DNews

Nổi bật tuần qua: Hai cô gái bơi cạnh rắn biển cực độc mà không hay biết

T.Thủy

(Dân trí) - Đoạn video ghi lại khoảnh khắc hai cô gái bơi ngay sát rắn biển cực độc mà không hề nhận ra, là một trong những clip về động vật nổi bật mạng xã hội tuần qua.

Nổi bật tuần qua: Hai cô gái bơi cạnh rắn biển cực độc mà không hay biết

Hai cô gái bơi cạnh rắn biển cực độc mà không hay biết

Một nhóm du khách đã đến bơi trong hang động dưới nước ở gần bờ biển tỉnh Oriental Mindoro, Philippines.

Hai cô gái trong nhóm khi đang bơi dưới nước đã không phát hiện một con rắn cạp nia biển cực độc bơi ngay sát cạnh mình. Tuy nhiên, một người trong đoàn đã kịp thời phát hiện con vật và cảnh báo để hai cô gái trèo lên bờ.

Hai cô gái bơi cạnh rắn biển cực độc mà không hay biết (Video: ViralPress).

Con rắn độc này sau đó đã trườn lên một mỏm đá rồi biến mất sau những khe nứt nhỏ. Riêng 2 nữ du khách đã có một tình huống "rùng mình" khi xem lại đoạn clip họ bơi gần con rắn độc mà không hề hay biết.

Nhóm du khách đã rất sốc sau khi thoát nạn và nhanh chóng di chuyển đến một vị trí khác để bơi, tránh nguy cơ đối đầu với con vật nguy hiểm.

Rắn cạp nia biển được tìm thấy ở các vùng biển nhiệt đới của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đây là loài rắn sở hữu nọc độc chết người.

Nọc độc của cạp nia biển thậm chí được đánh giá mạnh gấp 10 lần nọc độc của rắn đuôi chuông. Nọc độc của rắn cạp nia biển là loại nọc thần kinh, có thể làm tê liệt con mồi trong vòng vài phút.

Mặc dù tất cả các loài rắn biển đều sở hữu nọc độc, nhưng chúng là loài vật nhút nhát và không chủ động tấn công con người. Tuy nhiên, khi con người bơi lội dưới nước, hành động khua tay, chân có thể khiến rắn biển cảm thấy bị đe dọa và tấn công.

Nữ du khách bất ngờ bị hàng chục con cá mập bao vây trong khi đang lặn biển

Sindy Claire Bondoc đang khám phá đại dương ngoài khơi Maldives, đã giật mình khi nhận ra hàng chục con cá mập bơi lại gần và bao vây xung quanh cô.

Nữ du khách bất ngờ bị hàng chục con cá mập bao vây trong khi đang lặn biển (Video: NYT).

May mắn, vào thời điểm này, Sindy đang lặn cùng một hướng dẫn viên địa phương, người đã có kinh nghiệm để xử lý tình huống. Sindy làm theo chỉ dẫn của hướng dẫn viên để không làm những con cá mập kích động, giúp cô có thể bơi cùng chúng một cách an toàn.

Báo hoa mai con bị ngã khi học trèo lên cây cùng mẹ

Trèo cây là một trong những kỹ năng sinh tồn quan trọng của loài báo hoa mai, giúp chúng có thể trốn tránh kẻ thù và tha con mồi lên cây cao để tránh xa sự tranh giành của những loài động vật ăn thịt khác.

Báo hoa mai con bị ngã khi học trèo lên cây cùng mẹ (Video: Kruger).

Tuy nhiên, để trèo cây thành thục, những con báo hoa mai non sẽ phải tập luyện kỹ năng này với mẹ của chúng khi còn nhỏ. Điều này có thể dẫn đến những tai nạn khi con non bị ngã từ trên cao xuống đất.

