Hà Nam:

Thuê người gác các đường ngang dân sinh

(Dân trí) - Để giảm tải tình trạng tai nạn giao thông đường sắt trên các đường ngang dân sinh, Ban ATGT tỉnh Hà Nam đã bỏ ra 360 triệu đồng một năm để thuê người đứng gác chắn tại 10 điểm nóng đường ngang dân sinh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam, tuyến đường sắt Bắc Nam có chiều dài trên địa bàn tỉnh có 39,45 km đường sắt. Trong đó, đường sắt Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh dài 31,25 km có 38 đường ngang hợp pháp, trong đó 17 đường ngang có người gác, 10 đường ngang cảnh báo tự động, 11 đường ngang cảnh báo bằng biển báo. Đường sắt chuyên dùng Phủ Lý - Kiện Khê - Bút Sơn dài 8,2 km có 11 đường ngang hợp pháp, thì cũng đã có 8 đường ngang có gác chắn.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, tại Hà Nam, số vụ tai nạn giao thông đường sắt và số người chết lại có xu hướng tăng và chủ yếu xảy ra trên các đường ngang dân sinh tự phát. Để hạn chế và tiến tới xóa bỏ các đường ngang dân sinh và đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Ban ATGT tỉnh Hà Nam đã bỏ ra 360 triệu đòng một năm để thuê người đứng gác chắn tại 10 điểm nóng đường ngang dân sinh tự phát.

 

10 điểm đường ngang dân sinh được thuê người đứng gác chắn từ 6h sáng đến 22h đêm
10 điểm đường ngang dân sinh được thuê người đứng gác chắn từ 6h sáng đến 22h đêm

 

Theo đó, Ban ATGT tỉnh Hà Nam đã có văn bản gửi về thành phố, huyện, phường, xã đề nghị đánh giá mức độ tiềm ẩn nguy cơ về ATGT tại các điểm đường ngang dân sinh. Sau đấy, sẽ xét và đánh mức độ để thuê người gác chắn từng điểm.

Theo ông Ông Bùi Đức Tĩnh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hà Nam cho biết: “Hiện nay, mới chỉ làm được 10 vị trí các đường ngang dân sinh có người gác chắn từ 6h sáng đến 22h đêm. Mỗi một điểm có 2 người gác chia làm 2 ca. Mỗi một người sẽ được trả mỗi tháng 1.5 triệu đồng”.

 

Các điểm đường ngang dân sinh sẽ được cắm biển cảnh báo cho người đi đường
Các điểm đường ngang dân sinh sẽ được cắm biển cảnh báo cho người đi đường

 

Ông Tĩnh cũng cho biết thêm, hiện nay rất muốn nhân rộng mô hình thuê người gác chắn tàu tại các đường ngang dân sinh để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, nhưng kinh phí quá hạn hẹp nên chỉ bố trí được 10 điểm. Trong đó, thành phố Phủ Lý có 4 điểm, huyện Bình Lục 3 điểm, huyện Duy Tiên 1 điểm và huyện Thanh Liêm có 2 điểm. Ngoài việc thuê người gác chắn, hiện nay công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Ninh cũng đã cho cắm biển cảnh báo tại 90 điểm có đường ngang dân sinh.

Trước đó, vào tháng 7/2015, UBND tỉnh Hà Nam đã làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để thống về biện pháp xử lý đối với các đường ngang dân sinh và phân định rõ trách nhiệm của mỗi bên. Để hạn chế và tiến tới xóa bỏ các đường ngang dân sinh và đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, phía UBND tỉnh Hà Nam và đại diện Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã đưa ra các giải pháp tại các đường ngang dân sinh như sẽ bổ sung hàng rào, đường gom; rào thu hẹp đường ngang; cắm biển “Chú ý tàu hỏa”; tăng cường chốt gác; tuyên truyền nhân dân đảm bảo ATGT…

Đức Văn