Xét tuyển tổ hợp lạ: Thí sinh nên cân nhắc hậu quả

Là cha đẻ của kỳ thi 3 chung, GS. Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết việc một số trường tuyển sinh những tổ hợp không phù hợp thì học sinh cũng sẽ phải có trách nhiệm tự cân nhắc năng lực phù hợp của mình để quyết định có nên tham gia xét tuyển hay không. Đặc biệt là cân nhắc đến hậu quả và những tốn kém cho gia đình và bản thân.

Trao đổi với Tiền Phong trước hiện tượng một số trường xét tuyển tổ hợp Văn, Sử, Giáo dục công dân vào đào tạo khối ngành kỹ, khối ngành kinh tế như Kế toán, Tài chính ngân hàng tuyển khối C, Ngành kiến trúc, thiết kế nội thất không có môn vẽ..., GS. Bành Tiến Long nói: Tuyển sinh đại học năm 2018 có nhiều điểm mới. Trong đó có việc giảm điểm ưu tiên khu vực, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm; các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tối thiểu (điểm sàn); công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm, các trường được tuyển sinh nhiều đợt trong năm, có nhiều ngành mới, nhiều tổ hợp xét tuyển mới v.v.

Tuy nhiên một số trường xét tuyển tổ hợp Văn, Sử, Giáo dục công dân vào đào tạo khối ngành kỹ thuật như Công nghệ Kỹ thuật ô tô, Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Công nghệ thông tin. Tổ hợp Văn, Sử, Địa vào khối ngành kinh tế như Kế toán, Tài chính ngân hàng. Ngành kiến trúc, thiết kế nội thất không có môn vẽ... Đây là cách tuyển sinh không truyền thống và còn nhiều vấn đề cần phải cân nhắc.

Nhưng đó là quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường theo Luật Giáo dục quy định. Những tổ hợp như trên khi tuyển sinh thì có thể giúp cho một số trường ĐH tuyển thêm một ít chỉ tiêu, giúp cho một số thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào ĐH hơn.

Nhưng khi vào học thì rất vất vả, thậm chí không theo học được vì các môn cốt lõi là năng lực chính của thí sinh lại không phù hợp với các môn học trong chương trình đào tạo của các ngành nghề đã nêu, làm cho các em khi học cũng khó đạt kết quả theo yêu cầu, sau khi đã tốt nghiệp cũng khó đạt chuẩn đầu ra và khó tìm kiếm việc làm.

Nếu trong tuyển sinh Trường nào có một số tổ hợp quá xa ngành nghề đào tạo, ví dụ tổ hợp Văn, Sử, Giáo dục công dân vào đào tạo khối ngành kỹ thuật như Công nghệ Kỹ thuật ô tô, Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ kỹ thuật xây dựng v.v. thì Nhà trường cần xét thêm kết quả các môn học khác trong học bạ như các môn: toán, lý, hóa, tin học, ngoại ngữ. Tương tự như vậy các tổ hợp khác.

Hiện nay, giáo dục Đại học của Việt Nam đang hướng tới tự chủ. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng tự chủ không có nghĩa các trường thích làm gì thì làm. Vì việc tuyển sinh những tổ hợp không phù hợp sẽ dẫn đến chuyện sinh viên vào trường không học được. Ông nghĩ sao?

Tự chủ là thuộc tính của các trường ĐH. Quản lý nhà nước về giáo dục ban hành các văn bản pháp quy. Trên cơ sở các quy định của Luật Giáo dục, các Luật chuyên ngành khác và các Thông tư, Quy chế của Bộ thì các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trước xã hội về toàn bộ các hoạt động của mình.

Việc một số trường tuyển sinh những tổ hợp không phù hợp thì học sinh cũng sẽ phải có trách nhiệm tự cân nhắc năng lực phù hợp của mình để quyết định có nên tham gia xét tuyển hay không. Đặc biệt là cân nhắc đến hậu quả và những tốn kém cho gia đình và bản thân. Các trường cũng cần bàn bạc kỹ trước khi công bố các tổ hợp trong việc xét tuyển. Công nghiệp 4.0 hướng tới nền giáo dục 4.0 là cá thể hóa vai trò và các quyết định.

Các trường ĐH với đầy đủ tổ chức từ Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, các Hội đồng tư vấn khác v.v...và lại được kiểm định chất lượng giáo dục, bị giám sát bởi các điều kiện và tiêu chí đảm bảo chất lượng thì phải tự chủ trong mọi hoạt động trong đó có tuyển sinh. Các trường cũng phải chịu trách nhiệm nếu gây hậu quả cho xã hội và cho người học.

Theo ông, có cần thiết phải quy định xét tuyển cụ thể những tổ hợp với ngành nghề đào tạo không? Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong vấn đề này như thế nào?

Tôi nghĩ không cần quy định xét tuyển cụ thể những tổ hợp với ngành nghề đào tạo nhưng cần có những cuộc Hội thảo để phân tích và có những khuyến nghị cụ thể. Trước đây chúng ta đã có quy định này vài chục năm. Các trường phải chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh và đào tạo khi tuyển những tổ hợp quá khác biệt.

Giáo dục ĐH ngày càng thay đổi, yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tìm kiếm và tự tạo việc làm của sinh viên tốt nghiệp, yêu cầu hội nhập quốc tế của giáo dục, quyền tự chủ của các trường thì quản lý nhà nước cũng phải được đổi mới.

Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong vấn đề này là ban hành các Quy chế đào tạo, tuyển sinh, các chính sách về đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng, chiến lược phát triển v.v... Đồng thời Bộ làm nhiệm vụ thống kê, đánh giá hoạt động của các trường để điều chỉnh các chính sách cho phù hợp và kịp thời trong đó có chính sách về tuyển sinh.

Xin cảm ơn ông!

Theo Nghiêm Huê

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm