Xin đi dạy mất tiền, thà đi làm… công nhân!

(Dân trí) - Nhiều sinh viên ra trường phản hồi phải có vài chục “chai” mới vào được trường mầm non để đi dạy. Vậy thà các em xin đi làm công nhân, không mất tiền mà thu nhập còn cao hơn.

Nhiều vấn đề về thực trạng ngành học mầm non ở góc độ quản lý, đào tạo, sự thiếu hụt chất lượng lẫn số lượng đội ngũ giáo viên (GV), khó khăn trong công việc… được đề cập tại Hội thảo “Phát triển đội ngũ GV đáp ứng nhu cầu giáo dục mầm non ở TPHCM” do ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức sáng 19/6.

Các đại biểu chỉ ra thực trạng thiếu GV mầm non diễn ra ở nhiều tỉnh thành. Đặc biệt là ở TPHCM, tình trạng này được xem là một thách thức khi việc đào tạo liên tục nhưng vẫn chưa giải quyết được bài toán này. Bên cạnh số lượng, chất lượng đội ngũ GV mầm non, nhất là ở các trường đào tạo trung cấp cũng là điều đáng ngại khi đầu vào thấp, chất lượng đào tạo nhiều bất cập.

ThS Hồ Ngọc Kiều: Nhiều sinh viên ra trường phản hồi phải có vài chục chai mới xin đi dạy được
ThS Hồ Ngọc Kiều: "Nhiều sinh viên ra trường phản hồi phải có vài chục "chai" mới xin đi dạy được".

Theo ThS Nguyễn Thị Tâm Minh, năng lực giảng viên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng đào tạo sinh viên ngành học mầm non. Nhiều giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm nhưng việc giảng dạy chuyên môn với giảng dạy trẻ hay quản lý trường mầm non lại là hai phạm trù khác nhau.

“Chưa kể, vì lợi ích kinh tế, một số trường ghép lớp quá đông, diện tích phòng học không đáp ứng được dẫn đến chen chúc, mất tập trung dẫn đến hạn chế tiếp thu ở người học”, ThS Minh bộc bạch.

Không chỉ áp lực khi đi làm, đi học, ThS Hồ Ngọc Kiều, Phòng Thanh tra (CĐ Sư phạm Long An) đề cập đến khó khăn của sinh viên ra trường khi tham gia tuyển dụng. Bất cập trong tuyển dụng hạn chế nhiều đối việc phát triển số lượng, chất lượng đội ngũ.

“Ở nơi khác tôi không biết nhưng chỗ tôi, nhiều sinh viên ra trường nói rằng phải có vài chục “chai” (triệu -PV) mới vào được trường mầm non, mới trở thành GV. Như vậy thà các em xin đi làm công nhân, không mất tiền mà thu nhập còn cao hơn

Có những bạn ra trường rất tự tin khi tham gia tuyển dụng vì có khả năng, có tay nghề. Nhưng cuối cùng lại rớt, những ứng viên khác kém hơn lại được chọn. Khi các bạn đến hỏi thì nơi tuyển dụng cũng không trả lời được”, bà Kiều kể.

ThS Hồ Ngọc Kiều: Nhiều sinh viên ra trường phản hồi phải có vài chục chai mới xin đi dạy được
Sinh viên ngành mầm non gặp nhiều rào cản từ lúc học, ra trường xin việc cho đến khi đi làm (Ảnh minh họa)

Theo ThS Hồ Ngọc Kiều, việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng GV cần tính đến nhu cầu, sự phù hợp và chất lượng. Quá trình tuyển chọn, xét duyệt phải tuân thủ các quy định thi tuyển, xét tuyển viên chức.

TS Nguyễn Thị Minh Anh, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm TW băn khoăn nhiều đến việc thiếu hụt quản lý đội ngũ quản lý có chuyên môn trong ngành học mầm non. Nhiều quản lý ngành không xuất thân từ chuyên ngành, thậm chí trưởng khoa mầm non ở nhiều trường điều chuyển thầy cô từ các khoa khác về phụ trách. Điều này cùng với việc thiếu tầm nhìn về dự báo đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cũng số lượng đội ngũ GV mầm non.

Kỷ yếu Hội thảo “Phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu giáo dục mầm non ở TPHCM” thuộc đề tài Khoa học cấp Bộ gồm 15 bài báo cáo, nghiên cứu. Đề tài được thực hiện từ năm 2013, gồm hai nội dung chính là các vấn đề lý luận về nhu cầu giáo dục mầm non, thực trạng và đề xuất giải phát phát triển nhân lực cho giáo dục mầm non.

Hoài Nam
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm