"Xét phong hàm GS, PGS - Không nên gói gọn bằng tiêu chuẩn cứng nhắc"

(Dân trí) - GS. Nguyễn Văn Tuấn (hiện đang giữ chức giáo sư tại ĐH New South Wales và ĐH Công nghệ Sydney, Úc) nhận định rằng có vài ngộ nhận trong những tranh luận quanh dự thảo công nhận chức danh GS, PGS. Một trong số đó là ngộ nhận về việc phải đặt ra một loạt quy định “cứng” để công nhận chức danh GS, PGS trong cả nước.

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) ngay khi vừa công bố đã thu hút sự quan tâm của dư luận và nhận được nhiều ý kiến đóng góp.

Theo đó, dự thảo đưa ra một loạt điểm mới nhằm xây dựng quy định "cứng" công nhận phong hàm GS, PGS với mục đích nâng cao chuẩn, tiếp cận với các tiêu chuẩn của quốc tế.

Phương Tây rất hiếm ban hành “tiêu chuẩn chung” để xét phong hàm

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, việc thay đổi để nâng cao tiêu chuẩn như hiện nay là rất kịp thời, cần thiết, tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ, thận trọng và tránh những ngộ nhận về nguyên tắc xây dựng tiêu chuẩn, quy trình theo hướng quốc tế.

GS Tuấn cho rằng, dự thảo hiện nay đặt nặng các tiêu chuẩn mang tính định lượng như "điểm" về năng suất khoa học, "quy đổi" điểm bài báo khoa học, thời gian công tác…

Nhận xét về những cuộc tranh luận, góp ý xoay quanh dự thảo mới, GS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, chúng ta dường như đang bàn nhiều về các tiêu chuẩn ở "nước ngoài" và "quốc tế" nhằm xây dựng quy chuẩn tiến sát thế giới, song nếu soi vào thực tế hội đồng đề bạt chức vụ GS, PGS ở một đại học phương Tây thì dễ thấy, có vài ngộ nhận.


GS. Nguyễn Văn Tuấn hiện đang giữ chức giáo sư của ĐH New South Wales và ĐH Công nghệ Sydney (Úc) và GS kiêm nhiệm ĐH Notre Dame (Hoa Kỳ).

GS. Nguyễn Văn Tuấn hiện đang giữ chức giáo sư của ĐH New South Wales và ĐH Công nghệ Sydney (Úc) và GS kiêm nhiệm ĐH Notre Dame (Hoa Kỳ).

Theo GS Tuấn, ngộ nhận thứ nhất chính là "đặt ra một tiêu chuẩn chung để công nhận chức danh GS, PGS trong nước".

Vị GS Việt tại Úc lý giải, các nước phương Tây rất hiếm khi ban hành quy định “cứng” công nhận chức danh GS, PGS. Ở nước ngoài, mà cụ thể là Úc, Canada và Mĩ, việc bổ nhiệm và đề bạt chức vụ (chức không phải "chức danh") giáo sư là do đại học phụ trách.

Mỗi đại học có những tiêu chuẩn và quy định riêng phù hợp với quá trình phát triển của trường. Chẳng hạn như ở Úc này tiêu chuẩn chức vụ giáo sư của nhóm trường "G8" khác với tiêu chuẩn giáo sư ở các trường ngoài G8.

Thậm chí, ở mỗi trường, các khoa có các bộ tiêu chuẩn khác nhau, bởi vì mỗi chuyên chuyên ngành có một "văn hoá khoa bảng" khá đặc thù, nên không thể nào đề ra một tiêu chuẩn chung được.

Không thể nào lấy tiêu chuẩn của các ngành khoa học tự nhiên hay y khoa ra để áp đặt cho ngành khoa học xã hội; không thể lấy tiêu chuẩn của ngành khoa học xã hội ra để dùng cho ngành kĩ thuật và công nghệ. Tuy nhiên, tất cả các trường và chuyên ngành đều xây dựng bộ tiêu chuẩn dựa trên khung tiêu chuẩn chung, đó là tiêu chuẩn về giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đóng góp cho chuyên ngành, đóng góp cho trường, đóng góp cho quốc gia.

Một GS hay PGS phải “tròn” - đó mới là thông lệ quốc tế

Có quan điểm cho rằng tiêu chuẩn về viết sách là không cần thiết vì quốc tế không dùng sách để xét phong GS, PGS.

GS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng quan điểm có lẽ cần phải xem lại, bởi vì trong thực tế, ở nước ngoài (như tại Mỹ hay Úc), viết sách chuyên khảo và chương sách được xem là một trong những tiêu chuẩn học thuật để được xét duyệt đề bạt chức vụ GS, PGS.

Không chỉ sách, mà còn chương sách cũng được xem xét như là năng suất khoa học. Được mời đóng góp chương sách là một tín hiệu về uy danh khoa học của ứng viên.

