Xếp hạng nghiên cứu đại học Việt Nam: Gần 20 trường đạt chuẩn trung bình châu Á?
(Dân trí) - Hệ thống đánh giá chất lượng đại học Việt Nam UPM của ĐH Quốc gia HN vừa công bố kết quả xếp hạng chỉ số nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) Việt Nam năm 2019. Theo đó, Việt Nam có gần 20 trường đạt chuẩn trung bình châu Á.
Đặc biệt, hệ thống đánh giá chất lượng đại học Việt Nam UPM (University Performance Metrics - http://upm.vn/), trường ĐH Tôn Đức Thắng đứng đầu bảng xếp hạng tổng thể, quy mô và năng suất nghiên cứu, trường ĐH Y Hà Nội đứng đầu về xếp hạng chỉ số trích dẫn và trường ĐH Điện lực dẫn đầu về chỉ số công bố bằng nội lực.
Phóng viên Dân trí đã trao đổi với GS Nguyễn Hữu Đức – Nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội – người trực tiếp phụ trách hệ thống về các tiêu chí và nguyên tắc của Bộ tiêu chí xếp hạng này.
Phóng viên: Hệ thống đánh giá chất lượng đại học Việt Nam UPM lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, GS cho biết các tiêu chí và nguyên tắc của Bộ tiêu chí xếp hạng này như thế nào?
GS Nguyễn Hữu Đức: Trước tiên, tôi xin được cảm ơn báo Dân trí đã luôn đồng hành cùng giáo dục đại học Việt Nam trong những năm qua. Nhất là gần đây, báo Dân trí đã truyền thông một kết quả nghiên cứu tình hình tăng trưởng công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) Việt Nam giai đoạn 2014-2018 của nhóm chúng tôi.
Năm 2019 cũng vừa đi qua với với sự tăng trưởng mạnh hơn nữa về công bố quốc tế trong hệ thống giáo dục đại học, chúng tôi thấy rất cần thiết phải nghiên cứu sâu hơn và xếp hạng đầy đủ hơn các kết quả mới cập nhật này.
Theo nguyên tắc đo lường khoa học và thông lệ quốc tế, cơ sở dữ liệu về tổng số bài báo mà Việt Nam thường quan tâm chỉ là thông số đầu vào của việc đánh giá hoạt động nghiên cứu.
Việc xếp hạng thường được đối sánh theo cùng thứ nguyên, cấp độ và phải phản ánh được năng suất nghiên cứu của từng giảng viên và chất lượng nghiên cứu của từng bài báo.
Trong thời gian qua, vì số lượng công bố quốc tế còn ít và việc thu thập cơ sở dữ liệu còn khó khăn nên mọi người thường chỉ đánh giá mức độ nghiên cứu của các trường chỉ theo số lượng các bài báo và chỉ dựa trên các bài báo từ nguồn Web of Science hoặc Scopus riêng biệt.
Do đó, việc đánh giá không đầy đủ và công bằng. Lần này, nhóm nghiên cứu tiến hành đánh giá theo 4 tiêu chí với CSDL tích hợp của hai nguồn nói trên, cụ thể:
Tiêu chí 1: Quy mô nghiên cứu - tổng số các bài báo tích hợp, đã được lọc trùng từ 2 CSDL Web of Science và Scopus của các CSGDĐH xuất bản trong giai đoạn 2015-2019 với trọng số 45%.
Tiêu chí 2: Năng suất nghiên cứu – chỉ số bài báo trung bình trên giảng viên (và nghiên cứu viên) với trọng số 25%.
Tiêu chí 3: Chất lượng nghiên cứu – chỉ số trích dẫn trung bình thu thập được trong năm 2019 cho các bài báo xuất bản trong giai đoạn 2014-2015 với trọng số 25%.
Tiêu chí 4: Chỉ số công bố bằng nội lực – Tỉ lệ phần trăm các bài báo hoàn toàn của tác giả Việt Nam với trọng số 5%.
Ưu tiên các bài báo xuất bản bằng nội lực
Phóng viên: Quan điểm của nhóm nghiên cứu khi đặt ra các Bộ tiêu chí này?
GS Nguyễn Hữu Đức: Trong các bảng xếp hạng của QS, THE và cả ARWU, thường chỉ có 3 tiêu chí cuối được sử dụng và họ chỉ xếp hạng cho các trường có công bố trên 150 bài báo mỗi năm.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, kết quả công bố của các CSGDĐH của Việt Nam còn có quá khiêm tốn, nên giai đoạn này, chúng ta cũng cần đánh giá và khích lệ quy mô nghiên cứu của các trường, thúc đẩy để có thêm nhiều trường đặt ngưỡng của quốc tế.
