Xót xa cảnh cậu học sinh giỏi trong căn nhà tạm rách nát

(Dân trí) - Hoàn cảnh của em Trần Văn Tải học sinh lớp 12 A9 trường THPT Nghi Lộc 5, Nghệ An thật đau lòng, bố bị bệnh tâm thần lang thang suốt ngày ngoài đường, người mẹ nghèo với nghề nông liên tục đau yếu nhưng vẫn quyết tâm cho con học. Nhưng, đến nay sức mẹ nghèo đã kiệt, Tải xin nghỉ học để mẹ bớt gánh nặng.

Tôi tìm về thăm gia đình em Trần Văn Tải học sinh lớp 12 A9 trường THPT Nghi Lộc 5 - sau khi nghe câu chuyện cảm động về cậu học trò nghèo phải xin nghỉ học vì hoàn cảnh quá khó khăn.

Xót xa gia cảnh bần cùng của cậu học sinh giỏi nuốt nước mắt xin mẹ được nghỉ học.

Tiếp tôi là chị Nguyễn Thị Trinh - mẹ Tải (xóm 8, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Chị Trịnh tâm sự với tôi mà làm cho trái tim tôi như ngừng đập vì gia cảnh khốn khó của chị và các cháu đang phải chịu đựng.

Chị bảo, căn nhà này - nhà tạm thôi nó đang xiêu vẹo của gia đình cũng chỉ xin dựng ở nhờ trong miếng đất của một người thân.

Căn nhà tạm bợ được dựng bằng những vật liệu tận dụng của gia đình em Trần Văn Tải, có những lúc trời mưa gió căn nhà không còn chỗ nào khỏi ướt.
Căn nhà tạm bợ được dựng bằng những vật liệu tận dụng của gia đình em Trần Văn Tải, có những lúc trời mưa gió căn nhà không còn chỗ nào khỏi ướt.

Nắng chiều đã khuất dần sau dãy núi, căn nhà nhỏ xiêu vẹo nơi cuối xóm nghèo như chực chờ trận gió to là có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Căn nhà đó được chị Trinh dựng nhờ trên mảnh đất cuả một người thân, bằng những vật liệu tận dụng lại. Tấm bạt rách che chắn xung quanh, tấm tranh cói mục nát để lộ cả quãng trời xanh phía trên.

Tiếp chúng tôi bằng cái thở dài dường như tuyệt vọng, chị Trinh cho biết: “Trời nắng còn đỡ đấy em à, chứ trời mưa thì còn khổ nữa. Khắp nhà có chỗ mô không dột, không ướt. Mưa nhỏ thì dùng cái thau, cái bát mà hứng còn mưa to, 4 con người chỉ biết chui vào một xó, lấy tấm ni lông che lại mới đỡ”. Rồi những câu chuyện về cái nghèo, cái khổ quấn lấy gia đình chị cũng được bắt đầu từ đó.

Dù hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn nhưng hai anh em Tải và Hoài An học rất giỏi, luôn đạt thành tích cao được nhà trường ghi nhận.
Dù hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn nhưng hai anh em Tải và Hoài An học rất giỏi, luôn đạt thành tích cao được nhà trường ghi nhận.

Sinh ra trên mảnh đất nghèo khó nên tuổi thơ chị chỉ biết đến trâu bò ruộng nương. Lớn lên mong muốn tìm cho mình một tấm chồng để nương tựa thì chẳng bao lâu chị phát hiện anh mắc chứng tâm thần không ổn định, chẳng thể giúp chị được việc gì.

“Bố nó (ông Trần Văn Sơn, sinh năm 1949) tâm thần không được ổn định nên thường đi lang thang khắp các làng trên xóm dưới) đi suốt cả ngày có làm được chi mô. Có bữa còn đi 2,3 hôm chưa thấy về, 3 mẹ con lại chạy ngược chạy xuôi đi kiếm”, chị Trinh gạt nước mắt.

2 đứa con Trần Văn Tải (lớp 12A9 trường THPT Nghi Lộc 5) và Trần Thị Hoài An (lớp 8A trường THCS Nghi Kiều) lớn dần trong vòng tay bao bọc của mẹ. Thương con, ngoài công việc đồng áng, lúc rảnh rỗi chị xin phụ hồ cho người ta mong kiếm thêm chút tiền trang trải cho cuộc sống.

Thế nhưng tấm thân gầy gò ốm yếu chẳng đủ sức gánh nổi công việc nặng nhọc đó, làm được dăm ba hôm chị lại lăn ra ốm. Số ngày đau còn nhiều hơn số ngày lành nên cả tháng có khi chị chỉ làm được 5,6 công thợ. Vì thế cuộc sống trước đã khó khăn nay lại thêm trăm phần cơ cực.