Nhưng ông cũng nói rõ là sách do các nhà xuất bản học thuật có uy tín như Springer, Elsevier, Wiley... xuất bản, chứ không phải sách xuất bản bởi các nhà xuất bản trong nước.

“Trong các ngành khoa học thực nghiệm, tuy tiêu chuẩn viết hay biên soạn sách không được đánh giá cao bằng công trình nghiên cứu, nhưng nếu sách được bán chạy và có nhiều trích dẫn, thì vẫn được đánh giá cao.

Đối với các ngành khoa học xã hội thì xuất bản sách là khá quan trọng. Có những cuốn sách chỉ xuất bản vài năm mà đạt hơn 10 ngàn trích dẫn thì giá trị có khi hơn cả trăm công trình nghiên cứu”, ông Tuấn nhận định.


Dự thảo về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS mà Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng GS, PGS Việt Nam.

Dự thảo về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS mà Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng GS, PGS Việt Nam.

Điều ngộ nhận cuối cùng mà GS Nguyễn Văn Tuấn đề cập đến là quan điểm cho rằng “các nước tiên tiến không hề lấy tiêu chuẩn hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ để phong hàm GS".

Ông Tuấn cho rằng, điều này cũng cần phải xem xét lại. Trong khung tiêu chí về bổ nhiệm và đề bạt chức vụ GS thì việc hướng dẫn nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ, nghiên cứu sinh tiến sĩ và thạc sĩ là một tiêu chuẩn về giảng dạy và đào tạo. Do đó, đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ và hậu tiến sĩ là một trong những tiêu chuẩn khoa bảng để được xem xét đề bạt chức vụ GS, PGS ở các nước tiên tiến.

Ở các nước như Mĩ và Úc thì một giảng viên (lecturer ở Úc) hay assistant professor (một bậc giáo sư bên Mĩ) có tư cách hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ. Một giáo sư mà không có đào tạo ra một tiến sĩ nào thì rất khó có thể gọi là "professor".

Trong các hồ sơ xin đề bạt chức vụ giáo sư ở Úc, trường đại học yêu cầu ứng viên phải liệt kê danh sách cụ thể tiến sĩ và hậu tiến sĩ đã đào tạo, tên gì, hiện nay ở đâu, có theo đuổi sự nghiệp khoa học hay không.

Trả lời câu hỏi “Vậy thế nào mới là những tiêu chuẩn tiệm cận tiêu chuẩn các nước tiên tiến?”, GS Nguyễn Văn Tuấn khẳng định:“Một GS hay PGS phải “tròn”, chứ không phải chỉ gói gọn trong mấy con số vô hồn và những tiêu chuẩn cứng nhắc”.

Cụ thể, mỗi cấp giáo sư phải có bộ tiêu chuẩn phản ánh 4 đóng góp: giảng dạy, nghiên cứu khoa học, khả năng lãnh đạo, phục vụ và đóng góp cho trường đại học, đóng góp cho chuyên ngành và đóng góp cho Việt Nam.

Ngoài ra, một tiêu chuẩn rất quan trọng khác mà trường hay xem xét, đó là khả năng thu hút tài trợ cho nghiên cứu khoa học, thể hiện cụ thể qua số tiền mà ứng viên đem về cho trường.

Có những người công bố khoa học rất tốt, nhưng không thu hút được nghiên cứu sinh, hay không thu hút tài trợ, hay chẳng có đóng góp gì cho chuyên ngành, thì cũng rất khó được đề bạt giáo sư. Đó mới là thông lệ và cách làm quốc tế.

Giáo sư Tuấn nhấn mạnh rằng nếu theo đúng tiêu chuẩn quốc tế thì phải phân chia rạch ròi 3 cấpgiáo sư lần lượt từ thấp đến cao: Assistant Professor (giáo sư trợ lí), Associate Professor (giáo sư dự bị hay "phó giáo sư"), Professor (giáo sư). Mỗi cấp giáo sư đều có thời hạn bổ nhiệm nhất định, thường là 5 năm. Ngoài ra, nếu theo đúng thông lệ ở các nước tiên tiến thì nên chia thành 3 ngạch giáo sư: nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ (service).

“Bổ nhiệm hay đề bạt giáo sư là một hình thức ghi nhận và tưởng thưởng cho sự đóng góp của ứng viên, mà đóng góp thì có nhiều hình thức chứ không phải chỉ khoa học.

Ở Úc, có một số ít người tuy không có bằng tiến sĩ và cũng chẳng làm nghiên cứu khoa học hay giảng dạy, nhưng vẫn được bổ nhiệm giáo sư chính thức (không phải "danh dự") vì họ có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của trường đại học”, ông Tuấn chia sẻ.

Lệ Thu (ghi)