Bạn đọc viết:

Tiểu thuyết “Miền Hoang”... giật mình và nghiền ngẫm!

(Dân trí) - Tác giả Sương Nguyệt Minh thật đã chú trọng vào việc tạo dựng bố cục này. Một bố cục khá kỳ lạ và tài tình. Tiểu thuyết được bắt đầu từ cuộc phục kích của bọn tàn quân áo đen Pôn-pốt vào hai chiếc xe của quân tình nguyện Việt Nam. Tả về chiến tranh, cụ thể là các trận đánh thường vẫn là đề tài khó của văn học cũng như điện ảnh

Cầm cuốn tiểu thuyết có cái gáy dựng thành của tác giả Sương Nguyệt Minh, thật giật mình và trân trọng! Người Việt có câu “Có bột mới gột lên hồ”. Cuốn sách làm sao có mặt nếu nó không được tích tụ bao suy tư, cảm xúc, trải nghiệm và lao động của tác giả?! Rút cục Sương Nguyệt Minh đã làm được cái việc đau đáu theo đuổi bấy lâu nay. Tôi ít gặp một cây bút nào yêu văn học máu thịt như anh.  

Từ nhiều năm nay anh vẫn trăn trở day dứt viết không ngừng nghỉ. Cuốn thứ nhất đang trên đường đến đích, nó không chạy đến kết cục mà bỗng lóe lên một khúc ngặt cho tiểu thuyết thứ hai. Cuốn “Miền Hoang” đã được hoàn thành chỉ trong hơn một năm từ 01.05.2013 đến 31.08.2014, với 631 trang in dầy đặc. Quả là một sức viết mạnh mẽ từ dự phóng tinh thần đến lao động miệt mài không biết mệt!

Tiểu thuyết Miền hoang.
Tiểu thuyết Miền hoang.

Kinh Thánh có dạy: nếu người ta muốn xây một tòa nhà, thì người ta phải suy nghĩ thấu đáo, trước hết kiểm duyệt mình có bao nhiêu tiền của, rồi vật liệu, rồi công thợ… kẻo không tính toán kỹ thì ngôi nhà không bao giờ xong được. Tất nhiên để quét một cái sân, đan một cái rổ, nhặt một mảnh gương vỡ lên soi, người ta không cần ngồi xuống để tính toán. Đó là sự khác nhau rất lớn giữa thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết. Trong đời tôi, khi đi xa, tôi thấy các khách du lịch phương Tây thường cầm một cuốn sách theo để đọc. Nhưng chưa một lần tôi thấy cuốn sách đó là tập thơ cũng như một tập truyện ngắn, mà nó luôn luôn là một cuốn tiểu thuyết.

Điều trên không hề ngoại lệ với tác giả Sương Nguyệt Minh, người vừa lên bút từ tác giả truyện ngắn thành tác giả tiểu thuyết. Và để bắt tay vào xây lâu đài tiểu thuyết, tác giả cũng đã ngồi xuống tính toán rất nhiều cho công trình của mình. Nguyên liệu là gì? Vốn ở đâu? Nghệ thuật, đặc biệt là văn học luôn bắt đầu từ yếu tố CHÂN, sau mới đến Thiện và Mỹ. Tác giả đã có nhiều năm chiến đấu bảo vệ biên giới Tây nam và là người lính quân tình nguyện tại chiến trường Căm-pu-chia. Chưa hết trước khi bắt tay vào viết, tác giả đã tra cứu rất nhiều nguồn tư liệu, và ở đầu mỗi chương tác giả thường trích một phần tư liệu sử, như thể muốn xác định cuốn tiểu thuyết của mình là một công trình nghiêm túc đan xen giữa lịch sử và văn học. Tất nhiên tác giả có ý địch vận động công trình của mình lên đại thuyết với phương châm “văn - sử - triết bất phân”.

Nhưng chuẩn bị tư liệu, giống như chuẩn bị cát, sỏi, gạch… tự chúng không thể biến thành tòa nhà. Xưa kia tất cả tòa nhà chỉ được hoàn thành sau khi đã lắp đặt cột kèo với nhau, còn ngày nay, những tòa nhà cao tầng chỉ hoàn thành sau khi người ta đã dựng lên những cấu kết bằng thép. Đây chính là cái then chốt để Sương Nguyệt Minh nhảy vọt từ nhà truyện ngắn lát cắt lên thành nhà tiểu thuyết có khung giàn. Và cái đầu tiên đáng kể nhất của anh cũng chính là anh đã mở đầu cuốn sách của mình bằng một bố cục tổng thể. Tôi nhớ, thi sĩ, nhà tiểu thuyết, nhà viết kịch nổi danh Nguyễn Đình Thi thường ghi chép vào sổ tay cái tài của các nhà văn Việt Nam, ông thường viết “bố cục yếu”. Một tiểu thuyết muốn mở rộng, muốn vươn cao, thì trước hết nó phải mang bố cục có tính khung giàn.

