1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chủ tịch TP Huế mong dân thông cảm vì dự án nước ảnh hưởng đời sống

(Dân trí) - Trả lời tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII (nhiệm kỳ 2016-2021) chiều 9/12 về việc Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế thi công chậm, ảnh hưởng không tốt đến đời sống, việc buôn bán kinh doanh của người dân, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế đã giải thích nguyên nhân và mong nhân dân thông cảm.

Theo ông Thành, đây là Dự án trọng điểm, thể hiện sự ưu ái của Chính phủ Nhật Bản đối với TP Huế. Dự án được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, cho vay ưu đãi nhất từ trước đến nay với lãi suất rất thấp 0,5%, nhưng bên cạnh đó có phí cam kết 0,1%, nếu làm chậm phải trả phí cam kết. Kinh phí dự án tổng mức đầu tư 24 tỷ yên (tương đương 5.000 tỷ đồng), trong đó 20,8 tỷ yên là của chính phủ Nhật Bản, phần còn lại Trung ương cam kết thông qua Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính chi trả.

Dự án này được lựa chọn công nghệ tiên tiến nhất làm cống thoát nước ở Nhật là bùn hoạt tính. Trước đây tại Huế có 200 cửa xả thải thẳng ra sông chưa được xử lý, thì nay qua dự án sẽ thu gom toàn bộ nước thải sinh hoạt đưa về nhà máy công suất 30.000 m3/ngày đêm xử lý. Khi mưa lớn thì có hệ thống giếng tắt dẫn nước tràn ra sông.

Tổng thể dự án sẽ có 1 nhà máy xử lý nước thải, 7 trạm bơm, 160 km đường cống thu nước, 30km đường cống bao, gần 100 giếng tắt. Dự án gồm 8 gói thầu xây lắp - thiết bị và 6 gói thầu xây lắp. Dự án ký kết từ 31/3/2008, thực hiện vào năm 2018 là hoàn thành do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế làm chủ đầu tư dự án.

Dự án cải thiện môi trường nước đang tiến hành ngổn ngang tại TP Huế (ảnh: Tâm Huệ)
Dự án cải thiện môi trường nước đang tiến hành ngổn ngang tại TP Huế (ảnh: Tâm Huệ)

Giải thích về lý do dự án thi công chậm, Chủ tịch UBND TP Huế - ông Nguyễn Văn Thành - cho biết, do dự án tiêu chí của Nhật đưa ra khá cao nên chỉ có 1 công ty của Mỹ trúng thầu. Công ty trúng thầu này có giá quá cao nên TP Huế đề nghị JICA xem xét, điều chỉnh, đấu thầu lại tư vấn nhưng bên JICA không chịu. Quá trình thương thảo riêng về công tác tư vấn này đã mất đến 1 năm rưỡi.

Chậm thứ hai là từ năng lực nhà thầu tư vấn, dù đơn vị của Mỹ nhưng quá trình thiết kế lại sử dụng một số chuyên gia không phù hợp, chưa có kinh nghiệm với tình hình Việt Nam; các phương án tư vấn họ đưa ra cũng không phù hợp với Việt Nam nên phải chuyển phương án, gây mất thời gian...

"Theo quy định, đến tháng 8/2018 phải kết thúc dự án. Nếu làm quá thời hạn thì bên mình phải bị cắt hoặc bị nộp phạt. Cho nên phải ép tiến độ. Trước đây 1 gói thầu phải làm trong 36 - 40 tháng, nay phải ép xuống 24 tháng. Nên có tình trạng các nhà thầu được tư vấn và ban quản lý dự án yêu cầu đồng loạt tiến hành ở nhiều đường gây xáo trộn cuộc sống sinh hoạt và công việc làm ăn của nhân dân. Hiện trên toàn TP Huế có khoảng 250 tuyến kiệt đang làm, hơn 30 tuyến đường sắp tới đã và sẽ làm. Ảnh hưởng và gây một số bức xúc cho bà con, chúng tôi thấy là đúng”, ông Thành nói.


Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế, lý giải các nguyên nhân Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế triển khai chậm.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế, lý giải các nguyên nhân Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế triển khai chậm.

Ông Thành còn nêu ra những nguyên nhân gây chậm khác như các đơn vị trúng thầu đều là những công ty "rất lớn, rất oai" nhưng các bộ phận thi công ở dưới năng lực không tốt hoặc không quen thi công với địa chất Huế có dòng chảy nhiều, trời mưa, đất cát tụt...

Một lý do nữa là, các nhà thầu khi đấu thầu muốn trúng thầu nên bỏ giá thầu thấp. Khi trúng rồi, lúc làm phải tìm nguyên liệu, thiết bị giống như hồ sơ đấu thầu để triển khai nhưng giá thành khó đáp ứng nên chậm.

Mưa cũng là một nhân tố ảnh hưởng khi hoàn trả mặt đường bằng nhựa mà gặp trời mưa thì không làm được nên bị trễ.

Ông Thành cho biết hiện đã đôn đốc ban quản lý dự án kiểm tra, tư vấn xử phạt những nhà thầu làm chậm, thi công không đảm bảo, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó mỗi tháng ông cho biết thường xuyên làm việc với ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn để cử các chuyên gia tư vấn giám sát có kinh nghiệm và có phẩm chất để làm.

“Chúng tôi mong nhân dân thông cảm. Thay mặt lãnh đạo thành phố, chúng tôi rất hiểu những bức xúc của một số bà con ở một số tuyến đường buôn bán. Công trình làm ra bụi, chậm, kéo dài và ảnh hưởng. Nhưng mong bà con cũng chia sẻ vì bất cứ một dự án nào làm hệ thống thoát nước cũng đều bị như vậy. Một điều nữa là việc đấu nối từ trong nhà ra ống chung là của mỗi gia đình chứ không phải dự án làm, một số dân hiểu lầm việc này là do dự án làm.

Chúng tôi quán triệt ban quản lý dự án, chủ đầu tư, đơn vị thi công để công trình sớm hoàn thành. Xin người dân, cử tri thấy điều nào không phù hợp, bức xúc hay có tiêu cực gì thì gửi về ban quản lý dự án hay ủy ban thành phố Huế, chúng tôi hứa sẽ giải quyết xử lý. Rất mong các đại biểu hội đồng thông qua các cử tri toàn thành phố chia sẻ và hỗ trợ cho tỉnh, thành phố, ban dự án, đơn vị thi công để thực hiện tốt dự án” – ông Nguyễn Văn Thành khẳng định.

Chủ tịch TP Huế trả lời chất vấn
Chủ tịch TP Huế trả lời chất vấn

Qua phần trả lời chất vấn của ông Thành, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế chốt lại vấn đề: “Phản ánh của người dân bấy lâu nay là có cơ sở. Chúng ta phải để ý, giám sát chặt chẽ nhà thầu, việc thi công đến đâu thì phải hoàn trả mặt bằng đến đấy để đường nào xong là hoàn thiện luôn nhằm phục vụ cho người dân, du khách. Huế là thành phố du lịch nên điều này rất quan trọng”.

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm