Xin việc qua mạng, nhận lương nghìn đô

Những tiết lộ của chàng cựu SV ĐH FPT Nguyễn Nhật Minh sinh năm 1990 hiện đang nắm giữ chức vụ Đại diện quốc gia (Country manager) của một công ty CNTT Singapore có thể khiến nhiều người ngạc nhiên. Theo Minh, bí quyết có khi nằm trong những điều rất nhỏ khiến mọi người hay bỏ qua.

"Mình tìm được công việc này qua Linked In đấy!", Minh hồ hởi chia sẻ điều bất ngờ đầu tiên. Nghe cậu kể mà thấy vị trí Country Manager cho một công ty CNTT ở Singapore “dễ như húp cháo” vậy.  

Có lợi thế là SV CNTT, lại toàn học bằng tiếng Anh nên Minh thấy việc lập một tài khoản trên mạng tuyển dụng quốc tế là chuyện bình thường. Trường cậu không hiếm trường hợp đi làm việc ở nước ngoài ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường hay vừa tốt nghiệp, thậm chí chưa nhận bằng đã thấy vi vu sang Đức, Anh, Mỹ hay Nhật làm việc rồi.

Minh kể, trừ việc cậu chưa có kinh nghiệm làm phần mềm cho lĩnh vực tài chính thông minh (Business Intelligent), cậu tin hồ sơ của mình đáp ứng được các yêu cầu của công ty hiện tại nên đã mạnh dạn ứng tuyển. Dù không biết "tỉ lệ chọi" của mình là bao nhiêu, nhưng sau 2 vòng phỏng vấn qua voice chat và điện thoại với nhà tuyển dụng tại Singapore, Minh được người của công ty mẹ bay sang tận nơi để ký hợp đồng.

Nguyễn Nhật Minh.
Nguyễn Nhật Minh.

Nhóm của Minh có 5 người, là nhóm dự án nòng cốt của công ty ở Việt Nam, làm việc trực tiếp với công ty mẹ ở Singapore và một nhóm dự án nòng cốt khác ở Mỹ. Do chênh lệch múi giờ, Singapore cách Việt Nam 1 giờ đồng hồ còn Mỹ thì xa tận nửa vòng trái đất nên việc cậu cùng cả nhóm làm việc cả ngày rồi làm việc tiếp cả đêm là chuyện bình thường.

Minh tếu táo cho biết OT (làm thêm giờ) là chuyện cơm bữa của dân CNTT, khoảng cách của kim đồng hồ không áp lực bằng khoảng cách của kinh nghiệm và tri thức. "Mỹ và Singapore luôn là một đẳng cấp mà mình cần học hỏi và vươn tới. Bọn mình xác định phải nỗ lực nhiều hơn và nhiều hơn nữa."

Chàng trai trẻ sinh năm 1990 này cũng hết sức khiêm tốn khi nói về vị trí Country Manager, và đề nghị chỉ gọi cậu là Quản trị dự án thôi, vì cậu kiêm nhiệm cả vị trí này nữa; hoặc có thể coi cậu như một lập trình viên, vì cậu cũng kiêm nhiệm luôn cả vị trí lập trình cứng của nhóm. Nhưng ngay Quản trị dự án cũng là một vị trí thách thức và hiếm khi được giao vào tay những SV vừa tốt nghiệp như Minh.

Hỏi han về việc công ty lớn ở Singapore sẵn sàng mạo hiểm giao vị trí cao cho một SV mới ra trường, Minh chia sẻ, về kinh nghiệm chuyên môn cậu được "làm việc thật luôn!" gần 1 năm trong thời gian đi thực tập theo chương trình của Đại học FPT. Còn trước khi tốt nghiệp, cậu cũng đã có thời gian tham gia vào một dự án khởi nghiệp với các bạn cùng trường, và trải nghiệm kha khá kinh nghiệm ở vị trí điều phối hay quản lí.

Đảm đương cùng lúc nhiều vị trí, Minh thường xuyên phải ôm laptop để họp xuyên quốc gia. Cậu chia sẻ nhiều khó khăn gặp phải trong quá trình làm việc, trong đó giao tiếp để hiểu nhau là rào cản thách thức nhất với cậu. Phụ thuộc vào văn hóa, vào cách diễn đạt, vào cả kinh nghiệm và góc độ của từng bên, việc biết rõ công ty mẹ hay đồng nghiệp ở Mỹ đang nói gì và yêu cầu gì cho công việc tưởng dễ lại thành rất khó. "Cũng may, trong trường bọn mình được học về Business Communication (kỹ năng giao tiếp đàm phán), nên chật vật ban đầu cũng qua nhanh, mình biết thêm cách để hiểu người khác đang yêu cầu chính xác điều gì. Việc này quan trọng lắm, vì phân tích chệch yêu cầu thôi là hoàn toàn có thể tạo rủi ro lớn cho dự án", Minh điềm tĩnh kể lại.

Cậu cũng cho biết, khi xông pha vào làm việc thì mới biết chẳng ai nhận lương cao hay vị trí tốt mà không có cái giá đi kèm. Giá của cậu bỏ ra là nhiều đêm thức trắng cùng đồng đội, căng tai nghe đồng nghiệp qua voice chat từ Mỹ với đường truyền mạng nhiều khi tậm tịt, rồi lại dồn sức cho dự án quên ăn quên ngủ trong nhiều ngày tiếp theo. 

Minh chia sẻ, những cơ hội công việc như cậu đang có thật ra rất nhiều. Khi mà biên giới thật giữa các quốc gia, các châu lục ngày càng mờ đi thì những SV có kiến thức chuyên môn, có ngoại ngữ tốt, thấu hiểu văn hóa quốc tế và sẵn sàng dấn thân sẽ là những người đầu tiên được để mắt tới.

Cậu cũng hào hứng khoe 2 trong số 5 nhân sự làm việc với cậu hiện giờ là sinh viên Đại học FPT do cậu giới thiệu. Nếu làm tốt từ những dự án đầu tiên, những SV Việt Nam như cậu và các bạn mình hoàn toàn có thể làm cầu nối tuyển dụng để có thêm nhiều SV Việt Nam làm việc trên toàn cầu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm