"Bốc bát họ" là gì? Thế chấp ảnh "nóng" để bốc họ có vi phạm pháp luật?
(Dân trí) - Để được bốc bát họ hay vay lãi ngày, khách vay phải gửi ảnh chân dung, chứng minh thư, ảnh giao diện trên Facebook cá nhân và các hình ảnh, clip "nóng" để làm "tài sản" thế chấp cho chủ nợ...
Bốc bát họ là hình thức cho vay khá phổ biến hiện nay. Đối tượng vay thường là những người kinh tế khó khăn, túng thiếu về tiền bạc, đang cần tiền nhanh nhưng không đảm bảo các thủ tục cần thiết để vay ngân hàng.
Như Dân trí đã thông tin, ngày 25/10, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, đơn vị vừa triệt phá một ổ nhóm cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản. Trong đó, để được bốc họ, khách phải thế chấp "tài sản" là hình ảnh, clip nhạy cảm, thậm chí cả hình ảnh khiêu dâm. Một cô gái vì "bốc" tới 12 bát họ đã phải đi bán dâm để lấy tiền trả lãi hàng ngày cho chủ nợ.
"Bốc bát họ" là gì? Bốc họ có vi phạm pháp luật không?
Theo Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bốc bát họ còn gọi là chơi họ, chơi phường. Mỗi địa phương sẽ có một tên gọi khác nhau, nhưng bản chất nó vẫn là một hoạt động cho vay tài chính.
Bốc bát họ là hình thức cho vay tín dụng đen không chính thống, việc cho vay được thực hiện trên mối quan hệ cá nhân giữa người cho vay và người vay với thủ tục, giấy tờ đơn giản mà không cần thế chấp tài sản. Thế nhưng, bốc bát họ có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho bản thân người tham gia cũng như người thân xung quanh.
Điểm đặc biệt của hình thức này đó là thủ tục vay tiền nhanh chóng (vay "nóng"), tuy nhiên lãi suất vay lại cao hơn rất nhiều so với các hình thức cho vay chính thống dưới sự quản lý của Nhà nước. Theo đó, người vay sẽ trả lãi theo ngày, theo tháng, thậm chí, sau khi cầm tiền còn tính theo giờ.
Điều kiện để được bốc bát họ như thế nào?
Bốc bát họ là hình thức cho vay tín dụng có thủ tục tương đối đơn giản, người vay có thể nhận được tiền nhanh chóng và chỉ cần cung cấp các giấy tờ liên quan đến việc xác nhận nhân thân, gồm:
- Các loại giấy tờ tùy thân như: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, bằng lái xe.
- Sổ hộ khẩu (có thể chỉ cần bản photo)
- Giấy tờ ký kết liên quan đến việc bốc bát họ.
Theo đó, đối với các loại giấy tờ khác nhau thì mức vay cũng khác nhau :
- Đối với chứng minh nhân dân/căn cước công dân và hộ khẩu (photo): Hạn mức vay có thể căn cứ trên công việc và ngôi nhà mà người vay đang sở hữu.
Người vay chỉ cần mang sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân đến nơi cho vay, sau đó sẽ có người thẩm định hồ sơ để quyết định hạn mức cho vay. Hồ sơ sau khi được xác nhận người vay sẽ nhận được tiền ngay lập tức
- Trường hợp có hộ khẩu gốc kèm chứng minh nhân dân/căn cước công dân photo: Hạn mức vay có thể lên tới 30 triệu đồng. Sau khoảng thời gian 50 ngày, người vay phải thanh toán số tiền đó theo đúng quy định.
Tính lãi suất vay họ ra sao?
Với hình thức vay bốc bát họ, người vay sẽ đặt ra lãi suất vay. Khi bốc bát họ, tiền lãi của người vay sẽ bị trừ luôn khi vay như là một dạng trả lãi trước và người vay sẽ không thể vay toàn bộ số tiền muốn vay.
Ví dụ, vay 20 triệu, người vay chỉ có thể cầm về 16 triệu, 4 triệu sẽ là tiền lãi của tháng đầu tiên (số tiền bị giữ lại là 20%). Trong vòng 50 ngày tiếp theo, người vay sẽ phải trả lãi theo ngày là 400.000 VNĐ/ngày.
Nếu vay 30 triệu, người vay nhận về 24 triệu, 6 triệu còn lại là tiền lãi của tháng đầu tiên. Trong 50 ngày tiếp theo, tiền lãi phải trả là 600.000 VNĐ/ngày.
Do bốc bát họ là vay tiền trong thời gian ngắn nên thường trong vòng 30-50 ngày là người vay sẽ phải trả tiền vay. Đối với trường hợp người có nhu cầu vay nhiều hơn thì thủ tục cũng sẽ chặt chẽ hơn và cần xác minh địa chỉ nhà ở, tài sản,…
Về lãi suất trong bốc bát họ cũng sẽ dựa vào số tiền vay, với số tiền ít thì lãi suất sẽ thấp, số tiền nhiều thì lãi suất sẽ cao. Mức lãi suất này các địa điểm bốc bát họ cũng có thể khác nhau.
Ví dụ:
- Bạn vay 30 triệu thì số tiền được cầm về là 25 triệu. Trong 50 ngày kế tiếp, bạn phải trả lãi suất 500.000 đồng/ngày.
- Bạn vay số tiền là 40 triệu thì bạn được cầm về 35 triệu. Cũng thời gian 50 ngày tiếp bạn phải trả đủ tiền vay gốc, trả lãi 600.000 đồng/ngày.
Bốc bát họ có vi phạm pháp luật không?
Về lãi suất vay, tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ:
- Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định.
Như vậy, pháp luật cho phép các bên được tự thỏa thuận về lãi suất vay với mức tối đa 20%/năm.
Mặt khác, tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 cũng quy định:
- Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo các căn cứ trên, có thể thấy trường hợp cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 nêu trên mà:
- Thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng - dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án, chưa được xóa án tích: Bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên: Bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm...
Để xác định hành vi cho vay dưới hình thức bốc bát họ có vi phạm pháp luật và bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không cần căn cứ vào mức lãi suất cho vay có vượt quá mức pháp luật cho phép để nhằm thu lợi bất chính, đồng thời cần lưu ý đến các hành vi khác của bên cho vay như: Hành vi đe dọa, hành vi dùng vũ lực,...
Thế chấp ảnh "nóng" để bốc bát họ có vi phạm pháp luật?
Theo Luật sư Quách Thành Lực, nếu nhóm cho vay nặng lãi, bốc bát họ có hành vi giữ clip đồi trụy với mục đích gây sức ép tâm lý để con nợ phải trả tiền, nhưng không phổ biến nó thì sẽ không đủ yếu tố xác định có hành vi tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy. Đây chỉ là hành vi tàng trữ để uy hiếp tinh thần con nợ nhằm mục đích cưỡng đoạt tài sản, nên hành vi với mục đích đó chỉ cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản, không cấu thành tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm khi người đưa ảnh/clip nóng của người thế chấp lên mạng, nhóm cho vay nặng lãi có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 hoặc Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi này còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần và danh dự cho nạn nhân theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.