Xóa mù chữ - cuộc “hợp sức” của cả cộng đồng
(Dân trí) - Nhiều chính sách liên quan đến xóa mù chữ đã được Sở GD-ĐT và UBND tỉnh Nghệ An điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của giáo viên tham gia xóa mù chữ. Nhiều lớp xóa mù chữ hình thành và duy trì được là nhờ đội ngũ cán bộ thôn bản.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Nghệ An, hiện tỉnh này có khoảng 15.000 người dân tộc thiểu số ở độ tuổi 15-60 tuổi không biết chữ, tập trung hầu hết ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Hàng năm, Sở GD-ĐT đều mở các lớp xóa mù chữ vào tận các bản làng để “kéo” người dân đến lớp. Tại thời điểm hiện tại, Nghệ An có 112 lớp xóa mù chữ, tập trung ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông… với 2.238 học viên. Trong đó, cao nhất là huyện Kỳ Sơn với 66 lớp xóa mù, 1.278 học viên; Con Cuông 22 lớp với 439 học viên. Tín hiệu mừng của công tác xóa mù là các học viên rất hào hứng đến lớp, chịu khó và kiên trì trong việc học tập.
Ông Nguyễn Huy Cao – Phó trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT Nghệ An) cho biết: “Theo quy định trước đây, khi hoàn thành chương trình xóa mù chữ đối với 1 học viên, giáo viên phải dạy 755 tiết học, thế nhưng chỉ được thanh toán 150 nghìn đồng/học viên. Rõ ràng quy định này đã quá lỗi thời và không tương xứng với công sức của giáo viên.
Trước tình hình đó, Sở GD-ĐT Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 50/2014/QĐ-UBND về quy định một số chế độ chính sách đối với công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chế độ tài chính dành cho giáo viên xóa mù chữ đã có nhiều thay đổi. Với mỗi học viên được công nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ, giáo viên được thanh toán theo số giờ thực dạy vượt định mức giờ chuẩn và được thanh toán trả lương làm thêm giờ bằng 150% lương và phụ cấp lương.
Một khi chế độ được đảm bảo, công sức được trả một cách xứng đáng thì giáo viên yên tâm hơn để cống hiến. Vừa rồi, đi kiểm tra ở từng cơ sở, nhiều giáo viên chưa nắm bắt được những thông tin này, chúng tôi đã gửi văn bản đến từng địa phương, từng cơ sở để các giáo viên yên tâm”.
Cũng theo QĐ50/2015, không chỉ giáo viên trực tiếp đứng lớp được tăng mức hỗ trợ mà những người tham gia công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ cũng lần đầu tiên được tính đến. Trong đó, người đi vận động học viên đến lớp xóa mù chữ và học hoàn thành chương trình xóa mù chữ được thanh toán 50.000 đồng/học viên/chương trình; Hỗ trợ tiền cho giáo viên dạy các lớp xóa mù chữ mua vở soạn giáo án, bút, phấn… 50.000 đồng/lớp; mua hồ sơ, ấn phẩm lớp học xóa mù… 100.000 đồng/lớp.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT Nghệ An (5 người), phòng GD-ĐT các huyện (2 người), cơ sở giáo dục trực tiếp mở lớp xóa mù chữ (1 người), xã, phường, thị trấn (1 người) cũng được hưởng thù lao với mức từ 0,15 đến 0,25 x mức lương cơ sở, và được hưởng trong vòng 12 tháng. Toàn bộ kinh phí này được trích trong nguồn chương trình mục tiêu quốc gia GD-ĐT, nguồn ngân sách tỉnh Nghệ An cấp hàng năm cho ngành giáo dục và “được ưu tiên số 1”.
Trước đây, theo quy định cũ, việc thanh toán kinh phí hoàn thành xóa mù chỉ thực hiện đối với những lớp có 10 học viên trở lên. Tuy nhiên hiện nay, Sở GD-ĐT Nghệ An đã “linh động”, cho phép ghép 2-3 lớp cũng được thanh toán. Mặc dù với cách này, khối lượng công việc của giáo viên lớp gấp 2-3 lần nhưng ít ra giáo viên cũng được hưởng công sức lao động của mình mà công tác xóa mù cũng đảm bảo.
“Điều đặc biệt góp phần làm nên hiệu quả của công tác xóa mù chữ hiện nay là đã có sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ. Trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ là mấu chốt quan trọng trong việc vận động hội viên đến lớp và duy trì lớp học, trong đó phải kể đến Hội liên hiệp phụ nữ các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông”, ông Nguyễn Huy Cao cho biết thêm.
Từ ngày mở lớp xóa mù chữ ở bản Giáp Gát, cứ 2 - 3 ngày Phó Chủ tịch xã Bình Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) Hồ Văn Thân lại đến lớp để động viên các học viên. Xã cũng đã trích kinh phí để mua sách, vở, bút hỗ trợ thêm cho chị em. “Dù có rất nhiều chương trình hỗ trợ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế cho bà con nhưng vì tỷ lệ người dân chưa biết chữ còn đông nên hiệu quả của các chương trình không cao. Không biết chữ, bà con lên xã làm thủ tục, giấy tờ chỉ biết điểm chỉ nên rất phiền phức, muốn vay được vốn ngân hàng để phát triển kinh tế cũng khó nên trước hết phải làm sao cho bà con nhận thức được tầm quan trọng của cái chữ để có quyết tâm học dù tuổi đã lớn, cuộc sống còn nhiều khó khăn”, ông Thân chia sẻ.
Hơn 3 tháng nay, ông Vi Viết Hồng – trưởng bản Yên Hòa (Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) bận bịu hơn thường lệ. Khi có thông báo về mở lớp xóa mù chữ, ông là người hăng hái đi vận động chị em đến lớp. Không những vận động học viên, ông đến từng nhà, làm công tác tư tưởng cho bố mẹ chồng, cho chồng các chị tạo điều kiện để vợ, con dâu được đi học.
“Hằng ngày, bác Hồng đều đến lớp học từ sớm, kiểm tra sỹ số, xem ai vắng rồi tất tả tìm đến nhà hỏi vì sao nghỉ học, nếu khó khăn ở đâu sẽ đề xuất với thôn bản, với trường để tháo gỡ. Dù lớp học đêm hay học ngày, bác Hồng đều là người đi về cuối cùng. Không chỉ có bác Hồng mà còn có chị Vi Thị Dần – Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản cũng rất nhiệt tình, hỗ trợ rất nhiều trong việc vận động học viên đến lớp và duy trì lớp học”, thầy Bùi Hoài Nam (điểm xóa mù chữ bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) nói.
Sau những buổi lên rẫy, vào rừng, hàng nghìn phụ nữ miền Tây Nghệ An lại mang vở đến lớp để học chữ. Những con chữ không còn xa lạ, những con chữ sẽ mang tiến bộ khoa học, mang chính sách của Nhà nước về với bản làng, với từng người dân. Cái nghèo, cái đói và hủ tục lạc hậu sẽ bị đẩy lùi khỏi cuộc sống của người dân nơi đây vào một ngày không xa nữa…
Hoàng Lam