Bò nhà bất ngờ "nổi điên", tấn công chủ dữ dội

Video do camera giám sát ghi lại cho thấy khoảnh khắc bò bất ngờ nổi điên, lao vào tấn công dữ dội chính chủ nhân của mình. Con bò đã sử dụng sừng và đầu để đẩy cụ ông về phía tường nhà, sau đó còn tiếp tục húc mạnh vào người này dù ông đã bị ngã xuống đất.

Bò nhà bất ngờ "nổi điên", tấn công chủ dữ dội (Video: Bilibili).

Sự việc xảy ra khi cụ ông ở nhà một mình nên không ai phát hiện ra kịp thời để can thiệp.

Đoạn video là minh chứng cho thấy sự bất ổn định của các loài động vật. Ngay cả những vật nuôi quen thuộc trong gia đình cũng có thể trở nên mất kiểm soát và tấn công ngay chính người chủ của chúng.

Trâu rừng không chịu lép vế khi bị voi "bắt nạt"

Đoạn video được một du khách ghi lại tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sabi Sabi, Nam Phi, cho thấy khoảnh khắc một con voi chưa trưởng thành đang đe dọa và xua đuổi bầy trâu rừng. Con voi liên tục dậm chân, vẫy tai và dùng vòi để đe dọa những con trâu rừng.

Trâu rừng không chịu lép vế khi bị voi "bắt nạt" (Video: Sabi Sabi).

Tuy nhiên, bầy trâu rừng lại không hề hoảng sợ mà đứng yên tại chỗ đầy thách thức.

Dường như cảm thấy tức giận vì đàn trâu cứng đầu, voi đã tiến tới dùng chân đá nhẹ vào đầu con trâu đứng gần nhất, sau đó quay lưng bỏ đi.

Tuy nhiên, hành động của voi không đủ khiến trâu hoảng sợ mà càng khiến cho con vật trở nên hung hăng hơn. Lợi dụng cơ hội khi voi quay đầu bước đi, trâu đã bất ngờ lao đến dùng sừng húc vào chân sau của voi. Cú húc khiến voi khụyu xuống vì đau và bất ngờ.

Trên thực tế, đây chỉ là một con voi chưa trưởng thành nên hành động có phần rụt rè và chưa thể hiện hết sức mạnh. Với những con voi trưởng thành, chúng có thể dễ dàng hạ gục và giết chết những con trâu rừng to lớn khi bị kích động.

Trăn trườn vào nhà tấn công mèo giữa đêm để ăn thịt

Camera giám sát tại một căn hộ ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, đã ghi lại khoảnh khắc một con trăn cỡ lớn trườn vào nhà lúc nửa đêm để tấn công 2 con mèo của gia đình. Con trăn bất ngờ tung ra cú mổ ngay khi xuất hiện, nhưng mèo đã nhanh hơn, kịp thời tránh được.

Sự xuất hiện của trăn khiến 2 con mèo hoảng loạn tìm cách chạy trốn. Con trăn sau đó tiếp tục tung ra cú mổ khác, nhưng mèo vẫn cho thấy sự vượt trội về tốc độ.

Sau những nỗ lực tấn công bất thành, trăn đành chấp nhận bỏ đi mà không thể bắt được con mèo nào.

Trăn trườn vào nhà tấn công mèo giữa đêm để ăn thịt (Video: Newsflare).

Chủ nhà cho biết kể từ thời điểm bắt đầu mùa mưa, trăn xuất hiện ngày càng nhiều do gia đình sống gần khu vực cây cối rậm rạp. Camera giám sát của gia đình đã nhiều lần ghi được hình ảnh trăn bò vào nhà.

Con trăn trong đoạn clip là một cá thể trăn mắt lưới, hay còn có tên gọi trăn gấm. Đây là loài trăn được tìm thấy ở khắp các quốc gia Đông Nam Á, sống trải rộng trên nhiều môi trường khác nhau, từ rừng rậm, đầm lầy, kênh rạch đến cả những thành phố lớn, khiến chúng thường xuyên đụng độ với con người.