Do đó, chỉ số này vẫn được đưa vào và thậm chí còn được đặt với trọng số rất cao (45%). Hai tiêu chí 2 và 3 thì đã hội nhập tuyệt đối, mỗi tiêu chí đều chiếm trọng số 25%. Riêng tiêu chí 4, tỉ lệ công bố bằng nội lực (hay ngoại lực) thường để đo mức độ hợp tác quốc tế.
Càng nhiều bài báo có tên tác giả nước ngoài, người ta đánh giá điểm càng cao. Sau này, khi tiến hành xếp hạng tổng thể các trường đại học, chúng tôi sẽ thực hiện như vậy và sẽ coi đó là một chỉ số hợp tác quốc tế.
Nhưng lần này thì ngược lại, các bài báo xuất bản bằng nội lực được ưu tiên. Đó là sự chia sẻ và ghi nhận nỗ lực của nhóm chúng tôi (và cả cộng đồng) đối với nỗ lực xác lập năng lực NCKH nội sinh của các CSGDĐH. Tuy nhiên trọng số đánh giá chỉ chiếm 5%.
Phóng viên: Tại sao lại phải tích hợp cả 2 CSDL Web of Science và Scopus trong đánh giá này, thưa GS?
GS Nguyễn Hữu Đức: Chúng ta đã biết nhiều về 2 CSDL nổi tiếng đó, nhưng chúng cũng chỉ trùng phủ nhau khoảng 70% mà thôi, không bao gồm hết được tất cả tạp chí khoa học trên thế giới.
Nếu chỉ thống kê riêng từng CSDL thì sẽ thiếu và thậm chí sẽ bị thiên lệch rất nhiều. Nguyên tắc xếp hạng là lựa chọn CSDL nào lớn và phong phú nhất. Do vậy các bảng xếp hạng QS và THE thường chọn CSDL Scopus. Scopus nhưng có độ bao trùm lớn hơn và ít bỏ sót các bài báo Web of Science.
Ví dụ, đối với trường ĐH Tôn Đức Thắng, năm 2.058 bài báo Web of Science và 2.586 bài Scopus, nhưng tổng cộng lại có 2.699 bài.
Đối với đại học có khoa học xã hội công bố quốc tế nhiều như ĐHQGHN chỉ số đó lần lượt là: Web of Science: 614, Scopus: 771 và tổng cộng là 843. Ở đây, thông qua hệ thống VCgate của nhóm (http://vcgate.vnu.edu.vn:3000/), chúng tôi có thể tích hợp được cả CSDL của các hai hệ thống này.
Đặc biệt hệ thống này cũng cho phép thu thập chỉ số trích dẫn từ nguồn Google Scholar. Như vậy, thế mạnh của cả 3 “ông lớn” về CSDL khoa học trên thế giới đều đã được UPM tích hợp. Nhờ đó mà cả số lượng công bố quốc tế và số lần trích dẫn được thống kê đầy đủ hơn.
Theo phân tích, chỉ số trích dẫn từ nguồn Vcgate cao hơn chỉ số thống kê riêng từ Web of Science hoặc Scopus khoảng 1,5 lần.
Xếp hạng đại học để nhận diện chính sách phát triển hợp lý
Phóng viên: GS chia sẻ các thông tin mới về kết quả xếp hạng lần này?
GS Nguyễn Hữu Đức: Trước tiên, xin được chia sẻ rằng mong muốn lớn nhất của nhóm là thông qua xếp hạng để được cung cấp các chỉ số nghiên cứu cho các CSGDĐH, giúp các trường nhận diện, đối sánh và xác định các chính sách phát triển hợp lý.
Về số liệu, với sự chủ động công nghệ của hệ thống Vcgate, nhóm đã có thể chuẩn hóa tên gọi tiếng Anh khác nhau của các CSGDĐH. Tuy nhiên, với tình trạng ghi địa chỉ không thống nhất như hiện nay, việc thống kê chắc chắn vẫn có một số dung sai.
Các trường có thể sử dụng kết quả xếp hạng này theo cách của mình, còn ý tưởng của chúng tôi là xếp kết quả theo nhóm: top 5, top 10, top 20, top 30 và một số trường trong nhóm 30++.
Theo tiếp cận đó, xếp hạng tổng thể nhóm 5 CSGDĐH mạnh nhất của Việt Nam vẫn chưa thay đổi so với năm 2018, chỉ có sự hoán vị các vị trí trong nhóm, trong đó Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã dành ngôi quán quân. Tiếp đến là ĐHQGTp.HCM và ĐHQGHN. Trường ĐH Duy Tân đã vượt qua Trường ĐH Bách khoa HN.
