5 loài động vật "ồn ào" nhất trên thế giới
(Dân trí) - Bằng cách thử đo lường âm thanh phát ra từ các loài động vật, giới khoa học đã vô cùng bất ngờ khi một số loài thậm chí có thể tạo ra âm thanh lớn đến mức làm vỡ màng nhĩ của con người.
1. Tôm gõ mõ Pistol
Họ Tôm gõ mõ, hay còn gọi là tôm súng, tôm pháo... có đặc điểm nổi bật với cặp càng bất đối xứng. Chúng không trực tiếp tạo ra âm thanh bằng miệng, hay bằng cơ thể của chúng. Thay vào đó, nó sử dụng chiếc càng lớn để bắn ra những tia nước với lực cực mạnh, đến nỗi tạo ra các bong bóng khí.
Khi bong bóng này phát nổ, nó tạo ra một sóng xung kích, lan truyền dưới nước, được đo ở mức hơn 200 decibel. Thông thường, 120 decibel là giới hạn chịu đựng của con người, khi chúng ta bắt đầu cảm thấy đau trong tai. Nếu lên tới 160 decibel, màng nhĩ của con người có thể sẽ bị vỡ.
Với sức mạnh đó, sóng xung kích phát ra từ loài tôm này có thể giết chết những con tôm khác và cả con mồi ở bán kính 2 mét.
2. Cá voi xanh
Loài cá voi lưng gù và những phân loài của cá voi xanh tìm thấy ở Ấn Độ Dương được biết với khả năng tạo ra những âm thanh đặc trưng lặp đi lặp lại ở nhiều tần số khác nhau, mà được gọi là bài hát cá voi.
"Bài hát" này có tần số trải từ 20 Hz đến 10 kHz, có thể đạt tới mức 188 decibel, và nghe được trong bán kính 1.600 km.
Những con cá voi lưng gù đực chỉ "hát" khi ở trong mùa giao phối và vì thế người ta đoán rằng mục đích của những bài hát là giúp cho việc chọn lọc giới tính.
3. Dơi Bulldog
Loài dơi Bulldog có nguồn gốc từ vùng Caribbean, cũng có khả năng định vị bằng tiếng vang để tìm thức ăn, giống như tất cả các loài dơi khác .
Thế nhưng thay vì mục tiêu là những loài côn trùng, loài dơi này lại ăn cá. Điều đó có nghĩa là chúng cần phát ra âm thanh đủ lớn để có thể xuyên qua cả không khí và nước.
Theo đo lường, khả năng sóng định vị bằng tiếng vang của chúng có thể đạt tới ngưỡng 140 decibel. Tuy nhiên, do là sóng siêu âm, nên âm thanh phát ra từ loài dơi nằm ngoài phạm vi nghe của con người.
4. Vẹt Kakapo
Kakapo hay vẹt cú (Strigops habroptilus) là loài vẹt đặc hữu ở vùng New Zealand với khả năng nổi bật là phát ra những "tiếng gọi giao phối" lớn tới 132 decibel.
Loài vẹt Kakapo còn có một số cơ chế đặc biệt khác, như chủ yếu sống về đêm, không bay được, và cũng đồng thời là loài vẹt nặng nhất thế giới, với trọng lượng lên tới 2,2 kg.
Không chỉ vậy, chúng còn là loài vẹt sống lâu nhất, với tuổi thọ cao được ghi nhận lên tới 90 năm.
5. Ve sầu
Có kích thước nhỏ bé, song ve sầu là loài côn trùng "ồn ào" bậc nhất thế giới, khi có thể tạo ra âm thanh lên tới 120 decibel - to nhất nhì trong giới côn trùng.
Khác với các loài côn trùng khác, như dế (tạo âm thanh bằng cách cọ xát hai cánh vào nhau), ve sầu đực tạo âm thanh bằng cách rung hai cái "loa" làm bằng màng mỏng, nằm ở lồng ngực.
Bên cạnh đó, bụng ve thường rỗng nên có thể khuếch đại thành tiếng kêu rất to. Tiếng kêu đặc trưng của chúng có mục đích thu hút con cái trong mùa giao phối.