Xót xa cô giáo Vàng Thị Chim bị mất việc do hết hợp đồng phải đi làm thuê

Đặng Dương

(Dân trí) - Cô giáo Vàng Thị Chim (SN 1993, người dân tộc Mông) vừa kết thúc hợp đồng giảng dạy tại Trường Tiểu học La Văn Cầu (xã Đắk R'măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) và phải đi làm thuê khắp nơi.

Xót xa cô giáo Vàng Thị Chim bị mất việc do hết hợp đồng phải đi làm thuê  - 1

Cô Vàng Thị Chim là nữ giáo viên người Mông đầu tiên tại điểm trường La văn Cầu.

"Tôi thất nghiệp rồi… !"

Cô giáo Vàng Thị Chim (SN 1993, người dân tộc Mông) vừa kết thúc hợp đồng giảng dạy tại Trường Tiểu học La Văn Cầu (xã Đắk R'măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông).

Xếp gọn những cuốn giáo án vào một góc nhà, cô Chim cùng chồng đi làm thuê khắp nơi để kiếm tiền trang trải cuộc sống, nuôi ước mơ được trở lại bục giảng.

Xã Đắk R'măng là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh Đắk Nông, trong đó phần lớn là các hộ gia đình đồng bào Mông, từ các tỉnh phía bắc vào đây sinh sống.

Ở nơi này, trẻ em cũng chỉ học hết bậc THCS hoặc THPT rồi được dựng vợ, gả chồng, số người đi học đại học như cô Vàng Thị Chim đếm trên đầu ngón tay, nếu không muốn nói là hiếm.

Xót xa cô giáo Vàng Thị Chim bị mất việc do hết hợp đồng phải đi làm thuê  - 2

Con đường đến trường của cô Chim là những lối mòn do người dân tự mở.

Tuy nhiên, trở về quê sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, con đường đi dạy của cô Chim lại vô cùng trắc trở.

Cô Chim kể gia đình cô đông con lại ít đất sản xuất nên bố mẹ từng muốn cô nghỉ học để lập gia đình từ năm lớp 9. Khi ấy cô Chim quyết không nghe theo sự sắp đặt mà xin bố mẹ cho học tiếp THPT.

Tốt nghiệp cấp 3, cô Chim trở thành sinh viên ngành sư phạm của trường Đại học Tây Nguyên. Cô cũng là một trong số ít những cô gái của bản rời quê lên thành phố theo đuổi con chữ. Ngày ấy, cô nữ sinh tự bươn chải, làm thêm đủ công việc để có kinh phí học tập.

Xót xa cô giáo Vàng Thị Chim bị mất việc do hết hợp đồng phải đi làm thuê  - 3

Thời gian còn đi dạy, để đến trường, cô Chim thường rời nhà lúc 4h sáng (Ảnh chụp năm 2020).

"Ước mơ trở thành cô giáo nhen nhóm trong tôi từ năm học lớp 6, sau đó lớn dần. Nhìn những đứa trẻ trong bản nghỉ học để lập gia đình, rồi chỉ hơn một năm sau đã có con bồng bế mà tôi xót xa. Lúc đó, tôi càng quyết tâm phải đi học. Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản, có đi học mới tìm được đường thoát nghèo hoặc chí ít là không phải lấy chồng sớm như những bé gái khác", cô Chim tâm sự

Năm 2016, cô Chim tốt nghiệp đại học và trở thành nữ giáo viên tiểu học người Mông duy nhất tại xã Đắk R'măng. Thời điểm đó, dù ngành Giáo dục liên tục thiếu giáo viên song cô Chim vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng thời vụ do không có chỉ tiêu biên chế. Đến năm 2019, cô Chim nghỉ dạy vì trường không được hợp đồng với giáo viên đứng lớp.

Xót xa cô giáo Vàng Thị Chim bị mất việc do hết hợp đồng phải đi làm thuê  - 4

Năm 2020, cô Chim tiếp tục được nhà trường hợp đồng đứng lớp tại điểm trường (Ảnh chụp năm 2020).

Năm 2020, điểm trường tiểu học La Văn Cầu được xây dựng tại cụm dân cư số 8. Vì 100% học sinh là đồng bào Mông nên cô Chim tiếp tục được nhà trường hợp đồng đứng lớp tại điểm trường này.

"Niềm vui được đứng lớp không trọn vẹn vì ngày đầu năm học, bố tôi qua đời. Có lẽ ông là người lo lắng và hãnh diện nhất khi tôi trở thành giáo viên, thế nên bố mất, tôi cảm thấy rất buồn. Ông đã không còn cơ hội được nhìn thấy con gái mình đứng trên bục giảng, hiện thực hóa ước mơ suốt nhiều năm liền", cô Chim nhớ lại thời điểm năm 2020.

Con đường đến trường dài gần 20km, hoàn toàn là những lối mòn do người dân tự mở, chạy qua thung lũng sâu rồi lại len lỏi vào vườn cà phê. Để đến điểm trường, hàng ngày cô Chim thức giấc từ 4h sáng rồi một mình chạy xe máy đi dạy. Nếu hôm nào không nhờ được người trông coi con, cô Chim địu thêm đứa trẻ 3 tuổi sau lưng rồi đến lớp.

Xót xa cô giáo Vàng Thị Chim bị mất việc do hết hợp đồng phải đi làm thuê  - 5

Cuối năm học, cô Chim cũng không giữ được đứa con trong bụng do đường đến trường dạy học vất vả.

