Xếp hạng nghiên cứu đại học Việt Nam: Cần giảm bớt hiện tượng “cào bằng”, “ăn theo” trong khoa học
(Dân trí) - ĐHQG Hà Nội vừa công bố xếp hạng các đại học Việt Nam năm 2019 thông qua các chỉ số về nghiên cứu (UPM). Đây có thể nói là bảng xếp hạng đại học đầu tiên của Việt Nam được công bố bởi một tổ chức chính thống, dưới dạng sản phẩm của nhóm triển khai đề tài khoa học thuộc Chương trình khoa học quốc gia về khoa học giáo dục.
UPM dựa vào các tiêu chí trắc lượng nghiên cứu sau:
- Quy mô nghiên cứu (45%): tổng số các bài báo tích hợp, đã được lọc trùng từ 2 cơ sở dữ liệu Web of Science và Scopus của các đại học xuất bản trong giai đoạn 2015-2019.
- Năng suất nghiên cứu (25%): chỉ số bài báo trung bình trên giảng viên (và nghiên cứu viên).
- Chất lượng nghiên cứu (25%): chỉ số trích dẫn trung bình thu thập được trong năm 2019 cho các bài báo xuất bản trong giai đoạn 2014-2015.
- Chỉ số công bố bằng nội lực (5%): tỉ lệ phần trăm các bài báo hoàn toàn của tác giả Việt Nam.
Với các tiêu chí như trên, nhóm 5 đại học hàng đầu Việt Nam theo UPM (có thứ tự) gồm: Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐHQG TP.HCM, ĐHQG Hà Nội, trường ĐH Duy Tân và trường ĐHBK Hà Nội.
Kết quả xếp hạng này của UPM cũng phù hợp với xếp hạng đại học của các tổ chức uy tín trên thế giới như ARWU và URAP. Trước đây, Nhóm trắc lượng khoa học của ĐH Duy Tân cũng đã công bố kết quả xếp hạng về nghiên cứu cho các đại học Việt Nam với những tính toán rất công phu và có thể kiểm chứng được, mặc dù cũng còn một số điểm cần cải tiến.
Cách đánh giá của UPM không chỉ quan tâm về số lượng mà còn có cố gắng cả về chất lượng. Tuy nhiên, có hai điểm yếu thuộc dạng tối kỵ tiêu biểu trong nghiên cứu mà các tổ chức xếp hạng đại học uy tín trên thế giới vẫn còn mắc phải mà UPM vẫn không vượt qua được là:
- Cào bằng đẳng cấp các tạp chí.
- Cào bằng đối với đóng góp của tác giả, chủ “sở hữu” công trình.
Về đẳng cấp tạp chí: Khi đánh giá đẳng cấp khoa học thì không thể cào bằng theo số lượng bài công bố, mà phải quan tâm đến việc một công trình được công bố ở đâu, tạp chí nào, các chỉ số trắc lượng khoa học của tạp chí đó ra sao? Rất tiếc là UPM đã không quan tâm đến tiêu chí quan trọng này.
Hai chỉ số trắc lượng khoa học tiêu biểu để đánh giá đẳng cấp của các tạp chí khoa học là chỉ số ảnh hưởng (impact factor, IF) và chỉ số H (H-index). Một tạp chí với chỉ số H là 1096 như Nature không thể so với tạp chí ISI/Scopus có chỉ số H bằng 0 như ABAC Journal được:
Về đóng góp của tác giả, chủ “sở hữu” công trình: Khi xem xét một công trình khoa học, vị trí của các giả trong công trình cho biết hàm lượng chất xám mà tác giả có đóng góp vào công trình đó.
Thông lệ chung của trắc lượng khoa học thì tác giả đầu (first author) và tác giả gửi bài (corresponding author) là những người có nhiều đóng góp nhất cho công trình từ vạch ra hướng nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu cho đến trao đổi với tạp chí cho đến khi công trình được công bố; có một số nhóm nghiên cứu ghi tên tác giả theo thứ tự abc.
Thêm nữa, địa chỉ đại học của các tác giả gửi bài cho biết công trình đó thuộc “sở hữu” của đại học đó (“sở hữu” được hiểu theo nghĩa đơn vị chủ trì); đây là điểm rất quan trọng rất cần được để ý, ví dụ như công trình ISI dưới đây có tác giả gửi bài từ trường ĐH Tôn Đức Thắng thì chính nơi đây đã chủ trì công trình nghiên cứu này:
Ngược lại, có những công trình có hàng trăm tác giả đến từ 88 cơ quan khác nhau trên thế giới, trong đó có Việt Nam (nhưng thực tình là muốn tìm ra tác giả và cơ quan Việt Nam thì rất khó), nhưng đơn vị chủ trì ở Hà Lan:
Cũng cần nói thêm, ý tưởng về “nội lực” của UPM rất thú vị, nhưng định nghĩa mà UPM đưa ra “các bài báo hoàn toàn của tác giả Việt Nam” thì cũng nên xem lại.
Tác giả Việt Nam là sao? Một tác giả là nhân sự cơ hữu cho một đại học Việt Nam nhưng mang quốc tịch nước ngoài thì có được xem là tác giả Việt Nam không? Nếu UPM định nghĩa “nội lực” theo thông lệ trắc lượng khoa học – nghĩa là xem “nội lực” là cơ quan của tác giả gửi bài thì sẽ phù hợp hơn.
Đối với các bảng xếp hạng đại học trên thế giới như THE, ARWU, URAP, QS, … thì do họ phải xử lý dữ liệu lớn khi phải xem xét nhiều đại học trên thế giới nên rất khó để họ có thể đánh giá sâu về mặt chất lượng như đã nêu.
Tuy nhiên, việc đánh giá sâu về chất lượng của các công bố khoa học là hoàn toàn khả thi trong bối cảnh Việt Nam vì số các đại học chỉ có 235 và công bố quốc tế của các đại học vẫn còn khiêm tốn, có đại học không có hoặc chỉ có vài công bố quốc tế.
Hy vọng UPM cải tiến cách xếp hạng trong thời gian tới để góp phần quan trọng trong việc phân hạng tạp chí theo đẳng cấp và cũng giảm bớt hiện tượng “cào bằng” hay “ăn theo” trong khoa học thông qua việc đứng tên “ké” vào các công trình.
Một khi, UPM thay đổi cách đánh giá theo hướng chất lượng một cách phù hợp với các thông lệ trắc lượng khoa học như đã nêu thì chắc chắn bảng xếp hạng sẽ thú vị hơn nhiều và nhiều vị trí trong bảng xếp hạng 2019 sẽ phải thay đổi.
TS. Lê Văn Út