Tác giả Sương Nguyệt Minh thật đã chú trọng vào việc tạo dựng bố cục này. Một bố cục khá kỳ lạ và tài tình. Tiểu thuyết được bắt đầu từ cuộc phục kích của bọn tàn quân áo đen Pôn-pốt vào hai chiếc xe của quân tình nguyện Việt Nam. Tả về chiến tranh, cụ thể là các trận đánh thường vẫn là đề tài khó của văn học cũng như điện ảnh, ở đó nó đòi hỏi các đại cảnh với không gian vừa hoành tráng vừa nén chặt đến vỡ lồng ngực, vừa tả cảnh khói lửa mênh mông, nhưng không thể bỏ qua chi tiết từng số phận nổi chìm ngay chết chóc. Cảnh đầu được tác giả tả rất khéo, rất hấp dẫn, rất lớn lao nhưng cũng đầy thân phận bé nhỏ rót trúng từng lồng ngực hay cẳng chân của người tham chiến.

Sau cảnh đó còn lại bốn người chạy thục mạng rồi tụ lại với nhau. Ông lớn Lục Thum chỉ huy nhóm tàn quân Pôn-pốt, thằng lính áo đen tên Rô một kẻ trung tín với chỉ huy, cô y tá Sa Ly xinh đẹp bị câm do hậu quả một lần bị chính các đồng đội áo đen của mình hiếp dâm, và Tùng - lính tình nguyện Việt Nam sống sót trong gang tấc khi có lệnh của Lục Thum cần giữ tù binh để tải thương. Đây là một cấu trúc chắt lọc đến mức hạt nhân, và nó tạo ra một chức năng vận động tinh hoa đặc biệt. Tất cả các mảnh đất hay ngôi nhà nói chung đều phải hình vuông với bốn góc hay bốn cột:

Đại tá - Nhà văn Sương Nguyệt Minh.
Đại tá - Nhà văn Sương Nguyệt Minh.

1. Ông lớn Lục Thum uy quyền tối cao, nhưng rủi thay gã lại bị thương dập nát một chân, bị hoại tử, rồi phải tháo cả khớp, nhưng trên tay gã lại luôn luôn khư khư khẩu súng K54, sẵn sàng nhả đạn vào bất kể ai trái ý mình.

2. Rô: một tay chân trung thành hung tợn nhưng cũng đầy bản năng phản trắc, súng và lưỡi lê lăm lăm trong tay sẵn sàng ra tay hiểm ác.

3. Cô y tá Sa Ly đại diện cho giới tính nữ, yếu đuối nhân hậu, nhưng cũng là đối tượng cho khao khát giới tính của cánh mày râu.

4. Tùng: lính tình nguyện Việt Nam trở thành nhân tố kỳ lạ hiếm hoi, khi anh tạo ra quan sát, đối thoại và chia sẻ trực tiếp giữa địch và ta, giữa đối phương với quân mình.

Đây có thể gọi là cấu trúc lắp ghép để vận hành nội dung ngay từ trong kết cấu. Có cả địch và ta,  có cả nữ lẫn nam để cuộc chạy thoát thân có được sự khám phá bản chất của con người và thế giới ở ngay trong đơn vị cấu thành nó.

Bốn người với bốn chức năng khác nhau, kẻ quyền lực thì bất toại, kẻ bạo lực thì mù quáng, cô gái quyến rũ thì yếu đuối bị cưỡng hiếp và lạm dụng, còn tù binh thì nơm nớp nỗi lo phải chết đã vận hành bằng mọi giác quan và trí tuệ để ra khỏi khu rừng rậm rạp đầy hổ báo, cọp rắn, những ma lai huyền hoặc chuyên ăn ruột người… Và khu rừng trở thành một thế giới bí hiểm biểu tượng cho vô số cuộc khám phá vượt thoát:

1- Khám phá nỗi sợ hãi bịt bùng của thiên nhiên với cây cối rập rạp như ma trận giơ nanh nhe vuốt khắp nơi.2- Khám phá bản năng sinh tử với những nỗi sợ bịt bùng nào thiếu ăn, thiếu nước, thiếu yêu thương thừa bạo lực.