"Dạy học được vài tháng, tôi có thai. Cũng vì hàng ngày đi làm trên đoạn đường xấu, bữa trưa chỉ có mì tôm hoặc bánh mì nên vừa kết thúc năm học thì tôi đã không giữ được con. Đúng thời điểm đó, huyện xét tuyển viên chức ngành giáo dục, tôi bỏ lỡ cơ hội của chính mình khi đang nằm viện điều trị", cô Chim nghẹn ngào kể lại.

Nữ giáo viên chia sẻ đối với một giáo viên vùng cao, nhất là giáo viên đồng bào dân tộc thiểu số, được trở thành viên chức, không phải lo lắng chuyện hợp đồng mỗi đầu năm học không chỉ là mục tiêu mà là ước mơ.

"Sẽ có người cho rằng nếu không được vào biên chế thì tôi vẫn có thể đi dạy. Tuy nhiên hiện nay có quy định, không được hợp đồng chuyên môn ngoài chỉ tiêu biên chế nên nhà trường cũng không thể ký hợp đồng giảng dạy. Từ tháng 11/2021, tôi thất nghiệp, không còn làm giáo viên nữa", nữ giáo viên bật khóc, nói về ước mơ dang dở của mình.

Thiếu giáo viên nhưng không được hợp đồng

"Nhìn những người bạn cùng tuổi, cùng học đại học bây giờ đã có việc làm ổn định, tôi cũng buồn và tủi thân lắm chứ. Có hôm đi chợ, cũng nhiều người nói ra nói vào, bảo rằng tại sao đi học mất nhiều tiền vậy mà giờ không đi làm. Có lẽ vì chuyện tôi không có công việc ổn định mà nhiều gia đình quyết không cho con đi học tiếp vì sợ thất nghiệp", cô Chim nói.

Xót xa cô giáo Vàng Thị Chim bị mất việc do hết hợp đồng phải đi làm thuê  - 6

Kết thúc hợp đồng lao động, cô Chim trở thành lao động tự do.

Hàng ngày, cô Chim gửi con cho bố mẹ rồi theo chồng đi làm thuê. Những hôm nào hết việc, cả hai vợ chồng lại lên rừng hái măng hoặc chuối hột về bán. Thu nhập bấp bênh, cuộc sống của gia đình 3 người cũng chênh vênh như con đường đi dạy của cô giáo.

Nói thêm về mong ước của mình, cô Chim bộc bạch rằng trưởng thành trong môi trường sư phạm, cô chỉ mong muốn được trở lại bục giảng.

Dẫu rằng cơ hội được trở thành viên chức ngành giáo dục là rất thấp, thế nhưng trong suốt thời gian qua, cô Chim vẫn không từ bỏ hy vọng. Hàng ngày nữ giáo viên vẫn cố gắng chạy qua ngôi trường từng gắn bó, gặp lại những học trò cũ của mình như cách khỏa lấp nỗi nhớ nghề.

Xót xa cô giáo Vàng Thị Chim bị mất việc do hết hợp đồng phải đi làm thuê  - 7

Cô Chim bật khóc khi nhắc về ước mơ dang dở của mình.

"Tôi day dứt mãi vì ngày nghỉ việc, tôi không gặp mặt để chia tay học trò được. Thi thoảng gặp các em ngoài đường, ngoài chợ, các em vẫn khoanh tay chào cô. Hạnh phúc vì các em vẫn coi mình là cô giáo, nhưng cũng tủi thân vì mình không còn được đứng lớp", cô giáo Vàng Thị Chim bộc bạch.

Theo thầy Hà Hữu Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Văn Cầu, điểm trường cụm dân cư số 8 hiện đang có hơn 100 học sinh lớp 1 và lớp 2. Theo quy định, với số học sinh này sẽ cần 6 giáo viên đứng lớp, tuy nhiên hiện nay tại điểm trường chỉ có 2 cô giáo.

"Việc thiếu giáo viên diễn ra nhiều năm nay, mỗi năm nhà trường được bổ sung thêm một số thầy, cô giáo nhưng vẫn không đủ. Theo quy định, không được hợp đồng chuyên môn ngoài chỉ tiêu biên chế nên hiện nay nhà trường không thể ký hợp đồng lao động với các thầy cô giáo", thầy Phong cho hay.

Xót xa cô giáo Vàng Thị Chim bị mất việc do hết hợp đồng phải đi làm thuê  - 8

Nghỉ việc nhưng cô Chim vẫn không nguôi nỗi nhớ nghề.

Nói thêm về trường hợp của cô Chim, thầy Phong cho biết trước đây, cô Chim tình nguyện vào điểm trường để dạy. Sau một năm, vì quy định không được hợp đồng nên cô đã nghỉ dạy.

"Việc cô giáo người Mông nghỉ việc khiến việc dạy học tại điểm trường gặp những khó khăn nhất định vì 100% học sinh là đồng bào Mông. Bản thân cô Chim là người có năng lực, lại gần gũi học trò nên nhà trường cũng rất hy vọng, nếu được bổ sung thêm chỉ tiêu biên chế, cô Chim có cơ hội trở lại dạy học", Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Văn Cầu nói thêm.

Mỗi thầy cô vào dạy một tháng

Đường đi lại khó khăn, không điện, không sóng di động, không nước sạch… nên để chia sẻ vất vả, năm học trước, nhà trường đã "giao kèo", mỗi giáo viên sẽ luân phiên vào dạy một tháng.

"Mùa khô thì còn đi lại được, đến mùa mưa thì coi như chịu. Năm nay, hai cô giáo trẻ được phân công vào điểm trường dạy và ở lại luôn trong đó. Đời sống cũng rất khó khăn vì thiếu thốn đủ bề", thầy Phong nói thêm.