Ý nghĩa từ chương trình "Hà Nội - Sáng mãi niềm tin yêu, hy vọng"

Vũ Phong

(Dân trí) - Chương trình mang tên "Hà Nội - Sáng mãi niềm tin yêu, hy vọng" của trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa mang chủ đề chào mừng kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Ý nghĩa từ chương trình Hà Nội - Sáng mãi niềm tin yêu, hy vọng - 1

Ban nhạc Medley Melody với tiết mục "Cảm xúc tháng mười" vừa đạt giải nhất.

Sáng thứ Hai ngày 7/10, chương trình trải nghiệm, hướng nghiệp của trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa mang chủ đề chào mừng kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô đã diễn ra thành công và để lại dấu ấn trong lòng mỗi người tham dự. Chương trình mang tên "Hà Nội - Sáng mãi niềm tin yêu, hy vọng".

Mở đầu là phần công diễn tiết mục Cảm xúc tháng mười vừa đạt giải nhất trong cuộc thi DongDa's Got talent 2024 của ban nhạc Medley Melody- CLB âm nhạc của nhà trường.

Bài hát Cảm xúc tháng mười khắc họa hình ảnh Hà Nội trong thời khắc lịch sử hào hùng của mùa thu, khi đoàn quân chiến thắng trở về giữa "nhịp trống vang dội khắp ba mươi sáu phố phường".

Lời ca chan chứa niềm tự hào, tình yêu và lòng biết ơn sâu sắc dành cho những người chiến sĩ đã hy sinh cho mùa thu thanh bình hôm nay. Trong khúc ca hào hùng mà tha thiết, Hà Nội hiện lên không những là Thủ đô ngàn năm văn hiến, mà còn mang bao niềm tin và khát vọng.

Ý nghĩa từ chương trình Hà Nội - Sáng mãi niềm tin yêu, hy vọng - 2

Hát múa của tập thể lớp 12A4 với ca khúc "Tiến về Hà Nội".

Mang đến không khí hào hùng là tiết mục hát múa của tập thể lớp 12A4 với ca khúc Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao. Đây là ca khúc hết sức đặc biệt vì được tác giả sáng tác bằng dự cảm, bằng ước mơ từ năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống Pháp còn vô cùng gian khổ.

Tâm hồn người nghệ sĩ lớn, một lòng theo cách mạng ấy đã hướng về ngày chiến thắng với hình ảnh những đoàn quân hùng hậu từ chiến khu về giải phóng Thủ đô.

6 năm sau, không khí hào hùng ngày 10/10/1954 đã mang đúng âm hưởng và hình ảnh lịch sử như bài ca của nhạc sĩ Văn Cao năm ấy: "Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân kéo về".

Ý nghĩa từ chương trình Hà Nội - Sáng mãi niềm tin yêu, hy vọng - 3

Hoạt cảnh "Nồng nàn Hà Nội" đến từ tập thể lớp 12A1.

Từ tráng ca về Hà Nội năm 1954, hoạt cảnh ca nhạc của lớp 12A1 mang tên ca khúc Nồng nàn Hà Nội lại tái hiện một không khí Hà Nội thân gần, giản dị gắn với người Hà Nội hôm nay.

Cùng với các tiết mục ca múa và biểu diễn đặc sắc là phần tổ chức tìm hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa của Hà Nội giàu ý nghĩa. Học sinh toàn trường đã cùng hào hứng với những câu hỏi tìm hiểu về các địa chỉ đỏ ở Hà Nội và những nơi lưu dấu thân thương của học sinh trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa.

Ý nghĩa từ chương trình Hà Nội - Sáng mãi niềm tin yêu, hy vọng - 4

Các tiết mục văn nghệ vừa thể hiện niềm tự hào về Hà Nội lại vừa rộng mở tình yêu đất nước thiết tha.

Với tiết mục được chọn làm kết chương trình để tạo dư âm, lớp 12D4 đã mang đến mashup Người Hà NộiMột vòng Việt Nam tạo một kết thúc đầy ấn tượng. Tiết mục vừa thể hiện niềm tự hào về Hà Nội lại vừa rộng mở tình yêu đất nước thiết tha.

Với thông điệp Hà Nội là trái tim của Việt Nam và mỗi trang sử, mỗi nét văn hóa Việt Nam là niềm tự hào của người Hà Nội, mashup có được kết nối về âm nhạc và nội dung đã mang đến một âm hưởng xúc động, càng khẳng định thành công cho chương trình.

Ý nghĩa từ chương trình Hà Nội - Sáng mãi niềm tin yêu, hy vọng - 5

Cô giáo chủ nhiệm và các bạn học sinh 12D4 trong tiết mục sắc màu và ấn tượng.

Buổi sáng thứ Hai đầu tuần, trong tiết thu Hà Nội thật đẹp, một chương trình có ý nghĩa đã đem đến những cảm xúc tích cực trong mỗi thầy cô và học trò của nhà trường.

Với tuổi trẻ trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, chương trình "Hà Nội - sáng mãi niềm tin yêu, hy vọng" đã thêm củng cố niềm tự hào là học sinh Hà Nội, tự hào tuổi trẻ thời đại mới.

Nhờ có chương trình hào hùng và sinh động mà thông điệp mang tính giáo dục từ cặp câu đối trên sân khấu càng trở nên thấm thía: "Hà Nội hào hoa, anh dũng - Tuổi trẻ sáng tạo văn minh".

Ảnh: Nhà trường cung cấp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm