Bạn đọc viết:

Xếp loại hạnh kiểm học sinh khiến giáo viên chủ nhiệm “đau đầu”

(Dân trí) - Giáo viên chúng tôi thường đùa nhau, xếp loại hạnh kiểm cho HS là việc làm khiến giáo viên chủ nhiệm “hại não” nhất. Mỗi mùa thi về, không ít thầy cô bị stress rồi mất ăn, mất ngủ cũng vì chuyện này…

Những ngày này, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp 9 chúng tôi đang tất bật để hoàn thành xếp loại hai mặt giáo dục cho học sinh (HS). Một trong những điều đắn đo, khó khăn nhất với GV chúng tôi có lẽ chính là việc xếp loại hạnh kiểm hay còn gọi là hành vi đạo đức cho các em. 

Bây giờ chúng tôi thường đùa nhau, xếp loại hạnh kiểm cho HS là việc làm khiến GVCN “hại não” nhất. Mỗi mùa thi về, không ít thầy cô bị stress rồi mất ăn, mất ngủ cũng vì chuyện này.

Thực tế, việc xếp loại hạnh kiểm cho các em chẳng khó khăn gì cả. GVCN đã xếp loại hàng tuần, hàng tháng cả rồi. Cuối mỗi học kì thì GV chỉ cần tổng hợp lại là xong thôi.

Vậy nhưng trên thực tế hiện nay, GV xếp loại hạnh kiểm cho các em là rất khó, nhất là vào cuối năm học. Đối với những em chăm ngoan thì chẳng nói làm gì. Riêng những HS thường xuyên vi phạm nội quy lớp, trường mới khó xếp loại. Nếu theo đúng quy định Thông tư 58/2011/TT- BGDĐT quy định thì nhiều em chỉ xếp ở mức Khá hoặc Trung bình thôi.

Cuối năm học, nhiều GVCN thường xin ý kiến chỉ đạo của ban giám hiệu về việc xếp loại hạnh kiểm của HS lớp mình, nhất là những lớp có nhiều HS cá biệt.

Một số thầy cô mong muốn được đánh giá đúng về hạnh kiểm của các em. Ai chăm ngoan thì xứng đáng đạt loại Tốt. Riêng những em còn thiếu sót sẽ biết sai mà cố gắng, phấn đấu sửa chữa nữa. Chứ đánh đồng chung đều tốt thì chẳng ổn chút nào.

Vậy nhưng ban giám hiệu nhà trường thì có bao giờ đồng ý như vậy đâu. Lí do ban giám hiệu đưa ra là do chỉ tiêu đưa xuống trường thường rất cao. Hạnh kiểm thường phải đạt 98-99% loại Tốt. Trên đã giao xuống rồi, GV cứ thế mà thực hiện. Ai không đạt chỉ tiêu thì  sẽ bị trừ điểm thi đua.

Ngoài ra, một lí do nữa mà chúng tôi biết là ban giám hiệu trường thường ngại việc phụ huynh thưa gửi. Bây giờ, nhiều phụ huynh chỉ thấy con xếp loại Khá hoặc Trung bình là vào trường làm ầm ĩ hết cả lên.

Họ cho rằng thầy cô giáo chủ nhiệm đang trù úm con mình. Rồi hạnh kiểm vầy thì sau này các con sẽ thiệt thòi khi thi tuyển 10... Cuối cùng để đỡ rắc rối, ban giám hiệu thường nhắc GVCN du di cho những em từng vi phạm. Cả lớp đều hạnh kiểm Tốt, chỉ vài trường hợp cá biệt là Khá thôi.

Cách xếp loại dễ dãi kiểu này nên trò mới ngày càng lờn mặt thầy cô. Bây giờ các em chẳng còn biết sợ thầy cô chủ nhiệm là gì nữa. Các em cứ tự do vi phạm nội quy vì các em luôn nghĩ thầy cô chẳng dám làm gì mình đâu. Cuối năm hạnh kiểm vẫn Tốt hết cả mà.

Một cô bạn gái của tôi dạy cấp 2 ở một trường điểm của thành phố từng tâm sự thế này: “HS bây giờ coi trời bằng vung cũng do GV mình xếp loại hạnh kiểm quá dễ. Chúng cứ truyền tai nhau rằng cô giáo chẳng dám hạ hạnh kiểm mình đâu”.

Nhiều lần bạn từng đề xuất chuyện này cùng ban giám hiệu trường nhưng rồi hiệu trưởng chỉ nhẹ nhàng bảo bạn rằng: “Mình là nhà giáo nên bao dung cho các em đi. Chúng chỉ là HS thôi mà. HS thì thời nào chẳng thế. Giờ mà hạ hạnh kiểm thì tội nghiệp các em lắm”. Cuối cùng bạn chỉ còn biết thở dài trong ngao ngán mà thôi.

Là một GV, tôi rất đồng ý với việc không xếp loại hạnh kiểm Yếu cho các em. Thế nhưng những em thường xuyên vi phạm nội quy của lớp, của trường nhưng có sửa chữa thì hạnh kiểm Khá. Riêng những em vi phạm nội quy nghiêm trọng như đánh nhau thì phải chịu mức hạnh kiểm Trung bình. Thầy cô có nghiêm khắc như vậy thì các em mới tiến bộ được.

Xếp loại hạnh kiểm cần cả yếu tố công bằng và khách quan nữa. Chúng ta thương các em nhưng vẫn phải thực hiện thật nghiêm khắc. Nếu chúng ta quá dễ dãi trong chuyện này, các em sẽ còn vi phạm và sẽ không bao giờ biết nhận ra cái sai của mình đâu.

Câu chuyện xếp loại hạnh kiểm của HS trong trường học tưởng đơn giản mà chẳng còn đơn giản chút nào cả.

LT

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!