Linh cẩu lọt vào vòng vây của đàn sư tử và cái kết

Đoạn video được một du khách ghi lại tại Vườn Quốc gia Mana Pools, Zimbabwe, cho thấy một con linh cẩu bị đàn sư tử bao vây và tấn công. Linh cẩu tìm cách chạy trốn, nhưng đàn sư tử vượt trội về số lượng lẫn sức mạnh đã dễ dàng hạ gục con vật xấu số.

Các du khách chứng kiến sự việc tưởng rằng linh cẩu đã phải chấp nhận số phận trở thành bữa ăn cho đàn sư tử, nhưng thực tế, những con sư tử cho thấy chúng không hề có ý định ăn thịt linh cẩu, mà chỉ xem con vật như một món đồ chơi.

Linh cẩu lọt vào vòng vây của đàn sư tử và cái kết (Video: QQ).

Không lâu sau, bầy linh cẩu đã quay trở lại bao vây đàn sư tử để tìm cách giải cứu cho đồng loại. Khi nhận thấy bầy linh cẩu bao vây xung quanh, đàn sư tử đã chấp nhận rút lui.

Tận dụng cơ hội này, con linh cẩu ban đầu đã chạy thoát khỏi đàn sư tử.

Tuy nhiên, những nhát cắn trước đó của đàn sư tử khiến con linh cẩu này bị thương nghiêm trọng. Nhiều chuyên gia động vật cho rằng con linh cẩu này khó có thể tồn tại trong thế giới tự nhiên với tình trạng bị thương nghiêm trọng như vậy.

Người dân hoảng sợ khi trâu làm loạn trên đường

Camera giám sát tại tỉnh Nong Bua Lamphu, Thái Lan, đã ghi lại được khoảnh khắc con trâu làm loạn trên đường khiến nhiều người hốt hoảng bỏ chạy.

Các nhân chứng cho biết ban đầu con trâu đang gặm cỏ trên một cánh đồng gần khu dân cư thì bất ngờ bị đàn chó lao đến bao vây, đe dọa. Con trâu đã hoảng sợ bỏ chạy về phía khu dân cư, nhưng đàn chó vẫn liên tục rượt đuổi khiến con vật càng trở nên hoảng loạn.

Người dân hoảng sợ khi trâu làm loạn trên đường (Video: VPress).

Sự việc khiến cả đoạn phố trở nên náo loạn. Nhiều người dân khi thấy trâu lao đến đã hốt hoảng bỏ chạy vào nhà.

Chủ trâu đã cố gắng đuổi theo để trấn an con vật của mình, nhưng đàn chó vẫn liên tục rượt đuổi con trâu suốt một quãng đường dài.

Sự việc không gây ra thương vong. Con trâu bị thương do va chạm trong quá trình trốn chạy khỏi đàn chó, nhưng không quá nghiêm trọng.

Bật cười trước hình ảnh hổ tranh giành chỗ ngủ

Chứng kiến hình ảnh cặp đôi hổ giành chỗ ngủ của nhau trong vườn thú, nhiều người đã phải bật cười và liên tưởng đến chính mình.

Bật cười trước hình ảnh hổ tranh giành chỗ ngủ của nhau (Video: Instagram).

Cuộc chiến tay ba của rắn để tranh giành bạn tình

Ba con rắn đã có màn so tài sức mạnh ngay giữa đường để tranh giành bạn tình.

Những con rắn trong đoạn clip là loài rắn hổ trâu, còn có tên gọi ráo trâu, long thừa, hổ vện… là một loài thuộc họ rắn nước, không có nọc độc. Đây là loài rắn có kích thước lớn, có thể dài đến 2,5m.

Cuộc chiến tay ba của rắn để tranh giành bạn tình (Video: X).

Rắn hổ trâu là loài bắt chuột giỏi và không có khả năng gây nguy hiểm cho con người, do vậy đây là một loài rắn có ích.