Xót xa cảnh cậu học sinh giỏi khóc nghẹn xin mẹ được nghỉ học

Vất vả là thế, nhưng chưa bao giờ chị than lấy một câu, chị cố gắng động viên 2 con học tập để mai sau thoát khỏi cái nghèo cái khổ. Không phụ công lao của chị, 2 anh em Tải đều học rất giỏi. Nhiều năm liền được nhà trường công nhận là học sinh xuất sắc. Tấm gương vượt khó trong học tập của Tải và Hoài An được ca tụng khắp các làng trên ngõ dưới.

Khi tuổi càng nhiều, mình chị Trinh không thể gánh nổi miếng ăn cho cả gia đình, người anh cả Trần Văn Tải tranh thủ cùng mẹ theo nhóm thợ trong xã phụ hồ. Số tiền làm được ít ỏi chẳng đủ cho 2 anh em ăn học, Tải bàn với mẹ cho con nghỉ học, kiếm việc làm thay mẹ nuôi em.

Người mẹ nghèo với đôi tay gầy gò, chai sạn giữ thật chặt những tấm bằng khen của các con như những tài sản quý giá nhất của cuộc đời mình.
Người mẹ nghèo với đôi tay gầy gò, chai sạn giữ thật chặt những tấm bằng khen của các con như những tài sản quý giá nhất của cuộc đời mình.

 

Tải luôn tranh thủ mọi thời gian trong ngày để học tập, góc học tập của em cũng chính là chiếc giường cũ kỹ mục nát.
Tải luôn tranh thủ mọi thời gian trong ngày để học tập, góc học tập của em cũng chính là chiếc giường cũ kỹ mục nát.

“Thằng Tải hắn xin tui cho hắn nghỉ học để đi làm. Nhưng hắn ham học lắm răng mà tui đồng ý được. Đời bố mẹ khổ rồi, chỉ mong anh em hắn kiếm đi con chữ cố thoát cho được cái nghèo. Rứa mà giờ hắn đòi nghỉ học”. Nói đến đây chị khóc, nước mắt giàn dụa trên đôi gò má, không cho con được cuộc sống đủ đầy, trái tim người mẹ nghèo như thắt lại.

Trần Văn Tải nghẹn ngào xúc động khi xin mẹ được nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình nuôi em gái ăn học.
Trần Văn Tải nghẹn ngào xúc động khi xin mẹ được nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình nuôi em gái ăn học.

 

“Em đang học 12, em còn muốn lên đại học rồi ra trường cố kiếm công việc ổn định thay mẹ lo cho cả nhà. Nhưng giờ nhà nghèo quá, mẹ làm quần quật cả ngày mà gạo ăn còn bữa có bữa không thì lấy tiền mô để học tiếp. Mẹ em giờ cũng già yếu rồi, cả 2 anh em ăn học mẹ không kham nổi mô. Em là con trai sợ chi khổ, em đi làm cho Hoài An đi học”. Những câu nói của Tải như nghẹn lại, từng giọt nước mắt lăn dài trên má, em lấy tay lau vội cố tỏ ra mình mạnh mẽ.

Căn nhà tạm rách nát, xiêu vẹo gắng gượng che chở cho những tấm thân bất hạnh trong gia đình khốn khó.
Căn nhà tạm rách nát, xiêu vẹo gắng gượng che chở cho những tấm thân bất hạnh trong gia đình khốn khó.

Ngồi xếp những tấm bằng khen của các con, với đôi tay chai sần khô sạm người mẹ nghèo nâng niu, trân trọng nó như những tài sản quý báu nhất của cuộc đời. Những lần các con mang bằng khen về, chị cũng chẳng có gì để thưởng cho chúng mà chỉ cố vay mượn, mua nợ người ta ít thịt về làm bữa cơm liên hoan của gia đình. Đó là những thời khắc cả gia đình hạnh phúc nhất.

 

Giấy xác nhận hộ nghèo của gia đình em Trần Văn Tải.
Giấy xác nhận hộ nghèo của gia đình em Trần Văn Tải.

“Tui nói với hắn rồi, tui có chết, có làm đến kiệt sức đi nữa thì cũng không cho hắn nghỉ học. Cả cuộc đời tui đã nghèo, đã khổ cũng chỉ vì thiếu đi cái chữ. Nhưng giờ đây đến cái ăn trong nhà còn không đủ, thì... ”, cái nghèo khiến chị Trinh bất lực không dám quyết định.

Cho con nghỉ học cùng chị gánh vác việc nhà thì chị không đành lòng, nhưng để Tải tiếp tục đến trường thì chị kham không nổi. Trong nhà chẳng còn một xu dính túi, anh em xa láng giềng gần có thể vay chị cũng đã mượn. Giờ đây tương lai của các con chị biết đi về đâu nếu như chúng phải gác lại ước mơ đèn sách.

 

Nguyễn Duy

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm