Thêm một giải pháp giao thông thông minh tại Việt Nam
Công ty Sapa Thale (Đức) vừa ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (UTT) và ra mắt ứng dụng gọi xe từ điện thoại thông minh là APPP.
Đón đầu cách mạng 4.0
Lễ ký có sự tham gia của ông Nguyễn Đắc Nghiệp - Nghị sĩ Đảng Cơ đốc giáo CDU-Đức, kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn SAPA Thale. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, Thượng Tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, lãnh đạo UTT và đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đánh giá, Công ty Sapa Thale là một doanh nghiệp lớn của Đức hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Ông cũng nhận xét, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, Việt Nam đã đề ra 3 khâu đột phá chiến lược cần được ưu tiên phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011- 2020, trong đó đầu tư phát triển phải đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. “Bộ Giao thông Vận tải sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để hai bên triển khai thực hiện”, Thứ trưởng khẳng định. Ông mong rằng Công ty và UTT sẽ hợp tác chặt chẽ triển khai các nội dung đã ký kết đạt hiệu quả, đảm bảo mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Đắc Nghiệp, Nghị sĩ Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo CDU-Đức, kiêm Tổng giám đốc Điều hành Tập đoàn SAPA Thale, khẳng định luôn ủng hộ chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư của Việt Nam, cũng như tìm các cơ hội để đưa nhiều hơn nữa hàng hóa của Việt Nam tiếp cận thị trường Đức và EU. Xúc tiến dự án giao thông thông minh tại Việt Nam, SAPA Thale đã hiện thực hóa những chính sách khuyến khích doanh nghiệp hai nước mở rộng giao thương, tăng cường các cơ hội đầu tư.
“Dự án hợp tác với Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải là cách tiếp cận của chúng tôi vào một lĩnh vực mới là vận tải và giao thông. Trong đó, chúng tôi tìm kiếm những giải pháp giao thông thông minh để có thể giúp cải thiện tình hình giao thông công cộng, nâng cao hiện quả vận tải hàng hóa và giảm thiểu tác động môi trường… tại Việt Nam”, ông Mai Vũ Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SAPA Thale, phát biểu. Được biết, ứng dụng APPP có khả năng áp dụng trí tuệ nhân tạo học được thói quen của người dùng từ đó gợi ý cho người dùng tất cả các dịch vụ trong đó có việc đi lại.
Cơ hội cho người trẻ
PGS.TS Đào Văn Đông, Hiệu trưởng UTT, cho biết, thông qua các hợp tác này, nhà trường có thể đẩy mạnh chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải, qua đó tạo cơ hội giúp Nhà trường có điều kiện đầu tư phát triển, tiến tới hội nhập quốc tế.
Nhân sự kiện này, SAPA Thale cũng trao 10 suất học bổng cho nhóm sinh viên tiêu biểu trong thành tích nghiên cứu khoa học của UTT, đồng thời công bố Quỹ Đầu tư phát triển giáo dục SAPA Thale Holding - UTT. Quỹ này dành 5 tỉ đồng, tài trợ học bổng, hỗ trợ kinh phí cho các cán bộ, giảng viên trẻ, sinh viên học tập xuất sắc và sinh viên vượt khó học giỏi để học tập nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu ở trong và ngoài nước.
“Ứng dụng APPP hoàn toàn của người Việt, toàn bộ nguồn thu và lợi nhuận của doanh nghiệp ở thị trường Việt Nam sẽ quay vòng được đầu tư theo đúng chính sách của SAPA Thale. Qua đó, chúng tôi muốn tạo ra nguồn tài chính mới để đầu tư cho giáo dục, xã hội tại Việt Nam. Chẳng hạn, trước mắt, chúng tôi muốn tất cả nạn nhân chất độc màu da cam di chuyển bằng ứng dụng APPP sẽ được miễn phí. Ngoài ra, dự án trích 1% lợi nhuận cho Quỹ Vì nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin”, ông Mai Vũ Minh cho biết. Về hoạt động xã hội này, Thượng tướng Nguyễ Văn Rinh cho biết, sự cam kết của công ty Sapa Thale sẽ trao tặng 1% lợi nhuận sau thuế từ hoạt động kinh doanh ứng dụng APPP cho thấy trách nhiệm cộng đồng đang được chung tay bởi thế hệ người Việt bốn phương. Sự hợp tác giữa UTT và SAPA Thale sẽ bổ sung thực tiễn về giáo dục hàn lâm đi liền với thực tiễn ứng dụng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Vân Hải