Lao động né dịch: Doanh nhân ở tâm dịch "rớt nước mắt" đếm người vào làm

An Linh

(Dân trí) - Chưa hết bàng hoàng vì dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng, lãnh đạo doanh nghiệp tại TPHCM lại phải đối diện với bài toán tìm lao động. Bài toán tưởng chừng rất cũ nhưng đầy trăn trở thời cuộc.

Trao đổi với Phóng viên Dân trí, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho biết, vấn đề day dứt nhất của ông cũng như nhiều doanh nghiệp hiện nay là nguồn lao động.

Ông Việt Anh cho rằng, thực tế họ vẫn muốn làm việc, nhưng tâm lý hiện giờ là chưa sẵn sàng, một số lao động nghỉ quá lâu nên chán nản.

Lực lượng ở lại TPHCM của doanh nghiệp trong ngành hiện là khoảng 20-30%. Họ ở lại vì hầu hết có chỗ an cư tại đây, có nhà có cửa, an cư lạc nghiệp rồi. Nhóm lao động này cũng có thể vào làm việc được ngay.

Lao động né dịch: Doanh nhân ở tâm dịch rớt nước mắt đếm người vào làm - 1

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (Ảnh NVCC).

Để khắc phục thiếu hụt lao động, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM thông tin về việc nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo, TGĐ phải trực tiếp gọi điện cho người lao động quay trở lại làm việc.

"Đối với lao động tiêm đủ 2 mũi, chúng tôi gọi họ đi làm lại ngay, thậm chí đề xuất địa phương hỗ trợ họ di chuyển giữa các tỉnh khác. Sau đó tổ chức làm việc theo cơ chế bong bóng, khép kín", ông Việt Anh nói.

Ông này cho rằng, đại dịch thay đổi mọi thứ, trước đây bộ phận chịu trách nhiệm quản lý nhân sự, nhưng bây giờ Tổng Giám đốc, Giám đốc các bộ phận phải bắt tay vào việc thu xếp nhân sự lao động làm việc.

Lao động né dịch: Doanh nhân ở tâm dịch rớt nước mắt đếm người vào làm - 2

Lao động rời các trung tâm dịch bệnh về miền Trung (Ảnh Hoàng Lam).

"Chúng tôi đang phải dành ra từ 50-60 người để gọi điện thuyết phục lao động quay trở lại làm việc. Ban giám đốc gọi điện cho cấp quản lý, người làm lâu năm; phòng nhân sự thì gọi cho tổ trưởng, trưởng ca. Công việc là xương máu, là mồ hôi nước mắt... không thể vì sĩ diện mà phó thác được'', ông Việt Anh nói.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, lãnh đạo doanh nghiệp nhiều khi rớt nước mắt đếm từng người vào nhà máy. Công ty tôi, lực lượng lao động đi làm ở Nhơn Trạch, Đồng Nai, giờ Đồng Nai không cho vào nữa TPHCM.

"Chúng tôi đề nghị chỉ cần họ cho lao động qua phà, bên này sông chúng tôi đón và thực hiện cách ly bong bóng, nhưng không thể. Nếu các tỉnh cho xe của chúng tôi về đón công nhân thì sẵn sàng ngay", ông Việt Anh nói.

Về những lao động hồi hương, ông Việt Anh cho rằng, người lao động dù cho là thời vụ, phổ thông hay mới có việc, thì họ vẫn cần cho các khâu, chuỗi sản xuất, nên bảo không có họ vẫn sống được là không đúng.

"Người lao động về quê bằng xe máy thì dễ, nhưng để họ quay trở lại thành phố làm việc bằng xe máy, đi hàng trăm, hàng nghìn cây là không đơn giản, không ai muốn. Khi người ta quyết tâm về, bằng xe máy, đi dọc chiều dài đất nước họ sẽ về bằng được. Nhưng vận động họ đi bằng xe máy là khó. Hai việc lại khác nhau", ông Việt Anh phân tích.

Có một thực tế được ông Việt Anh đặt ra là doanh nghiệp ở TPHCM nhưng lao động hầu hết ở vùng ven ở các địa phương giáp ranh, thuê ở ven Bình Dương, Bà Rịa, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An... Đại dịch Covid-19 biến họ thành người ở tỉnh khác. Tỉnh khác thì không vào TPHCM được.

"Khó khăn nhất hiện nay là đi lại. Tiếp đến là tâm lý sợ dịch. Thứ ba thì thiếu thốn về vật chất: họ vẫn thiếu ăn, thiếu mặc tại thành phố nên đối với dịch như này, họ sẵn sàng ở lại quê bao giờ ổn định mới vào", ông Việt Anh nói.

Lao động né dịch: Doanh nhân ở tâm dịch rớt nước mắt đếm người vào làm - 3

Đa số lao động về quê né dịch chưa hẹn ngày trở lại, doanh nghiệp tại tâm dịch như TPHCM, Bình Dương khó khăn lớn (Ảnh Thanh Tùng).

Một cái khó tiếp theo được vị doanh nhân chia sẻ là: Dịch bệnh khiến doanh nghiệp kiệt quệ, nuôi công nhân "3 tại chỗ" tốn kém và hiểm nguy nên chỉ có hợp đồng gấp mới làm.

"Riêng một tháng, xét nghiệm mất khoảng một tỷ đồng. Trong khi không sản xuất kinh doanh, không có hàng giao, không có tiền về, dòng tiền đứt quãng, không trả nợ đúng hạn và sẽ bị liệt vào nợ xấu, doanh nghiệp khá khốn khó. Các ngân hàng không nên quy họ vào nhóm nợ xấu, nên giãn nợ vài tháng", ông này nói.

Theo đề xuất của Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, người làm việc tại các doanh nghiệp có tiêm đủ 2 mũi nên cho đi làm và đi lại bình thường, không thể bắt họ xin đủ các giấy tờ, đi cách ly quá lâu.

Về chính sách cho người lao động, ông Việt Anh cho rằng, "Đối với người lao động, 100.000 đồng hay 1 triệu đồng hiện nay quan trọng như nhau nên các chính sách hỗ trợ lao động cần làm nhanh, để họ an yên, bố trí làm ăn".