS), là một trong những biến đổi địa chất lớn nhất trên thế giới, kéo hàng nghìn km và ảnh hưởng tới nhiều quốc gia ở Châu Phi, như: Ethiopia, Kenya, Cộng hòa Dân chủ Congo, Tanzania, Mozambique…
Theo một nghiên cứu năm 2004, quá trình rạn nứt này sẽ khiến châu Phi tách thành 2 mảng riêng biệt, gọi là mảng Somalia và mảng Nubian. Cho tới nay, 2 mảng này vẫn đang tiếp tục kéo ra xa nhau với tốc độ vài milimét mỗi năm.
Các nhà khoa học cho rằng trong từ 5 triệu đến 10 triệu năm nữa, những thay đổi của EARS có thể dẫn đến một thế giới mới khác hẳn so với những gì chúng ta đang sống hiện nay.
Cụ thể, chúng ta có thể sẽ thấy một dạng đại dương mới giữa mảng kiến tạo Somalia và mảng kiến tạo Nubian. Lục địa châu Phi vĩ đại sẽ mất đi "bờ vai" phía Đông và một vùng biển rộng lớn sẽ chia cắt khu vực Đông Phi.
Ngoài châu Phi, phần còn lại của Trái Đất cũng sẽ có những biến đổi nhất định, do bề mặt hành tinh của chúng ta vốn dĩ không cố định, mà luôn chịu những tác động về mặt địa chất.
Nếu bạn chưa biết, Trái Đất ngày nay với sự hiện diện của 6 lục địa, gồm: Á-Âu, Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Nam Cực và Châu Đại Dương - cũng là thành quả của các mảng kiến tạo rộng lớn, được nối với nhau như một trò chơi ghép hình.
Bằng những chuyển dịch diễn ra rất chậm, các miếng ghép này di chuyển xung quanh trong khoảng thời gian hàng triệu năm, và liên tục tái thiết lập trật tự thế giới mới.