Tên các trường trong nhóm 5-10 đã có sự thay đổi nhiều, do tích hợp được đồng thời thế mạnh của cả 4 chỉ số, đặc biệt là chỉ số trích dẫn. Trong đó, có sự xuất hiện của Trường ĐH Y tế Công cộng, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Mỏ Địa chất và Trường ĐH Sư phạm Kỹ Thuật Tp.HCM.
Trong top 20, đặc biệt có tên của hai CSGDĐH lĩnh vực khoa học xã hội: Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TpHCM và một CSGDĐH tư thục: Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Còn trong top 30, có các tên rất mới của Trường ĐH Hàng hải, Trường ĐH Nông lâm và Trường ĐH Sư phạm TpHCM đã xuất hiện nhờ có sự gia tăng số lượng trong năm 2019.
Phóng viên: Đó là kết quả xếp hạng tổng thể, còn xếp hạng theo các chỉ số thì sao, thưa GS?
GS Nguyễn Hữu Đức: Điểm mới của cách xếp hạng này đã giúp xác định và tạo động lực thúc đẩy các trường phát huy thế mạnh nghiên cứu của các trường. Như có thể thấy, trong top 5, trong khi chỉ số quy mô nghiên cứu không khác nhiều so với kết quả xếp hạng tổng thể thì xếp hạng theo chỉ số trích dẫn và nội lực có sự thay đổi rất nhiều.
Về chỉ số trích dẫn, có tên Trường ĐH Duy Tân, ĐHQGHN, các trường trong nhóm Y dược và Mỏ địa chất.
Về chỉ số nội lực top 5 xướng tên Trường ĐH Điện lực, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Thái nguyên, Trường ĐH Hàng hải và Trường ĐH Công nghiệp TpHCM.
17 trường đại học đạt và vượt chuẩn 100 bài báo/năm
Phóng viên: Ngày 30/12/2019 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2019//NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó có quy định các điều kiện công nhận CSGDĐH định hướng nghiên cứu, GS có nhận xét gì qua kết quả xếp hạng chỉ số nghiên cứu này?
GS Nguyễn Hữu Đức: Nghị định này đòi hỏi trong 3 năm gần nhất, CSGDĐT công bố trung bình mỗi năm từ 100 bài báo trở lên và đạt tỷ lệ trung bình một giảng viên cơ hữu công bố mỗi năm từ 0,3 bài trở lên trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Như vậy, nước ta đã có 17 CSGDĐT đạt và vượt chuẩn 100 bài báo/năm.
Tuy nhiên, chỉ số công bố mỗi năm thì còn rất thấp, mới có 7 CSGDĐT đã và xấp xỉ đạt là Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Y tế Công cộng, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐHBKHN, ĐHQGHN, ĐHQGTpHCM và Trường ĐH Mở TpHCM.
Phóng viên: Thế còn khả năng đối sánh với các nước trong khu vực, thưa GS?
GS Nguyễn Hữu Đức: Theo thống kê và chuẩn hóa của tổ chức QS thì mức chuẩn trung bình về bài báo trên giảng viên là 5 bài/5 năm và chỉ số trích dẫn là 4,5 lần/bài. Như vậy, lần đầu tiên chúng ta đã có trường ĐH Tôn Đức Thắng đạt chuẩn về năng suất nghiên cứu của châu lục.
Còn chất lượng nghiên cứu thì Việt Nam có gần 20 trường đạt chuẩn trung bình châu Á. Điều này có thể gợi ý cho chiến lược phát triển của Việt Nam là không nên chạy theo số lượng mà nên tập trung vào chất lượng và đầu tư nghiên cứu những vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn.
Trân trọng cám ơn Giáo sư!
University Performance Metrics (UPM) là một bảng xếp hạng theo hình thức gắn sao (star rating) áp dụng cho các trường đại học của Việt Nam. Nhóm đưa ra 8 tiêu chuẩn với 60 tiêu chí, các tiêu chí đánh giá được xây dựng khá rộng theo tiếp cận kiểm định chất lượng và thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.
UPM vừa quản lý cơ sở dữ liệu tổng thể của hệ thống vừa cung cấp công cụ để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng để tự đo lường và đối sánh mức độ thích ứng với công nghiệp 4.0 và năng lực đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sang tạo với các cơ sở giáo dục đại học ở trong nước và châu lục; làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược đầu tư phát triển.
Mô hình đại học mà University Performance Metrics tiếp cận là mô hình đại học định hướng đổi mới sáng tạo.
UPM là sản phẩm của nhóm triển khai đề tài khoa học thuộc Chương trình khoa học quốc gia về Khoa học giáo dục do GS Nguyễn Hữu Đức, TS Võ Đình Hiếu, ThS Nguyễn Hữu Thành Chung, TS Nghiêm Xuân Huy (ĐH Quốc gia Hà Nội) thực hiện.
Hồng Hạnh