20 phút trải lòng của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với các nhà khoa học

(Dân trí) - Phát biểu tại Lễ trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 vào sáng 17/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra những chia sẻ hết sức tâm huyết với các nhà khoa học. Từ câu chuyện về ngân sách dành cho khoa học ngày càng giảm dần cho đến thông điệp “xã hội cần phải tin các nhà khoa học”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, thời gian trở lại đây, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam nói riêng và giới khoa học nói chung nhận được nhiều tin vui. Chẳng hạn như, về lĩnh vực vệ tinh, vũ trụ có rất nhiều sự tiến bộ; nhiều thông tin vui về lĩnh vực vật liệu, công nghệ thông tin. Tất cả những sự tiến bộ này đều được đo đếm bằng các chỉ số quốc tế, trong đó đáng chú ý là các công trình khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

20 phút trải lòng của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với các nhà khoa học - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ thẳng thắn với các nhà khoa học trong Lễ trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa sáng 17/5. 

Có rất nhiều chỉ số quốc tế đánh giá về trình độ công nghệ của đất nước. Trong đó, có chỉ số đánh giá ở vị trí 80-90. Tuy nhiên đánh giá về mức độ sáng tạo và các chỉ số liên quan trực tiếp tới giới khoa học thì đã được cải thiện rõ rệt. Cách đây hai năm chỉ số đổi mới sáng tạo là 47 còn gần đây chỉ số là 45, trong khi thu nhập đầu người của Việt Nam ở mức thấp.

“Đánh giá một cách công bằng thì trí thức Việt Nam, các nhà khoa học Việt Nam dù ở điều kiện còn hết sức khó khăn, đầu tư còn rất hạn chế nhưng chúng ta vẫn đạt được những kết quả nghiên cứu mà thế giới đánh giá là ngang bằng với các nước có thu nhập đầu người và chi ngân sách cho khoa học công nghệ nhiều hơn Việt Nam chúng ta nhiều lần”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Muốn khoa học đột phá thì cần có cơ chế đột phá!

Phó Thủ tướng cũng thông tin, hiện nay chúng ta đang bước vào quy trình chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội Đảng sắp tới. Trong đó có báo cáo chính trị, chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), có kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm… Chính phủ tham gia vào sự chuẩn bị cho các văn kiện này. Cũng từ các kiến nghị của cộng đồng khoa học nên hiện nay đang bàn để đưa thêm một trong những giải pháp đột phá trong vòng 10 năm tới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đó chính là khoa học công nghệ.

“Tới đây sẽ có ít nhất một buổi để trao đổi với các nhà khoa học, không chỉ bởi sự cần thiết đưa khoa học công nghệ trở thành đột phá, mà quan trọng là tạo ra một bức tranh đã đột phá thì cần có cơ chế đột phá. Để đất nước phát triển tranh thủ khi vận hội mới thì không thể không tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ, đây là con đường duy nhất”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng nêu vấn đề: Làm sao để cho khoa học thực sự thành khâu đột phá? Điều này không thể chỉ nói riêng khía cạnh khoa học mà trước hết phải nói đến khía cạnh kinh tế trong khoa học.

“Đổi mới sáng tạo quốc gia thì doanh nghiệp phải là trung tâm, xoay quanh nó là viện nghiên cứu, trường đại học và nhà nước. Nhưng để doanh nghiệp trở thành trung tâm thì phải có cơ chế tư nhân. Cơ chế đó là chính sách thuế, chính sách nâng bổ nguồn lực về vốn, chính sách mua sắm, đấu thầu… Tất cả cái này cần sự đồng bộ”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

“Đã làm khoa học thì có chấp nhận rủi ro không?”

Đó là trăn trở lớn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi nói về cơ chế chính sách tài chính hiện nay. Phó Thủ tướng cho hay, qua rất nhiều lần trò chuyện với các nhà khoa học thì cơ chế khoán khoa học đã được áp dụng để giải quyết các thủ tục sao cho các dự án nghiên cứu, công trình nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước bớt những gánh nặng mang tính bức xúc, lo lắng về mặt sổ sách… Mặc dù đã từng bước đổi mới nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn.

“Về mặt lý thuyết thì tất cả các bất cập đều giải quyết tốt hết nhưng thực tế đòi hỏi thì lại vướng rất nhiều. Một trong những căn nguyên của sự vướng đó là chúng ta chưa bao giờ đặt ra câu hỏi: Đã làm khoa học thì có chấp nhận rủi ro không? Chúng ta có tin các nhà khoa học không? Đây là vấn đề chúng ta cần phải trao đổi một cách cầu thị, thẳng thắn và cùng suy nghĩ.

Chúng ta không thể để tiếp tục tình trạng, coi khoa học là quốc sách hàng đầu nhưng đầu tư về ngân sách cho khoa học công nghệ từ năm 2001 đến nay đang giảm dần, từ 1,8% bây giờ giảm chỉ còn hơn 1,4%. Không thể để tình trạng đầu tư khoa học trong GDP chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3, 1/4 so với các nước xung quanh, nhất là các nước trong khu vực.

Không thể để khoa học là quốc sách hàng đầu mà các nhà khoa học cứ phải trăn trở, vật lộn để “sáng tác” số liệu để hợp thức hóa các khoản chi”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trải lòng với các nhà khoa học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, nếu đã coi khoa học là đột phá thì phải giải quyết vấn đề trên đến cùng. “Tôi đã “đặt hàng” Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như báo cáo với các đồng chí lãnh đạo Chính phủ là cần phải có một cuộc trao đổi rất cởi mở để làm tới cùng vấn đề này. Nếu chúng ta không làm được đột phá thực sự thì chắc chắn đất nước không thể bứt phá lên được”, Phó Thủ tướng chốt vấn đề.

Nguyễn Hùng (Lược ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm