Xin miễn giảm học phí: “Ăn một bát cháo, chạy ba quãng đồng”

Hành trình để xin miễn giảm học phí cho học sinh tại một trường học ở xã vùng cao của Lào Cai thực sự hết sức gian truân.

Việc áp dụng chính sách của Nhà nước ở một số địa phương đôi khi rất cứng nhắc và nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà, máy móc.

Gia đình anh Lò Láo Tả, nằm trong danh sách những hộ cận nghèo ở Làng Mới - thôn đặc biệt khó khăn của xã Tả Phời, thành phố Lào Cai (Lào Cai). Hai đứa con anh đều đang tuổi đi học, đứa bé lớp 6, đứa lớn lớp 9. Những năm trước, cứ đến kỳ nộp học phí cho bọn nhỏ là anh lại khổ sở lo làm thủ tục miễn giảm.

Anh Lò Láo Tả đã từng rất vất vả để hoàn thiện thủ tục giảm học phí cho con.
Anh Lò Láo Tả đã từng rất vất vả để hoàn thiện thủ tục giảm học phí cho con.

Theo mức thu học phí cũ như năm học 2014 – 2015, đứa bé nhà anh khi ấy còn ở tiểu học thì được miễn, còn đứa lớn phải đóng 5.000đ/tháng, tức 45.000đ/năm học. Để làm thủ tục giảm một nửa học phí cho con, anh phải chạy xe máy tới trung tâm xã cách nhà cả chục cây số, đường khi đó thì toàn đá hộc, vừa xấu vừa dốc, những hôm mưa gió khổ không tả xiết.

Lọ mọ nửa ngày trời mới xuống tới xã, lỡ đem thiếu hồ sơ lại phải lộn trở về. Chưa kể muốn xin chứng nhận hộ nghèo phải có bản phô tô sổ hộ khẩu, thế là thêm một lần chạy đi dịch vụ phô tô. Cuối cùng quay về xã, trước khi có thể cầm được “Giấy chứng nhận hộ cận nghèo” mang về thì phải nộp 5.000đ lệ phí đóng dấu theo quy định tăng cường nguồn thu mà xã được giao chỉ tiêu từ trên xuống. Như vậy tính ra để làm thủ tục xin giảm hơn 20.000đ, những chi phí phải bỏ ra có khi còn nhiều hơn.

Anh Tả chia sẻ: “Tôi thấy đi lại rất khó khăn, đường sá xa xôi. Đi làm thủ tục tôi phải phô tô sổ hộ khẩu, có lần máy hỏng hoặc vì lý do này kia còn không lấy được dấu. Bình thường nếu nhanh thì một ngày, chậm thì 2 – 3 lần mới xin được, mà cuối cùng được hưởng thì cũng không được bao nhiêu”.

Năm nay, trường hợp như anh Lò Láo Tả được coi là “may mắn”. Vì theo quy định mới tại Nghị định 86 của Chính phủ ban hành tháng 10/2015, trường hợp học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn sẽ được giảm 70% học phí. 2 con nhà anh Tả nằm đúng trong diện này nên được nhà trường trực tiếp xác nhận mà không cần qua xã xin giấy chứng nhận tình trạng nghèo như trước. Thoát cảnh chật vật chạy đôn chạy đáo làm thủ tục, anh Tả vui mừng thở phào nhẹ nhõm nhưng bụng vẫn nghĩ, giả dụ phải như năm ngoái thì nhất định sẽ không đi nữa.

Tuy nhiên, bên cạnh “may mắn” của anh Tả thì không thiếu những trường hợp kém “may mắn” hơn. Đó là nhóm gia đình học sinh thuộc diện hộ nghèo. Điển hình ngay như tại nơi hai con anh Tả theo học là Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 Tả Phời, thành phố Lào Cai. Toàn trường có 100% học sinh là dân tộc Dao.

Theo quy định thì tất cả các em được giảm 70% học phí trên mức thu 8.000đ/tháng đối với năm học 2015 - 2016, tức mỗi tháng chỉ còn phải đóng 2.400đ, vị chi là hơn 21.000đ/năm học. Điều đáng nói, đối với gần 90 em học sinh thuộc hộ gia đình nghèo, muốn xin miễn đóng 21.000đ này bắt buộc phải có giấy chứng nhận hộ nghèo, mà thủ tục xin cấp thì không khác những gì anh Tả đã phải làm cho con ở năm học trước, và chi phí đổi lại theo đúng nghĩa “ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng”. Chính vì thế, không ít phụ huynh học sinh đã chấp nhận đóng học phí cho con mà bỏ qua việc làm thủ tục xin miễn giảm.

Thầy Phạm Trọng Hữu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 Tả Phời, thành phố Lào Cai cho biết: “Việc Ủy ban xã thu tiền phụ huynh đi xin giấy xác nhận cũng là mục tiêu để đạt chỉ tiêu của xã. Tuy nhiên đối với địa bàn vùng cao khó khăn như thế này, mức đóng học phí quy định thì thấp, nhưng chi phí đi lại đối với phụ huynh lại rất cao. Tôi nghĩ rằng Ủy ban xã nên tạo điều kiện để thuận tiện cho học sinh và nhân dân; đồng thời cũng là hỗ trợ cho học sinh và nhân dân thuộc hộ nghèo”.

Thầy Hữu cũng cho biết thêm, hiện nay đối với gần 90 em học sinh khó khăn của nhà trường, việc xin giấy chứng nhận hộ nghèo cho các em để làm thủ tục miễn học phí vẫn khá cứng nhắc. Theo yêu cầu của xã, mỗi học sinh bắt buộc phải xin một giấy chứng nhận riêng. Như vậy, để đảm bảo quyền lợi cho bao nhiêu em sẽ có bấy nhiêu phụ huynh phải vượt chặng đường dài đi đi về về với biết bao chi phí chỉ để xin một cái giấy chứng nhận.

“Tôi nghĩ rằng không cần thiết phải quá nhiều thủ tục và quy trình như vậy. Tôi có một đề xuất, đó là nhà trường lập ra danh sách học sinh trong diện được miễn giảm học phí. Sau đó Ủy ban nhân dân xã sẽ ký xác nhận và nhà trường sẽ lấy danh sách tổng thể đó để nộp lên cấp trên phê duyệt”.

Có thể thấy rằng, hành trình để xin miễn giảm học phí cho học sinh tại một trường học ở xã vùng cao của Lào Cai thực sự hết sức gian truân. Quy định là quy định, đương nhiên vẫn phải nghiêm túc chấp hành. Nhưng để người dân tiếp cận được với chính sách thì những quy định cũng cần cải tiến sao cho giản tiện nhất.

Theo An Kiên

VOV