Nhà trọ 10m2 "nhét" chục người, công nhân chứng kiến F0 đi rồi không về!
(Dân trí) - Tại những phòng trọ chen chúc, tạm bợ ở TPHCM, công nhân chứng kiến những F0 ở dãy trọ đi rồi không thấy quay về nữa... Họ mệt mỏi, lo lắng và chỉ muốn về quê tìm sự an toàn.
Vì đâu người lao động bất chấp, kể cả những hiểm nguy để lên đường về quê là vấn đề được nêu ra tại tọa đàm "Nguồn nhân lực lao động cho TPHCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch" do Báo Người lao động tổ chức ngày 1/10.
"Thở không nổi" đúng nghĩa đen!
Những tháng qua, khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta chứng kiến làn sóng hàng ngàn người lao động tìm đường về quê trong bối cảnh hết sức nhọc nhằn, thương tâm.
Dòng người chen chúc nhau ở các cửa ngõ, những bà mẹ ôm con mới vài ngày tuổi ngồi xe máy cả ngàn cây số, hay đạp xe về quê trong túi chỉ còn vài nghìn đồng...
Trước cảnh đau thương đó, không ít lời động viên người lao động ráng ở lại xin miễn tiền trọ, qua ngày bằng các gói hỗ trợ từ chính quyền, các mạnh thường quân...
Họ biết rõ những khó khăn và hiểm nguy trên hành trình đó. Nhưng những khó khăn, nguy hiểm đó chẳng là gì khi phía trước là bố mẹ, gia đình, quê hương so với việc với ở lại chờ đợi trong những khu trọ "thở không nổi".
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho hay, có thể chia lực lượng lao động thành 4 nhóm: Nhóm trong các doanh nghiệp FDI, nhóm trong các khu công nghiệp, nhóm làm việc ngoài khu công nghiệp và lao động tự do.
Trong đó, 2 nhóm đầu là lực lượng lao động kỹ thuật tương đối ổn định, ít bị ảnh hưởng về công việc, thu nhập trong đợt dịch. Vậy nhưng, cả 4 nhóm này lại đều tập trung sống ở các xóm trọ đông đúc, tạm bợ và chen chúc.
"Nhiều phòng trọ chỉ 10m2, 10 người chen nhau chung sống. Hàng ngày chia ca ngày ca đêm còn đỡ, giờ giãn cách tất cả ở nhà toàn thời gian, không gian sống chật hẹp, phát sinh rất nhiều F0,F1. Họ chứng kiến những F0 ở khu trọ đi rồi không thấy quay về nữa... Sống trong môi trường đó, con người sẽ mệt mỏi, lo lắng, chỉ muốn về quê để được an toàn", ông Trần Việt Anh lý giải.
Trước hình ảnh người lao động vật vạ về quê thời gian qua, đặc biệt là tối 30/9, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp KCN TPHCM bày tỏ tình trạng đã không đo lường được hết tâm trạng, khó khăn của người lao động phải đối mặt.
"Đã nhiều tháng qua họ không đi làm, sống trong các khu trọ chật chội, bức bí. Ở hoàn cảnh đó, lúc này thì ai cũng sẽ muốn "về quê cái đã", ông Bé nói.
Những ngày qua, tại các cửa ngõ ở TPHCM hàng ngàn người lao động vẫn đang chen chúc, chờ đợi được thông chốt để trở về quê sau nhiều tháng trời giam mình ở chỗ trọ ngột ngạt với đủ nỗi lo toan.
An cư mới có thể lập nghiệp
Môi trường sống và môi trường làm việc an toàn sẽ là mối quan tâm hàng đầu của người lao động sau đại dịch Covid-19. Khi điều này tác động trực tiếp đến sức khỏe, đời sống, tâm lý của họ và gia đình, con cái.
Ông Trần Việt Anh thông tin, để chuẩn bị nhân lực khi mở cửa, đầu tháng 9 vừa qua, hiệp hội khoảng 300 doanh nghiệp thực hiện khảo sát thực tế từ người lao động. Kết quả vô cùng đáng ngại khi chỉ có khoảng 40% lao động mong muốn trở lại làm việc sau khi mở cửa.
Có rất nhiều việc thành phố, doanh nghiệp phải làm để "kéo" người lao động trở lại. Nhưng đặc biệt, từ thực trạng nơi ở không bảo đảm của người lao động, theo ông Trần Việt Anh trong tương lai, TPHCM cần quan tâm xây dựng các khu lưu trú, khu nhà ở cho công nhân, xây dựng các trung tâm y tế phục vụ người lao động tự do không thuộc tổ chức nào.
Cũng tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi chia sẻ, trong đợt đi khảo sát vừa rồi, ông gặp trường hợp có gia đình 5-6 người sống trong căn phòng chỉ 7m2, rất khó khăn và chật chội.
Thứ trưởng lưu ý thật sự cần quan tâm, chăm sóc chế độ phúc lợi như bố trí nơi ăn ở chu đáo cho công nhân; các giải pháp an sinh xã hội và chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm làm việc; tăng cường đào tạo lại lao động là cực kỳ cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch...
"Chính sách an sinh vô cùng quan trọng. Chi phí đầu tư cho an sinh không lớn, bỏ ra 1 đồng nhưng thu lại rất nhiều khi giúp lao động yên tâm làm việc, tăng năng suất, hiệu quả", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.