3- Khám phá quyền lực thường trực nhanh như điểm hỏa lúc nào cũng sẵn sàng nhả đạn.

4- Khám phá khát khao giới tính với cả dãy đàn ông cuồng khát sống bên một cô y tá xinh đẹp bị câm chẳng có khả năng che chở bản thân mình.

5- Khám phá ánh sáng khi lần bước từ rừng cây rậm rạp bóng tối rình mò về thế giới văn minh.

6- Khám phá ý nghĩa của cuộc chiến.

7- Khám phá các giá trị nhân bản của con người.

Nghệ thuật hiện đại được nhiều chuyên gia ví: đó là cách đạo diễn nhiều hơn viết kịch bản. Nếu xét về mặt này, nhà văn Sương Nguyệt Minh hoàn toàn giống một đạo diễn tài ba đạo diễn mọi chi tiết. Chỉ có cuộc đào thoát khỏi rừng rậm mà anh viết hơn sáu trăm trang với bút pháp hiện thực -  huyền ảo được sử dụng đan xen với những tình huống được dàn cảnh cách công phu và kỹ lưỡng. Việc chọn lối viết cũng được tác giả chú trọng và làm mới rất nhiều. Thường khi kể chuyện người ta thường dùng ngôi thứ ba, khi tự sự thì dùng ngôi thứ nhất, nhưng tác giả dùng đồng hiện cả hai đại từ nhân xưng đan xen, lúc thì ngôi thứ ba, lúc thì ngôi thứ nhất.

Có thể nói nói xu hướng sáng tác của tác giả là hiện thực hóa, hay thế tục hóa. Phần cơ thể học hay tình dục được tác giả khai thác khá mạnh mẽ và kỹ lưỡng. Có thể nói, cơ thể học với những làn da lấp ló, những đường cong, hay nơi mịn màng quyến rũ được tác giả khám phá nhiều lần, theo nhiều cung đoạn, hoàn cảnh, tâm lý khác nhau rất sinh động và cuốn hút.

Khi có một khung giàn rõ ràng thì bút pháp cũng rõ ràng. Phải nói đây cũng là một điểm nổi trội trong bút pháp của tác giả, anh diễn tả mọi vật, mọi việc với ngôn ngữ biểu đạt mạch lạc chứ không ấm ớ, đặc quánh, keo dính, úm ba la như nhiều tác giả khác còn chưa minh định ý tưởng để bày tỏ. Và bút pháp đó mang cứu cánh hướng thiện và có hậu rõ rệt. Ông lớn Lục Thum lúc nào cũng bất toại trên cáng khiêng, rút cục phải tháo cả khớp vì hoại tử. Cô y tá câm cắt dây để cứu Tùng tù binh người Việt, nhưng đi chẳng được bao xa, Tùng lại lo lắng cho cô y tá phải một mình ở giữa những tên sát nhân đành quay lại cứu nàng...

Vì tác phẩm khá đồ sộ nên tôi không ưu tiên trích dẫn từng câu chữ mà chỉ chú trọng bàn vào khung giàn cấu trúc của nó. Dẫu vậy ngoài những thành công mà tác giả đạt được, tôi cũng muốn thử chỉ ra vài khiếm khuyết về cấu trúc:

- Cấu trúc hạt nhân có bốn người bao gồm tàn quân và tù binh cùng cô y tá, vì thế tiểu thuyết khó có thể đạt tới tầm suy tư vĩ mô. Bởi lẽ thiếu nhân vật lớn sẽ khó chạm trần các vẫn đề vĩ mô lớn.

- Chiến trường K, diễn ra trên đất Căm-pu-chia là nơi rất thịnh hành Phật giáo, yếu tố siêu hình này được tác giả đề cập rất ít.

- Dù viết hấp dẫn về chi tiết nhưng có lẽ tác giả chưa bứt tốc ra khỏi thói quen cố hữu của các cây bút Việt nhiều lắm, đó là: tầm tư tưởng vĩ mô, cũng như xung đột tinh thần làm nứt vỡ những nhãn quan lớn còn ít được đề cập.

Có lẽ đó cũng là cái bất cập chung của chúng ta, điều kiện cũng như trình độ, làm cho tác giả cũng như những cây bút khác còn chưa đủ tự tin hoàn toàn để khám phá cuộc chiến tranh phức tạp nhạy cảm bậc nhất trong lịch sử Việt Nam cũng như khu vực. Dù sao xin chúc mừng tác giả đã ra mắt một cuốn tiểu thuyết đáng để giật mình và nghiền ngẫm!

Nguyễn Hoàng Đức